Hà Nội có chuẩn không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thực ra, khái niệm “người Hà Nội” là trong trắng nhưng sâu xa có đôi nét mơ hồ. Điều trân trọng đáng quý là khi đứng trước cái “chuẩn” mờ ảo này, người ta đều khát khao rồi tự tước đi những dung tục. Nỗi mong muốn trở thành một người Hà Nội là một cố gắng rất thật. Nó phảng phất ở cách ăn cách yêu cách mặc. Người đã ở Hà Nội thật lâu, đi vào đám đông thường không bị lẫn, cho dù văn hóa của người Hà Nội hôm nay bập bềnh nhiều nét của lắng (thiêng liêng) của đọng (phàm tục). Cái phong khí này đâu phải ngẫu nhiên.

Đây hình như là một câu hỏi có tuổi đời đã dư vài trăm năm. Nó phảng phất trong “Thượng kinh ký sự” của thần y Lê Hữu Trác thời Lê mạt. Rồi đến hồi Nguyễn sơ, nó được băn khoăn kỹ lưỡng trong “Vũ trung tùy bút” của nhà Nho tài tử Phạm Đình Hổ. Đặc biệt tới khi người Pháp vào thực dân, thì nó được vô số văn nhân học giả gốc Hà thành ào ạt tìm câu trả lời. Cứ đọc Doãn Kế Thiện, hay Thạch Lam hay Vũ Bằng… là thấy. Thực ra, theo thuyết “Địa-Văn hóa” của phương Tây, bất cứ vùng đất nào có sâu sắc văn minh, thì luôn tự hình thành trong mình những chuẩn riêng độc đáo. Hà Nội cũng như nhiều vùng đất văn vật khác trên khắp nước Việt phong phú và đa dạng văn hóa, cũng vậy thôi. Có điều, với tư cách là kinh đô đã hơn nghìn năm, bản sắc của Thăng Long, Đông Đô, Kẻ Chợ… vẫn là đề tài được cả nước quan tâm nồng nhiệt. Vậy cái “chuẩn” Hà Nội đến từ đâu.

Phải chăng nó đã đến từ cái ngày mùa thu tháng 7-1010, khi minh quân Lý Thái Tổ “dời đô từ Hoa Lư ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự (Đại Việt sử ký toàn thư - bản kỷ). Rồi nó lại đến vào cái ngày 17-3 năm Mậu Tý, lúc hai Vua Trần đánh bại quân Nguyên Mông dẫn đại quân khải hoàn về Thăng Long đã rưng rưng cảm tác.

“Xã tắc hai phen bon ngựa đá. Non sông ngàn thuở vững âu vàng”. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết những thị dân Hà thành đều nồng nàn mang một thói quen yêu văn, yêu nhạc, yêu họa và đặc biệt là thơ. Hình như có mặc định, bất cứ ai mong manh đôi chút chất “nghệ”, bất kể gốc gác “thập phương tứ xứ”, nhưng đã ở Hà Nội một đoạn đều chợt nhiên thăng hoa thành nghệ sĩ. Có thể dễ dàng nhận ra điều đó khi đọc lại quân sử của Trung đoàn Thủ đô ở những ngày đầu kháng Pháp với những chiến binh hào hoa, đa phần gốc con giai phố cổ. Họ là công chức, là học sinh, là tiểu thương buôn bán nhỏ… Nhưng cho dù “Tây tiến đoàn quân không mọc tóc”, thì khi ngoái nhìn kinh thành bi tráng nghi ngút khói họ vẫn lãng mạn “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Cách đây chưa lâu, khi Hà Nội vừa tròn nghìn năm tuổi theo cách đếm thông tục, thì người ta rộn ràng tranh luận xem nó có còn phố cổ không. Nhiều nhà “Hà Nội học” mà cứ mỗi dịp lễ, Tết thì phải về quê, đề nghị nên gọi những phố tưởng như cổ đấy bằng chữ “cũ”. Đúng hay sai chưa biết, chỉ biết từ “cũ” đến “cổ”, không hẳn đã là câu chuyện năm tháng. Đương nhiên, nhựa thông muốn thành hổ phách thì phải chờ cả nghìn năm che chở, có điều không phải cây thông nào cũng mang kỳ duyên để tạo nên hổ phách. Bởi một chỗ hoặc một vật muốn để thời gian thiêng liêng lắng đọng, thường nó phải “tinh” và nên hiểu theo cái nghĩa tinh hoa nhất.

Cái chất “elite” của phố Hà Nội thì đâu phải là nhờ ở rêu phong mái ngói hay những tòa biệt thự đã hơn trăm năm tuổi tuyệt đẹp của người Pháp. Nó lung linh cổ kính là nhờ phần lớn ở những người vừa “cũ” vừa “kỹ” đã từng hoặc đang sống ở đó. Họ luôn giữ cốt cách phương Đông nhưng ung dung phóng khoáng khi tiếp nhận văn hóa phương Tây. Bọn họ có thể trẻ có thể già, đa phần đều tài hoa cầu kỳ kiêu bạc, thanh thản chầm chậm sống. Ngay cả bây giờ, ở những đoạn phố lơ ngơ may mắn vẫn còn lãng mạn kiểu như Nguyễn Gia Thiều hay Ngô Văn Sở chẳng hạn, thì ký ức phố vẫn chợt nhiên tự chầm chậm quay về hoài cổ. Khi thưa người thì lãng đãng kiêu sa, lúc đông người thì rưng rưng ấm cúng.

