Dấu ấn Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020:

Hà Nội: Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động tăng vượt bậc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đến giữa năm 2020, năng suất lao động ở Hà Nội ước tính đạt 258,3 triệu đồng/lao động/năm, gấp 1,65 lần bình quân cả nước và tăng 6,15% so với giai đoạn 2011-2015, vượt mục tiêu Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đề ra.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại một cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại một cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, sau gần 5 năm triển khai, những kết quả đạt được từ chương trình này đã góp phần rất lớn vào kết quả chung của toàn thành phố.

Đầu tư trọng điểm đào tạo nghề

Nhằm tạo bước đột phá để “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô”, ngay từ khi được ban hành, Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội khóa XIV đã đề ra những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể về phát triển giáo dục và đào tạo, đào tào nghề, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động… Thực hiện các nhiệm vụ này, trong thời gian vừa qua, các cấp, ngành của thành phố đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại.

Đặc biệt, Hà Nội thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về cả số lượng và chất lượng, nhất là khu vực nội thành và các khu vực đô thị hóa nhanh. Đồng thời, tập trung ưu tiên đầu tư cho 686 trường học thuộc các huyện, thị xã với mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng… Kết quả, đến năm 2020, tỷ lệ trường học công lập đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội là 75%, hoàn thành sớm 2 năm so với mục tiêu nhiệm kỳ 2015-2020, tăng 21,7% so với năm 2015. Hiện Hà Nội cũng là địa phương có tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước.

Về giáo dục đại học, chất lượng đào tạo của các trường trên địa bàn Hà Nội 5 năm qua được nâng cao đáng kể, nhiều trường tích cực đổi mới, tiệm cận với xu hướng phát triển của giáo dục đại học trên thế giới. Điển hình như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có tên trong bảng xếp hạng 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới…

Một điểm nhấn đáng chú ý nữa không thể không nhắc đến, đó là công tác đào tạo nghề. Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã từng bước rà soát, sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Cùng đó, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng trường chất lượng cao, nghề trọng điểm trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đầu tư xây dựng một số trường cao đẳng nghề hướng tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Mặt khác, Hà Nội có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn gắn kết, hợp tác với hơn 1.500 doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề. Thông qua sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và người học, từ năm 2016 đến nay, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 1 triệu lượt người, vượt hơn 235.000 lượt người so với mục tiêu. Trung bình mỗi năm, các trường nghề tuyển sinh, đào tạo cho hơn 202.000 lượt người, đạt 132% so với kế hoạch.

Thông qua những kết quả trên, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Hà Nội tăng 3-4% mỗi năm, thuộc nhóm cao của cả nước, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn thành phố tăng từ 53,14% vào cuối năm 2015 lên 70,2% vào năm 2020. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ năm 2020 đạt 48%. Sau học nghề, hơn 70% người lao động đã có việc làm. Chất lượng nguồn nhân lực tăng lên cũng góp phần tăng năng suất lao động. Hiện tại, năng suất lao động ở Hà Nội ước đạt 258,3 triệu đồng, gấp 1,65 lần bình quân cả nước, tăng 6,15% so với giai đoạn 2011-2015, vượt mục tiêu đề ra.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình số 04 đánh giá, việc duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn qua là nền tảng quan trọng để thành phố thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Chất lượng đào tạo nghề ở Hà Nội đã có nhiều bước tiến mạnh

Chất lượng đào tạo nghề ở Hà Nội đã có nhiều bước tiến mạnh

Xây dựng người Thủ đô tiêu biểu, toàn diện

Không chỉ tập trung phát triển về chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng nguồn nhân lực mà tính bao quát từ Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI còn thể hiện ở mục tiêu “xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Điểm nhấn nổi bật nhất là năm 2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành 2 Bộ quy tắc ứng xử gồm Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội.

Đến nay, sau 3 năm, đã có hơn 40.000 sổ tay quy tắc ứng xử được ban hành; hàng trăm hội thi, đợt tuyên truyền, phong trào thi đua về quy tắc ứng xử được triển khai từ thành phố tới cơ sở... Nhờ vậy, các quy tắc ứng xử đã từng bước đi vào cuộc sống, có những tác động tích cực, được dư luận nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Đặc biệt, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan đã có chuyển biến rất rõ nét. Sau một số vụ việc liên quan đến thái độ, tinh thần phục vụ của công chức, viên chức gây bức xúc nhân dân được xử lý nghiêm, đến nay tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức thành phố có chuyển biến mạnh mẽ, được nhân dân đánh giá cao…

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, sức lan tỏa của chương trình đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong đó, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang mang đến nhiều đổi mới trong xây dựng văn hóa người Hà Nội, góp phần bồi đắp các giá trị tinh thần, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Theo Trưởng ban Chỉ đạo 04 của Thành ủy, tới đây, thành phố sẽ tiếp tục tranh thủ ý kiến chuyên gia và cộng đồng để có thêm sáng kiến, giải pháp phát triển văn hóa - con người Hà Nội thực sự tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc, xứng đáng với vị thế, tầm vóc của Thủ đô.

Tin cùng chuyên mục