Hà Nội: Cần xử phạt nghiêm hành vi vi phạm quy tắc ứng xử nơi công cộng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Để tiếp tục có chuyển biến tích cực hơn trong việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, đối với cán bộ, công chức, viên chức, cần phải gắn việc thực hiện 2 bộ quy tắc với các tiêu chí đánh giá, khen thưởng, xử phạt...

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trả lời tại phiên chất vấn

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trả lời tại phiên chất vấn

Chiều 8-12, HĐND TP Hà Nội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn với nội dung thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP.

Hướng đến sự hài lòng của người dân

Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Tô Văn Động cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, theo ông Động, do Hà Nội là nơi hội tụ của nhiều tỉnh, thành phố, vùng miền của cả nước nên văn hóa và trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức người dân khác nhau, dân cư thường xuyên biến động nên việc tuyên truyền phổ biến và xây dựng chuẩn mực văn hóa người Hà Nội gặp khó khăn.

Ngoài ra, để thay đổi nhận thức và thói quen cần phải có thời gian, kiên trì, bền bỉ và lâu dài nên thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng cần có thời gian. Bên cạnh các đơn vị triển khai hiệu quả các mô hình tuyên truyền quy tắc ứng xử còn có những đơn vị chưa thực sự vào cuộc, chưa triển khai nghiêm túc các mô hình tuyên truyền theo hướng dẫn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Duy Hoàng Dương, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, sau khi thành phố ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử, Sở Nội vụ đã tham mưu, cụ thể hóa các nội dung kiểm tra công vụ, trong đó có việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử, nhất là việc thực hiện các quy định về tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính; việc tiếp công dân; trách nhiệm người đứng đầu...

Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, về tổng thể chung, chỉ số hài lòng của người dân được nâng lên, nhưng phân tích sâu thì có một số chỉ số thành phần còn thấp.

Về đánh giá sự hài lòng đối với công chức giải quyết công việc ở cấp sở cũng thấp hơn cấp huyện, cấp xã và TN&MT tiếp tục thấp nhất. Về cung ứng dịch vụ công, ở cấp sở thấp hơn cấp huyện, xã, thấp nhất là lĩnh vực TN&MT. Cuối cùng là việc tiếp nhận các phản ánh, giải quyết kiến nghị thì cấp huyện thấp hơn cấp sở, cấp xã, và lĩnh vực TN&MT tiếp tục thấp nhất.

“Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu Thành phố các giải pháp để nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, hướng đến nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính các cấp”, Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại phiên chất vấn

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại phiên chất vấn

Tăng mức đầu tư vào lĩnh vực văn hóa

ĐB Đỗ Thùy Dương (tổ đại biểu quận Cầu Giấy) phản ánh tình tình trạng chửi bậy trong học sinh và cho biết: “Qua tìm hiểu các em học sinh cho biết việc chửi bậy là do áp lực cuộc sống, học hành và ít được vui chơi”. Đại biểu đặt câu hỏi với Giám đốc Sở GD&ĐT và Sở VHTT trong việc tạo không gian để vận động vật lý, từ đó nâng cao sức khỏe tinh thần cho cả học sinh và người dân nói chung.

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động kiến nghị thành phố tăng mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa tương xứng với vị thế, vai trò của văn hóa Thủ đô như xây dựng các nhà văn hóa ở xã, thôn; xây dựng thêm công viên; tôn tạo, tu bổ danh lam thắng cảnh... để Thủ đô có thêm nhiều điểm vui chơi, điểm đến văn hóa.

"Khi các cháu học sinh cũng như người dân Thủ đô được sống vui vẻ, khỏe mạnh thì sẽ yêu đất nước, yêu Thủ đô, yêu nhau hơn, có nhiều hành vi đẹp hơn và qua đó chống các hành vi xấu hiệu quả hơn", ông Động nói.

Trả lời về phản ánh của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho rằng, 2 bộ quy tắc ứng xử được Thành phố ban hành từ năm 2017, nhưng qua giám sát thì còn một số người dân vẫn chưa biết về 2 bộ quy tắc này.

Nguyên nhân trước hết là do công tác thông tin, tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục, chưa phù hợp với các nhóm đối tượng cụ thể. Do vậy, cùng với các cơ quan truyền thông, chính quyền các địa phương cũng cần quan tâm, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về 2 bộ quy tắc ứng xử bằng nhiều hình thức để nhân dân biết và tự giác thực hiện.

Về giải pháp tổng thể trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho rằng trước hết vẫn phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, đa dạng bằng nhiều hình thức; tăng cường công tác kiểm tra, có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức thì gắn việc thực hiện 2 bộ quy tắc với các tiêu chí đánh giá, khen thưởng, xử phạt; với người dân thì cần nghiên cứu các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy tắc ứng xử nơi công cộng, tiến hành xử phạt nghiêm minh để tạo chuyển biến...

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc kết luận phiên chất vấn

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc kết luận phiên chất vấn

Kết luận phiên chất vấn về nội dung này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị đánh giá lại 4 năm thực hiện hai quy tắc ứng xử để thấy rõ hiệu lực, hiệu quả, giải pháp đã thực hiện, qua đó bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp.

Sở Nội vụ cần nghiên cứu chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quy tắc ứng xử; áp dụng trước tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức, tiếp đó là đến người dân với các hành vi vi phạm ở nơi công cộng.

Đồng thời, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cần phát huy hiệu quả vai trò của người dân và các đoàn thể, cơ quan báo chí trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.