Hà Nội: Công trình xây mới phải có 3 tầng hầm?

ANTĐ - Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vừa có thông báo về việc “bố trí tối thiểu 3 tầng hầm để xe và xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại…” gây băn khoăn trong giới doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Nội.

Hà Nội: Công trình xây mới phải có 3 tầng hầm? ảnh 1Định hướng của Hà Nội là các công trình cao tầng sẽ bố trí tối thiểu 3 tầng hầm

Yêu cầu bổ sung nếu không đủ

Thông báo số 1823/TB-QHKT ngày 14-4-2016 của Sở QH-KT Hà Nội nêu rõ, ngày  24-3-2016, Thành ủy Hà Nội có thông báo số 83-TB/TU thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về việc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó có nội dung: Trong thiết kế và xây dựng, phải bố trí 3 tầng hầm để xe, xây dựng nhà vệ sinh công cộng phục vụ dự án và nhu cầu chung của thành phố. Từ đó, Giám đốc Sở QH-KT chỉ đạo các phòng ban, các đơn vị thuộc Sở trong quá trình thẩm định các đồ án, dự án thực hiện nghiêm túc 3 nhóm nội dung.

Cụ thể, đối với các đồ án, dự án mới nộp vào Sở để thẩm định, chấp thuận quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, phương án kiến trúc: Khi kiểm tra hồ sơ, nếu không đủ 3 tầng hầm với chức năng để xe, cần yêu cầu chủ đầu tư bố trí tối thiểu 3 tầng hầm làm chỗ để xe cho công trình và khu vực xung quanh; bố trí nhà vệ sinh công cộng (có thể tại tầng 1 công trình) có lối tiếp cận từ bên ngoài để phục vụ dự án và khách vãng lai trong khu vực. Nhà vệ sinh công cộng cần đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến việc sử dụng công trình.

Tiếp đó, đối với các đồ án, dự án đã xong về thủ tục quy hoạch, kiến trúc nhưng chưa đầu tư xây dựng, nay có nhu cầu điều chỉnh về quy hoạch, kiến trúc hoặc trả lời văn bản liên thông cho các sở, ngành liên quan (cấp chứng nhận đầu tư, chứng nhận đầu tư, xin phép xây dựng…), các phòng được giao thẩm định yêu cầu chủ đầu tư bổ sung tầng hầm đỗ xe (nếu chưa đủ từ 3 tầng hầm trở lên) và nhà vệ sinh công cộng. Trường hợp chỉ điều chỉnh về kiến trúc mà giữ nguyên các chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt thì yêu cầu chỉnh sửa bản vẽ, phương án kiến trúc đủ 3 tầng hầm để xe và xác nhận điều chỉnh phương án kiến trúc đã bổ sung tầng hầm và nhà vệ sinh công cộng.

Cuối cùng, đối với các đồ án, dự án đã đầu tư xây dựng, nay có nhu cầu điều chỉnh về quy hoạch, kiến trúc hoặc trả lời văn bản liên thông cho các sở, ngành: Các phòng được giao thẩm định cần xem xét cụ thể, trong trường hợp việc bổ sung tầng hầm ảnh hưởng đến kết cấu công trình cần nêu rõ lý do, có văn bản gửi UBND TP để báo cáo.

Cần thận trọng, không thể vội vàng

Sau khi thông báo này được phát hành, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỏ ra rất băn khoăn. Một số ý kiến cho rằng, nội dung Thông báo của Sở QH-KT rộng hơn so với Thông báo số 83/TB-TU của Thành ủy Hà Nội.

Cụ thể, Thành ủy chỉ yêu cầu việc thiết kế và xây dựng phải bố trí thêm diện tích tầng hầm để xe (tối thiểu 3 tầng hầm) đối với dự án nhà cao tầng (tức là từ 9 tầng trở lên) trong khi Sở QH-KT lại mở ra thành “bố trí tối thiểu 3 tầng hầm để xe và xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại”.

Với thông báo của Sở QH-KT, một số nhà đầu tư hiểu rằng, giả sử, nếu họ đầu tư trung tâm thương mại 2-3 tầng ở ngoại thành nhưng vẫn phải làm tới 3 tầng hầm! Ngoài ra, có thể hiểu, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội mới chỉ mang tính định hướng và sẽ được UBND TP cụ thể hóa bằng những văn bản pháp lý phù hợp, trong khi Thông báo của Sở QH-KT lại áp dụng ngay tới từng loại dự án. 

Cũng liên quan tới vấn đề này, để triển khai chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, ngày 12-5, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành chức năng. Cụ thể, UBND TP giao Sở QH-KT chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, chính sách để cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của Thành ủy, báo cáo UBND TP trong tháng 5-2016.

UBND TP nêu rõ, kết quả nghiên cứu, đề xuất phải làm rõ những nội dung chủ yếu như: thẩm quyền, hình thức ban hành chính sách; sự đồng bộ, phù hợp của các biện pháp, chính sách đề xuất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; phân loại các nội dung quản lý để có chính sách áp dụng phù hợp (phân loại theo mô hình đầu tư: nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, công trình công cộng, công trình hỗn hợp; theo quy mô đầu tư; theo không gian áp dụng: nội thành, ngoại thành…; các điều kiện về kỹ thuật khi xây dựng tầng hầm nhằm đảm bảo khả năng kết nối hệ thống các công trình ngầm; vấn đề chuyển tiếp khi áp dụng chính sách.

Theo tinh thần chỉ đạo trên, có thể thấy, thành phố đã dự liệu đây là vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự tiếp cận và xây dựng chính sách một cách đa chiều, thận trọng, không thể vội vàng. Do đó, Sở QH-KT Hà Nội cần xem lại nội dung Thông báo số 1823/TB-QHKT, làm rõ hơn các vấn đề liên quan, để không gây băn khoăn, lo lắng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã và đang có nhu cầu đầu tư trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục