Hà Nội dành 1.865 tỷ đồng để giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hà Nội sẽ dành 1.865 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025. Đáng chú ý, TP sẽ làm cầu thép lắp ghép trên sông Tô Lịch...
Hà Nội dành 1.865 tỷ đồng để giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông

Hà Nội dành 1.865 tỷ đồng để giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông

Sáng 10/12, các biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Hà Nội đặt chỉ tiêu hằng năm xử lý từ 7 đến 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc; không để xảy ra các vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút, xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn, qua đó góp phần giảm tai nạn từ 5-10% hàng năm trên cả 3 tiêu chí.

Để thực hiện chương trình này, Hà Nội đặt ra 10 nhiệm vụ giải pháp. Trong đó có việc tăng cường thực hiện quản lý quy hoạch xây dựng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế tăng mật độ dân cư khu vực nội đô; tập trung thực hiện di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành theo đúng kế hoạch, lộ trình và ưu tiên bố trí quỹ đất cho mục đích giao thông và các mục đích công cộng khác…

Thành phố cũng sẽ từng bước giảm thiểu các điểm ùn tắc giao thông tại các khu đô thị hiện hữu và kiểm soát để hạn chế việc hình thành các điểm ùn tắc tại các khu đô thị mới phát triển; chỉnh trang đồng bộ 180 tuyến đường trên địa bàn 12 quận với số tiền hơn 566 tỷ đồng; lắp đặt 168 nút đèn tín hiệu giao thông; cải tạo hạ tầng, điều chỉnh tổ chức giao thông 46 tuyến đường, nút giao.

Đầu tư, lắp đặt một số cầu thép lắp ghép, dàn benley trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ… để kết nối giao thông khu vực 2 bên sông; thu hẹp dải phân cách trên 9 tuyến phố; tổ chức giao thông 10 tuyến đường trục chính, hướng tâm, vành đai áp dụng công nghệ tiên tiến, thông minh (điều khiển đèn tín hiệu giao thông theo thời gian thực, tạo làn sóng xanh…)

Hà Nội cũng sẽ xây dựng các phương án đi lại trong tình trạng ngập nặng, chủ động triển khai thực hiện, tránh ùn tắc kéo dài; Đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác, vận hành an toàn các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch… Hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là những công trình giao thông có vai trò giảm ùn tắc giao thông, các công trình kết nối đồng bộ, thông suốt các tuyến đường khu vực, phục vụ phát triển KTXH… để tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông.

Thành phố cũng sẽ từng bước đưa các phương tiện vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường thay thế các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng…

Ngoài ra, tổ chức các loại hình vận tải như xu buýt, taxi, ô tô điện 4 bánh, xe đạp công cộng… để kết nối với các điểm đầu cuối của các tuyến xe buýt khối lượng lớn, ga đường sắt đô thị, nhà ga, sân bay.

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, xây dựng phần mềm tìm kiếm điểm đỗ thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc tìm kiếm điểm đỗ xe, thanh toán đỗ xe thông minh.

Tổng kinh phí để thực hiện chương trình mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là hơn 1.865 tỷ đồng và được phân bổ theo từng năm. Nguồn vốn từ ngân sách thành phố.