Hà Nội đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa với cả nước

ANTD.VN - Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, đặc biệt là trong dịp Tết năm 2017, đồng thời thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chiều qua 1-12, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao thương kết nối cung cầu sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2016. 

Giao thương kết nối phân phối sản phẩm giữa các địa phương sẽ tạo đà cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp

Dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương; lãnh đạo, đại diện các tỉnh, thành phố cùng doanh nghiệp của gần 50 tỉnh, thành phố trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giao thương với 13 tỉnh Tây Nam bộ, Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, Bình Thuận, Lâm Đồng... đã tạo ra nhiều cơ hội liên kết hợp tác kinh tế cũng như định hướng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô khi đẩy mạnh khai thác nhiều thế mạnh của các địa phương, tiêu thụ thông qua hệ thống phân phối của mình và ngược lại.

Việc kết nối giao thương còn mang lại nhiều lợi ích tích cực, thách thức tích cực cho chính các doanh nghiệp Thủ đô.

Đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã tổ chức các chương trình liên kết vùng, giao thương kết nối cung cầu với trên 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng trong năm 2016 đã có thêm 350 hợp đồng, biên bản thỏa thuận, ghi nhớ hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương vào các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố...

Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, Hà Nội là thị trường tiêu thụ với sức mua lớn của cả nước, hạ tầng thương mại được đầu tư với quy mô lớn, mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước với 21 trung tâm thương mại, 118 siêu thị, 545 chợ, trên 600 hệ thống cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm... có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu.

Hàng năm, Hà Nội đón trên 20 triệu lượt khách, trong đó trên 4 triệu lượt khách quốc tế. Hiện nay, Hà Nội còn được đánh giá là thị trường bán lẻ mới nổi, được bình chọn đứng thứ 13/19 thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới.

“Tôi hy vọng rằng, Hội nghị giao thương kết nối cung cầu diễn ra hôm nay cùng với nhiều hoạt động do thành phố tổ chức sẽ là chuỗi sự kiện liên kết có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương một cách ổn định, bền vững” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh. 

Khẳng định ý nghĩa của Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, việc kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước không chỉ đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho Hà Nội mà còn giúp khai thông nguồn hàng hóa đảm bảo an toàn, đồng thời Hà Nội còn là cửa ngõ để hàng hóa của các tỉnh, thành phố hướng ra thế giới. 

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện các địa phương đều đánh giá cao hoạt động thiết thực này của Hà Nội. Tuy nhiên, các địa phương cũng nêu một số khó khăn khi tiếp cận thị trường Hà Nội như việc sản xuất hàng hóa đa phần nhỏ lẻ, manh mún, vì vậy không áp dụng được các tiêu chuẩn hàng hóa, rất khó để đưa vào các kênh phân phối lớn.

Các hộ, hợp tác xã sản xuất hàng hóa nông sản vẫn theo tập quán truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục, giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm, thu gom, bảo quản, vận chuyển... Vì vậy, rất cần sự hợp tác, đặc biệt cần phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu mối, các hợp tác xã để có những chuỗi liên kết sản xuất.

Đại diện các hệ thống phân phối lớn tại Hà Nội như Central Group Vietnam (BigC),               Vincommerce, Trung tâm thương mại V+Hòa Bình... đều khẳng định sẵn sàng mở cửa chào đón tất cả các sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đồng thời hỗ trợ về vấn đề thương hiệu, marketing cho các sản phẩm.

Cũng tại Hội nghị, 21 nhà phân phối đã ký biên bản kết nối với 265 doanh nghiệp, nhà sản xuất, hợp tác xã, Trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh với trị giá tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh về địa bàn thành phố trong dịp Tết và năm 2017 đạt trên 17.000 tỷ đồng; tiêu thụ hàng hóa của Hà Nội về các tỉnh đạt trên 6.500 tỷ đồng.