Hà Nội chủ động, linh hoạt ứng phó với dịch Covid-19 (2): Trái tim của cả nước nhất định phải an toàn, khỏe mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đúc rút bài học kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua, đồng thời dựa trên diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, Hà Nội đã chủ động đưa ra các giải pháp theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với quyết tâm bảo vệ an toàn cho Thủ đô.
Bảo vệ bằng được sự an toàn của Thủ đô trước dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng cấp bách và quan trọng bậc nhất

Bảo vệ bằng được sự an toàn của Thủ đô trước dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng cấp bách và quan trọng bậc nhất

Khó kiểm soát dịch nếu không chủ động, linh hoạt

Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, Hà Nội đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “Zero Covid” (“Không có Covid-19”) sang từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã sớm có những giải pháp phòng ngừa, ứng phó với việc chuyển đổi này, tuy nhiên tình hình thực tế dịch Covid-19 những ngày qua có những diễn biến mới rất phức tạp với số ca nhiễm mới tăng rất cao (3 con số mỗi ngày, cao hơn nhiều so với thời gian thực hiện giãn cách xã hội từ 24-7 đến 21-9-2021) và hàng chục ổ dịch phức tạp trong cộng đồng. Không ít ổ dịch phức tạp hiện nay có nguồn gốc từ những người trở về từ các địa phương có nguy cơ cao, rất cao (cấp độ dịch 3, 4), nhưng lại không tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nhiều trường hợp về từ vùng dịch đã không thực hiện tốt việc tự cách ly tại nhà, không thực hiện “5K” và đã lây nhiễm cho nhiều người, thành những ổ dịch phức tạp trong cộng đồng. Một điển hình là trường hợp cô gái trú tại phố Đình Ngang (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) về từ TP Hồ Chí Minh nhưng không tuân thủ quy định tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày. Cô gái này đã tiếp xúc, lây nhiễm cho nhiều người khác, gây khó khăn cho công tác truy vết, dập dịch.

Các chuyên gia y tế cho rằng, trong thời gian chuyển đổi cách thức ứng phó mới đối với đại dịch đã xuất hiện tâm lý chủ quan của không ít người dân, kể cả chính quyền tại một số địa bàn, nên dịch bệnh có xu hướng lây nhanh, lan rộng. Nhiều trường hợp F1 nhưng không chủ động khai báo, nhiều người về từ vùng dịch nhưng không tự giác hạn chế đi lại, tiếp xúc. Thậm chí có những trường hợp có dấu hiệu hiệu nhiễm bệnh như ho, sốt, đau họng, vẫn không chịu khai báo y tế để kịp thời cách ly, xét nghiệm... Vì thế, theo các cơ quan chuyên môn của Hà Nội, nếu không chủ động, điều chỉnh chính sách phòng chống dịch phù hợp thực tế cũng như diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng sẽ khó kiểm soát. Mở cửa, sống chung với Covid-19 là cần thiết, nhưng sẽ phải hết sức thận trọng, không chủ quan và linh hoạt ứng phó với diễn biến của tình hình mới.

“Khoảng đệm” cần thiết vì sự an toàn của Thủ đô

Để có thể giữ dịch Covid-19 trong tầm kiểm soát, bảo vệ thành quả đã đạt được sau gần 2 tháng phải hy sinh các lợi ích kinh tế cũng như những ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ngày 18-11 ký ban hành Công điện số 24 về việc triển khai việc giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao từ các địa bàn có dịch trở về Hà Nội. Trong đó, yêu cầu triển khai giám sát, xét nghiệm các trường hợp đến từ địa bàn có dịch theo đúng các nội dung quy định tại văn bản số 9472/BYT-MT ngày 8-11-2021 Bộ Y tế.

Các đơn vị chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý theo quy định. Sở Y tế chỉ đạo việc quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế hoặc tại nhà theo hướng dẫn tại Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21-8-2021 của Bộ Y tế và thiết lập các trạm y tế lưu động theo Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21-8-2021 của Bộ Y tế.

Những người đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và nghiêm túc thực hiện “5K”, xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất. Những người tiêm chưa đủ liều vaccine thực hiện cách ly tại nhà trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, thực hiện “5K”, xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương.

Những người chưa được tiêm vaccine thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương, tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo, thực hiện “5K”, xét nghiệm SARS CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương. Những người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc khỏi bệnh Covid-19 tại nước ngoài thì việc kiểm tra và công nhận các loại giấy chứng nhận của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao. Các trường hợp khác tiếp tục thực hiện theo các nội dung quy định tại Kế hoạch 243/KH-UBND ngày 29-10-2021 của UBND TP.

Có thể nói, đây được coi là những quyết định tạo “khoảng đệm” cần thiết cho những người vào Hà Nội trong thời điểm dịch đang có nguy cơ tăng nhanh. Nghị quyết 128 của Chính phủ có nhấn mạnh tới việc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Nói cách khác, mỗi địa phương căn cứ tình hình diễn biến mới của dịch bệnh cũng như đặc điểm tình hình thực tế của mình, cần phải chủ động, linh hoạt trong việc đưa ra những giải pháp sao cho kiểm soát dịch hiệu quả nhất. Khó có một mô hình, cách thức phòng chống dịch chung nào trên cả nước. Mỗi địa phương cần căn cứ vào thực tiễn, bài học kinh nghiệm rút ra tại chính địa bàn, kết hợp với kinh nghiệm của các tỉnh/thành phố khác để đưa ra giải pháp hiệu quả. Bởi mục đích cao nhất là bảo vệ an toàn, đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Không chỉ là một trong hai thành phố lớn nhất nước, với quy mô 10 triệu dân và mật độ dân cư cao, Hà Nội còn là Thủ đô - Trái tim của cả nước. Là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; là nơi đặt trụ sở các cơ quan Trung ương của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, và là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước. Do đó, việc bảo vệ thành phố an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đặt ra những thách thức rất lớn, đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt cao.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc làm việc với lãnh đạo Hà Nội hồi tháng 8 vừa qua đã đánh giá cao những kết quả mà thành phố đạt được trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Chủ tịch nước nêu rõ, là Thủ đô - Trái tim của cả nước, Hà Nội luôn xác định phải có trách nhiệm cao hơn, sự nỗ lực lớn hơn, gương mẫu, đi đầu trong phòng chống dịch Covid-19 để bảo vệ “trái tim” khỏe mạnh nhất. Chủ tịch nước đánh giá, Hà Nội đã làm rất tốt nhiệm vụ này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi làm việc với lãnh đạo thành phố vào trung tuần tháng 7-2021 cũng nêu rõ, ưu tiên số một là bảo vệ Thủ đô để không bị diễn biến xấu. Bảo vệ bằng được “trái tim của nước an toàn, mạnh khỏe” luôn là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng nhất của Hà Nội.