Hà Nội dành hơn 290 tỷ đồng để tầm soát bệnh tật bẩm sinh cho trẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội sẽ dành hơn 290 tỷ đồng từ nay đến 2030 để đạt mục tiêu tầm soát từ 5 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến trở lên cho 95% trẻ sơ sinh...
Hà Nội dành hơn 290 tỷ đồng để tầm soát bệnh tật bẩm sinh cho 95% trẻ sơ sinh vào năm 2030

Hà Nội dành hơn 290 tỷ đồng để tầm soát bệnh tật bẩm sinh cho 95% trẻ sơ sinh vào năm 2030

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt đề án tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là 1,73%, tức mỗi năm thế giới có khoảng 8 triệu trẻ em chào đời bị mắc ít nhất một dị tật bấm sinh.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có khoảng 1,5 triệu trẻ em được sinh ra, trong đó có khoảng 1.400 - 1.800 trẻ em mắc hội chứng Down; 200 - 250 trẻ em mắc hội chứng Edwards; 1.000 - 1.500 trẻ em bị dị tật ống thần kinh; khoảng 2.200 trẻ em mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) thể nặng và còn nhiều bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.

So với cả nước, thành phố Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh của toàn Thành phố đạt 70% vào năm 2015. Năm 2016, sàng lọc được 72% bà mẹ mang thai, năm 2020 đạt tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 85%.

Trong vòng 5 năm 2016- 2020, Hà Nội đã thực hiện siêu âm hội chẩn 9.915 trường hợp, đình chỉ thai nghén 1.278 ca thai nhi bất thường. Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh của toàn thành phố đạt 80% năm 2015, năm 2016 là 82%, năm 2020 đạt tỷ lệ sàng lọc sơ sinh là 85% .

Tuy nhiên đề án cũng nêu rõ, trung bình giai đoạn 2016-2020, mỗi năm có khoảng gần 120.000 trẻ em được sinh ra trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong khi đó, hiện tại sàng lọc sơ sinh một số loại bệnh, tật đưa vào sàng lọc sơ sinh còn hạn hẹp so với nhu cầu thực tế. Hiện mới miễn phí sàng lọc 2 bệnh (thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh)...

Công tác quản lý, giám sát đối với hệ thống cung cấp dịch vụ và kết nối với quản lý đối tượng còn nhiều bất cập; công tác quản lý, theo dõi, điều trị các đối tượng nghi ngờ, chẩn đoán xác định còn gặp khó khăn và chưa có quy trình chuẩn về công tác này.

Đối với vai trò trong sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân hiện mới huy động chủ yếu được các cơ sở y tế công lập tham gia, chưa thấy rõ được vai trò của y tế tư nhân trong khi đó, đây là một bộ phận cung ứng dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tương đối lớn.

Sàng lọc Thalassemia cho học sinh Trung học cơ sở

Mục tiêu tổng quát của đề án được nêu rõ là: Phổ cập tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; Tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh nhằm giảm thiểu số trẻ em sinh ra bị bệnh, tật bẩm sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các chỉ tiêu cụ thể của đề án: Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đến năm 2025 đạt 85% và năm 2030 đạt 95%.

Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát từ 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến trở lên đạt 85% vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 90%.

Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát từ 5 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến trở lên đạt 90% vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 95%.

Sàng lọc Thalassemia cho đối tượng học sinh Trung học cơ sở , Trung học phổ thông; ưu tiên cho các xã thuộc huyện có đồng bào dân tộc thiểu số (trung bình khoảng ít nhất 5.000 ca/năm)…

Hà Nội cũng đặt chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030:100% các bà mẹ có thai được tuyên truyền, tư vấn về tầm soát trước sinh ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến, tầm soát sơ sinh ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến...

Đảm bảo cung cấp đầy đủ hóa chất, sinh phẩm và vật tư tiêu hao phục vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Sàng lọc Thalassemia cho học sinh Trung học cơ sở (THCS), Trung học phổ thông (THPT) ở các xã thuộc huyện có đồng bào dân tộc thiểu số.

Đảm bảo đủ hóa chất, sinh phẩm và vật tư tiêu hao cho các đơn vị thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm thực hiện hoàn thành 90% phụ nữ mang thai được tầm soát từ 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến trở lên và 95% trẻ sơ sinh được tầm soát từ 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến trở lên vào năm 2030...

Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước (nguồn chi thường xuyên).

Cụ thể, nguồn kinh phí thành phố giai đoạn 2022-2030: 290.972.000.000 đồng (Hai trăm chín mươi tỷ chín trăm bảy mươi hai triệu đồng), trong đó: Nguồn ngân sách nhà nước (kinh phí sự nghiệp y tế):92.363.000.000 đồng; Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán Trước sinh và sơ sinh Thành phố): 9.000.000.000 đồng; Nguồn kinh phí hợp pháp khác (nguồn người dân tự chi trả, nguồn tài trợ, viện trợ): 189.609.000.000 đồng.

Các quận, huyện, thị xã bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các nội dung: tuyên truyền, vận động người dân và cộng đồng về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; thực hiện chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu thành phố giao; phụ nữ mang thai được thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh; tổ chức cung cấp gói dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho thanh niên; tư vấn, thực hiện lấy mẫu máu gót chân của trẻ sơ sinh để sàng lọc sơ sinh...

Khám sức khỏe tiền hôn nhân ngay từ xã phường

Năm 2020, thành phố có 1.505.130 thanh niên có độ tuổi từ 16-30 tuổi, trong đó có 747.309 nam, 757.821 nữ. Trong những năm qua, thành phố đã triển khai các hoạt động về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn nhằm vào nhóm đối tượng này hoặc sớm hơn. Tuy nhiên, các hoạt động mới tập trung ở việc triển khai các mô hình nhỏ lẻ tại các xã, phường, thị trấn và chưa đồng bộ, số lượng đối tượng đích tham gia còn hạn chế...

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030: 95% xã, phường, thị trấn có điểm, cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn... ít nhất 95% nam, nữ thanh niên được tuyên truyền, tư vấn về khám sức khỏe trước khi kết hôn.