Hà Nội: Đa dạng mô hình “chợ lưu động”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức “chợ lưu động” dưới nhiều hình thức để bổ sung nguồn thực phẩm thiếu hụt do nhiều chợ, siêu thị tạm đóng cửa về dịch bệnh.
Doanh nghiệp tổ chức điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân

Doanh nghiệp tổ chức điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân

Tại quận Long Biên, một siêu thị trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền địa phương mở 4 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá tại khu dân cư gồm: khu đô thị Việt Hưng, sân chơi phố Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy), phố Đặng Vũ Hỷ (phường Thượng Thanh) và sân bóng đảo Sen. Tại đây, các mặt hàng được niêm yết giá chi tiết và làm mới mỗi ngày nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm đến tay người dân.

Bên cạnh đó, tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), mô hình chợ lưu động cũng được triển khai sau khi chợ Đồng Xa, chợ dân sinh lớn nhất tại phường, bị đóng cửa do ảnh hưởng của dịch. UBND phường Mai Dịch đã bố trí 2 điểm chợ lưu động tại Trung tâm văn hóa thể thao phường và sân bóng B5. Đây đều là những địa điểm nằm ngay trong khu dân cư, tạo sự thuận lợi cho người dân trong việc mua sắm.

Một số quận, huyện (Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Long Biên, Hà Đông, Đông Anh…) triển khai việc phát thẻ vào chợ cho người dân theo nguyên tắc chỉ được sử dụng thẻ để vào chợ mua các nhu yếu phẩm cần thiết theo quy định trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 17/CT-UBND; quy định giờ và ngày ra vào chợ, dùng cho 01 người/ lượt.

Khi đến các siêu thị, chợ lưu động, người dân phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bao gồm: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo y tế, đảm bảo giãn cách khi mua hàng.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố đã sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm.

Ghi nhận thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu tại Hà Nội ngày 9-8 cho thấy, người dân không thiếu thực phẩm, hàng hóa cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Dù vậy, tại các chợ dân sinh, giá cả hàng hóa đã tăng lên đáng kể. Nhiều người bán hàng cho biết do việc vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng khó khăn hơn, tốn kém nhiều chi phí hơn nên giá cả tăng.

Bên cạnh đó, thực phẩm phục vụ cho bữa ăn hằng ngày của người dân cũng không phong phú như trước đây. Chẳng hạn các mặt hàng thủy sản: tôm, cua, mực… rất ít người bán.