Hà Nội: Chưa di dời được trường đại học nào ra khỏi nội đô

ANTD.VN -Sáng 5/12, ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đã thay mặt tập thể UBND TP Hà Nội báo cáo 3 năm thực hiện Luật Thủ đô. Theo đó, thành phố đưa ra lộ trình đến 2020 di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô.

Chưa bộ, ngành nào trình Thủ tướng lộ trình di dời

Theo UBND TP Hà Nội, đến hết năm 2016, Hà Nội đã lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, huyện, thị trấn (5 đô thị vệ tinh, 14 huyện và 14 thị trấn thuộc huyện, thị trấn sinh thái); Quy hoạch phân khu đô thị đối với khu vực đô thị trung tâm thành phố Hà Nội trên cơ sở định hướng của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (Quy hoạch cấp nước, thoát nước, nghĩa trang và xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Thành phố đã phê duyệt nhiều đồ án quy hoạch chi tiết quan trọng như: bệnh viện đa khoa 1000 giường tại Mê Linh; cụm bệnh viện mắt Hà Nội và cơ sở 2 các bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện tim Hà Nội; công viên hồ điều hòa Nhân Chính, công viên Yên Sở; quy hoạch công trình hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài...

Đến nay, chưa trường  Đại học nào được di  dời ra khỏi nội đô

Liên quan đến việc di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành, đến nay, các bộ được giao nhiệm vụ theo Quyết định 130/QĐ-TTg chưa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp, cơ chế tài chính về di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành.

Đối với quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 đang được Bộ Xây dựng chủ trì lập theo nhiệm vụ quy hoạch. Trong quá trình xây dựng nhiệm vụ, UBND TP đã có văn bản tham gia ý kiến.

Di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp đến 2020

Về phía thành phố, trong thời gian qua, đã tổ thực hiện theo đúng quy định, không xem xét giải quyết các trường hợp mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục, nghề nghiệp (chỉ chấp thuận một số dự án cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ, không tăng giường bệnh như bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức...). Đồng thời thực hiện theo nhu cầu thực tiễn của các bộ ngành, thành phố cũng đã xem xét, giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng các cơ sở bệnh viện, cơ sở giáo dục, các cơ quan đơn vị để phục vụ di dời.

Đến nay, số cơ sở bệnh viện đã và đang thực hiện di dời gồm 8 cơ sở, trong đó 2 cơ sở đã đi vào sử dụng (Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết Trung ương), nhưng tiếp tục sử dụng cơ sở cũ. Thành phố đã bố trí quỹ đất khu các trường đại học tập trung tại Hòa Lạc (quy mô 279,5 ha), nhưng đến nay mới có 1 trường được giới thiệu di dời đến khu vực này (Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), đang thực hiện di dời  1 trường (Đại học Y tế công cộng). Tuy nhiên, khu đất sau di dời tại số 138B Giảng Võ đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bán chỉ định, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, thành phố đã phối họp với các bộ và cơ quan giới thiệu, bố trí quỹ đất phục vụ di dời cho 9 cơ quan, trong đó 7 cơ sở tiếp tục giữ lại làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý, 2 cơ sở đã được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất (đầu tư xây dựng dự án nhà ở, văn phòng, thương mại cao tầng).

Về việc di dời các cơ sở công nghiệp, UBND TP đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị; đã tổ chức quan trắc, phân tích đánh giá ô nhiễm môi trường tại các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn 12 quận nội thành.

Qua đó đã xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. . Lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp theo 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ ở 4 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng; Giai đoạn 2 sẽ di đời các cơ sở vừa gây ô nhiễm môi trường vừa không phù hợp quy hoạch; Giai đoạn 3 sẽ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường;

Giai đoạn 4 di dời các cơ sở còn lại. Hiện đang xem xét 21 dự án thuộc diện di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành, với diện tích chuyển mục đích sử dụng đất là 346.000m2; trong đó diện tích xây dựng nhà ở là 141.862m2; diện tích đất trường học là 39.136m2; diện tích đất hạ tầng kỹ thuật là 150.258m2; ; diện tích đất thương mại, dịch vụ là 11.238m2. Đến nay, đã bước đầu xây dựng cơ chế mang tính nguyên tắc chung áp dụng đối với từng loại đối tượng để hỗ trợ, khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời.

Việc áp dụng quy hoạch chung về quản lý dân cư đã phần nào giảm áp lực về dân số trong khu vực nội thành Hà Nội. Tính đến ngày 1/7/2016, thành phố Hà Nội đăng ký hộ khẩu khoảng 1.877.599 hộ với 7.385.545 nhân khẩu; số lượng nhân khẩu tạm trú, số lượng người dân di cư tự phát vào nội thành Thủ đô trong những năm qua tăng đột biến (tính đến nay toàn thành phố có gần 70.000 hộ và 720.000 nhân khẩu tỉnh ngoài tạm trú). Trong 3 năm, 12 quận nội thành đã tiếp nhận và giải quyết đăng ký thường trú cho 3.452 trường hợp.

Tuy vậy, Giám đốc Sở Tư pháp cũng cho biết, việc di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành còn chậm; công tác quản lý quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáp dục nghề nghiệp chưa được thực hiện do các bộ, ngành chưa thực hiện theo quyết định.