Hà Nội cần 116.417 tỷ đồng để xóa ngập

ANTĐ - Hà Nội cần tới 116.417 tỷ đồng đầu tư để có thể thoát ngập cục bộ trong gần 20 năm tới. Trước mắt, tại khu vực các quận nội thành, dự báo, trong vòng 3 năm tới, TP sẽ xóa bỏ được những “điểm đen” úng ngập khi trời mưa lớn.

Tiêu thoát nước là bài toán khó với Hà Nội từ nhiều năm nay


Số vốn khổng lồ

Hôm nay, 21-2, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (đơn vị tư vấn lập quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050) cho biết, Hà Nội cần tới 116.417 tỷ đồng để đầu tư cho hệ thống thoát nước trong gần 20 năm tới. Toàn bộ nguồn vốn kể trên sẽ được đầu tư cho hệ thống thoát nước mưa, nước thải tại khu vực trung tâm, phía Nam sông Hồng, phía Bắc Hà Nội, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng ven đô.

Đây là số vốn khổng lồ, nhất là trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn hiện nay. Do đó, cần xác định, phải sử dụng tối đa các loại nguồn vốn ODA, BT, PPP, ngân sách TP, xã hội hóa. Việc phân kỳ đầu tư, dựa vào kế hoạch của thành phố, trọng điểm đầu tư cho từng khu vực và vùng lõi của TP nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc như chống ngập úng, ô nhiễm môi trường, chống ngập cục bộ tại khu vực trung tâm. Bản quy hoạch cũng đề xuất xây mới trạm bơm Cao Viên, công suất 22m3/s; bổ sung trạm bơm Long Tửu (Đông Anh) với công suất 100m3/s. Đáng chú ý, quy hoạch lần này đề xuất lộ trình tăng phí nước thải (hiện nay mới chỉ thu phí môi trường qua hóa đơn nước sạch). Dự kiến, đến năm 2015, phí nước thải được thu là 1.501 đồng/m3 và đến năm 2020 là 12.200đồng/m3 và đến năm 2050 là 52.500 đồng/m3...

Quy hoạch không được chủ quan

Nhắc lại trận lụt lịch sử tại Hà Nội hồi năm 2008, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đặt vấn đề, quy hoạch phải nêu được các giải pháp xử lý úng ngập với những trường hợp cụ thể. Cùng mối quan tâm, ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP hỏi: “Nhân dân rất quan tâm tới việc thoát nước của TP. Với những trận mưa lớn, Hà Nội có còn bị ngập nặng không?” Ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đặt vấn đề, hiện nay, nước ta đã có chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng quy hoạch mới chỉ đề cập đến việc thoát nước mưa theo quy luật tự nhiên. Ông cảnh báo: “Đến năm 2030, thậm chí đến 2050 thì phải đặt vấn đề tính tới cả yếu tố biến đổi khí hậu. Nếu lập quy hoạch chủ quan sẽ trở tay không kịp, toàn bộ hạ tầng khi đó không đáp ứng được”. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo hỏi thẳng, vấn đề đặt ra là đến năm bao nhiêu thì Hà Nội hết ngập úng cục bộ?

Trả lời các câu hỏi trên, đơn vị tư vấn cho biết, Quy hoạch thoát nước lần này đáp ứng chu kỳ mưa lặp lại trong 10 năm, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đề ra. Việc thoát nước mưa cũng đã tuân theo kịch bản biến đổi khí hậu đến 2050, lượng nước mưa đã tăng lên 5%. Quy hoạch cũng đã tính đến việc tách hệ thống thoát nước mưa và nước thải; đáp ứng quy chuẩn xả vào môi trường Việt Nam; sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường của thế giới. Quy hoạch cũng đã đề cập đến việc xây dựng hệ thống thu gom nước thải sông, hồ... Ngoài ra, quy hoạch còn đề xuất giải pháp tiên tiến của thế giới là thoát nước bền vững, thân thiện với môi trường, áp dụng hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng cho các đô thị xây dựng mới...

Bổ sung thêm, ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng dự báo: “Đến năm 2014 thì khu vực nội đô sẽ hết ngập cục bộ khi gặp những trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày”. Nhấn mạnh mục tiêu từng bước xóa bỏ ngập úng ở trung tâm Thủ đô, nhất là trong các trận mưa lưu lượng lớn, lãnh đạo UBND TP yêu cầu, cơ quan tư vấn khẩn trương điều chỉnh bản quy hoạch này để TP sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua.