Hà Nội: Bến xe vắng đìu hiu, xe khách "chở gió" về Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bến xe khách vắng ngơ vắng ngắt, cả ngày chỉ có 1 chuyến xe ra/vào. Xe vào bến cũng gần như chỉ "chở gió" vì không có khách.

Từ ngày 13/10, TP Hà Nội đã đồng ý mở lại 7 tuyến xe khách liên tỉnh đi/ đến các địa phương phía Bắc gồm Lào Cai, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Giang và Lạng Sơn nhưng ghi nhận của phóng viên cho thấy, đến hôm nay, 19/10, các bến xe vẫn gần như bất động, không khí đìu hiu bao trùm.

Căn cứ trên hướng dẫn của Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội đã phân bổ tần suất “nốt” xe chạy về các bến, trong đó bến xe Mỹ Đình có 2 chuyến xe khách đi Hà Giang và Cao Bằng/ngày, bến Giáp Bát có 2 chuyến đi Lạng Sơn/ngày, bến Gia Lâm với 2 chuyến đi Quảng Ninh/ngày và bến xe Yên Nghĩa với 2 chuyến đi Sơn La và Điện Biên/ngày.

Dù phân bổ là vậy nhưng tại bến xe Mỹ Đình mới chỉ có xe Hà Nội- Cao Bằng hoạt động khá đều đặn trong những ngày qua, còn xe Hà Nội- Hà Giang thì mới chạy được 1 chuyến.

Những vị khách hiếm hoi đến bến Mỹ Đình để di chuyển bằng xe khách về Cao Bằng

Những vị khách hiếm hoi đến bến Mỹ Đình để di chuyển bằng xe khách về Cao Bằng

Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, từ ngày 13/10, nhà xe khách liên tỉnh Hà Nội- Cao Bằng hoạt động trở lại đầu tiên, tuy vậy, mỗi ngày xe xuất bến cũng chỉ lác đác vài khách, còn khi xe vào bến trên xe cũng rất trống.

“Xe khách liên tỉnh phần lớn hoạt động thời điểm này là “chở gió” chứ không có khách. Hành khách di chuyển thời điểm này đều là những trường hợp có việc bắt buộc như đi khám bệnh, xử lý công việc gấp… Còn tuyến Hà Nội- Hà Giang thì nhà xe đăng ký chạy từ ngày 17/10 và sáng 18/10 đã có xe vào bến”.

Cả bến xe Mỹ Đình rộng với tần suất 900 chuyến/ngày thì nay có 1 chuyến/ngày

Cả bến xe Mỹ Đình rộng với tần suất 900 chuyến/ngày thì nay có 1 chuyến/ngày

Để đảm bảo công tác phòng, chống Covid-19, ông Sơn cho biết, tất cả các hành khách đều được lưu lại thông tin khi đến bến xe và được yêu cầu thực hiện tuân thủ 5K. Bến xe Mỹ Đình cũng đã chuẩn bị nhân lực, kịch bản cho những tình huống rủi ro dịch bệnh.

Tương tự, bến xe Yên Nghĩa kể từ khi được phép mở cửa trở lại đến nay cũng luôn trong cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Theo quy định, bến được phân bổ 2 nốt xe đi Điện Biên và Sơn La với tần suất 2 chuyến/ngày.

“Các nhà xe hoạt động đều đặn từ ngày 13/10 đến nay nhưng cũng không có khách. Chỉ chiều về Hà Nội thì còn có vài chục khách, còn chiều Hà Nội đi Sơn La, Điện Biên gần như trống, doanh nghiệp cũng nản lắm”- đại diện bến xe Yên Nghĩa cho hay.

Còn tại bến xe Giáp Bát, tuy xe khách chạy tuyến Lạng Sơn được vào bến hoạt động nhưng lãnh đạo bến xe này cho biết, gần 1 tuần qua, bến xe không ghi nhận bất kỳ xe khách tuyến Lạng Sơn nào vào hoạt động.

Một lãnh đạo bến xe ví von: “Cả bộ máy của bến xe từ lãnh đạo đến nhân viên, ngày nào cũng đến ngồi chầu từ sáng đến tối để phục vụ 1 chuyến xe ra/vào bến”.

Theo lý giải từ các bến xe, nguyên do lớn nhất là do tình hình dịch bệnh tại một số địa phương vẫn còn diễn biến phức tạp, nên khách di chuyển trong thời điểm này đều là những trường hợp bất khả kháng.

Thêm vào đó, dù Bộ GTVT đã có hướng dẫn mới đối với vận tải khách liên tỉnh như không yêu cầu khách tiêm vaccine, không phải xét nghiệm Covid-19, khách chỉ tuân thủ 5K của Bộ Y tế nhưng đến nay Sở GTVT Hà Nội vẫn chưa có hướng dẫn cho các đơn vị thực hiện. Bởi vậy, các bến xe vẫn yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo quy định cũ.

Anh Trần Tuấn Anh, Hợp tác xã vận tải ô tô số 1 Cao Bằng, thông tin: “Để có thể vận hành được một chuyến xe chúng tôi tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Hơn nữa, chuyên môn để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của lái phụ xe không nhiều, nếu trên xe xuất hiện F0 hay F1 chi phí cho nhân viên đi cách ly còn gấp nhiều lần so với lợi nhuận thu được từ việc hoạt động trở lại”.

Hơn nữa, việc chỉ hoạt động với tần suất khai thác xe 5%, sau mỗi chuyến xe phải về nghỉ đến cả gần 2 tuần sau mới đến lượt chạy tiếp khiến nhiều nhà xe “cụt hứng”.

Đặc biệt, các quy định tiếp nhận người dân tại các địa phương còn chưa đồng nhất, khiến người dân lo lắng, không muốn di chuyển. Không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh còn chưa khôi phục hoạt động, chưa có việc làm; các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội vẫn dạy - học trực tuyến nên người dân có nhu cầu trở lại thành phố vẫn còn rất ít.