Thế hệ người Hà Nội lúc manh nha hình thành, thường ở những con phố có chữ “Hàng…”. Bởi đơn giản, “phố” là những sạp hàng kế tiếp nhau, đối diện nhau. Nó là chợ nhưng không là chợ, nhờ văn hóa “chẳng thơm cũng thể hoa nhài” tinh tế kỹ tính của người kinh kỳ. Rất hiếm đô thị nào trên thế giới có hai con phố kiêu hãnh mang tên hai bố con cùng là dân gốc phố.

Cụ cử Lương Văn Can và ông con Lương Ngọc Quyến chỉ là những nhà nho thị dân ở Hàng Đào, chưa hề là quan chứ đừng nói là vua. Họ ái quốc nhiệt thành theo đúng chất người Hà Nội. Tuy đều ghét giặc Pháp ngoại xâm nhưng cụ cử ôn hòa mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục để dung dưỡng nhân tài chấn hưng dân khí. Còn cậu công tử Ba Quyến thì quyết liệt bạo động, trước khi tham gia rồi tuẫn tiết ở cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, cậu khét tiếng phong lưu. Xưa nay, những đứa con giai phố cổ đại loại vẫn vậy. Vừa biết nho nhã đọc sách, vừa biết tiêu sái nói tục sành điệu.

Không phải ngẫu nhiên mà cuốn “Hà Nội địa dư” in năm Tự Đức thứ tư (1852) phần phong tục có viết. “Đất Long Đỗ, đàn ông chuộng lễ nghĩa, đàn bà chăm chỉ vá may. Lớp trí thức phần nhiều ghét chuyện tranh giành, hạng dốt nát cũng biết liêm sỉ mà không phạm tội”. Có được liêm sỉ, chuyện không dễ nhưng là lẽ đương nhiên. Còn giữ được liêm sỉ mới là điều tuyệt khó. May thay, người ở Hà Nội giờ đây tuy chưa hết vất vả nhưng vẫn luôn cố giữ gìn liêm sỉ.

Tất nhiên, ngọc còn có vết huống nữa là người. Cuốn “Đồng Khánh địa dư chí” thẳng thắn chép. “Người trong tỉnh Hà Nội có nơi chất phác ít chuộng văn hoa, có nơi hào hoa phù phiếm. Cũng có nơi bướng bỉnh điêu bạc, cũng có nơi người dân hung hãn. Đặc biệt dân các mặt phố thuộc Thọ Xương, Vĩnh Thiện (loanh quanh khu Nhà thờ Lớn bây giờ), thì thói tục chuộng xa xỉ quá đáng”.

Người xưa khi nói không bàn chuyện đúng sai, chỉ chú trọng vào họa phúc hay dở. Thời thế thì có khúc có đoạn, đến mây trên trời phóng khoáng vô tư mà còn có lúc hình rồng (vân long) lúc hình chó (vân cẩu). Hơn nữa, đã mang danh Kẻ Chợ, đương nhiên sẽ là nơi “tứ chính quần cư”. Nhất là khoảng dăm chục năm gần đây, người ở Hà Nội luôn có nét lẫn lộn của nhiều vùng miền. Người ta đến Thủ đô không hẳn vì “sang trọng” lập công lập danh, nhiều khi đơn giản chỉ là loay hoay kiếm sống. Có điều, người đã ở Hà Nội trên chục năm đã khang khác, trên ba chục năm lại càng khác. Thực ra, khái niệm “người Hà Nội” là trong trắng nhưng sâu xa có đôi nét mơ hồ.

Điều trân trọng đáng quý là khi đứng trước cái “chuẩn” mờ ảo này, người ta đều khát khao rồi tự tước đi những dung tục. Nỗi mong muốn trở thành một người Hà Nội là một cố gắng rất thật. Nó phảng phất ở cách ăn cách yêu cách mặc. Người đã ở Hà Nội thật lâu, đi vào đám đông thường không bị lẫn, cho dù văn hóa của người Hà Nội hôm nay bập bềnh nhiều nét của lắng (thiêng liêng) của đọng (phàm tục). Cái phong khí này đâu phải ngẫu nhiên.

Ở một bài rap trên YouTube đang thời thượng trong giới trẻ có tên “Hà Nội xịn” với những hình ảnh minh họa rất đáng yêu. Mấy thằng bé con giai phố cổ vừa ngồi quán nước chè rong vừa đọc Báo An ninh Thủ đô. Thế nhưng ca từ lại vừa cao vừa thấp, vì cố ngông nghênh ngạo mạn mang vẻ vỉa hè phố. Đã thật là người Hà Nội thì không cần chứng tỏ, họ tuy kiêu bạc nhưng vẫn tinh tế thuần hậu.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà

Nhà văn Nguyễn Việt Hà

Vậy “chuẩn” Hà Nội có không?

Xin kể một chuyện nhỏ. Có lần kẻ viết bài này đi chợ Hàng Bè thì gặp một thiếu phụ trẻ đẹp cưỡi vespa mặc quần áo hàng hiệu. Đang mùa vịt, nàng sành điệu mua một con, đưa cả tờ tiền chẵn kiêu sa không lấy lại tiền lẻ. Bà cụ bán măng ngồi cạnh khẽ khàng tư vấn, cô mua vịt thì nên mua thêm mấy mớ húng Láng. Nàng trịch thượng quay sang, giọng thanh thanh của vùng đồng chiêm trũng. “Đã là người Hà Nội xịn thì chỉ ăn húng Hà Nội chứ ai ăn húng Láng”.

Vậy Hà Nội có chuẩn không?