Hà Nội: Bắt đầu chi trả hỗ trợ cho lao động tự do gặp khó khăn do Covid-19

ANTD.VN - Chiều 5/6, hơn 300 lao động đầu tiên không có giao kết hợp đồng lao động tại quận Hà Đông (Hà Nội) bị mất việc làm do Covid-19 đã được nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng.

Những lao động tự do tại quận Hà Đông nhận tiền hỗ trợ

Chiều 5-6, Đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về quá trình triển khai chính sách trên địa bàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP được thành phố triển khai theo hai đợt.

Đến nay, việc chi trả đợt 1 cho các nhóm đối tượng là người có công; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đã hoàn thành. Việc rà soát 5 nhóm đối tượng thuộc diện thụ hưởng đợt 2 tiếp tục được các ngành, địa phương vào cuộc triển khai quyết liệt từ giữa tháng 5-2020.

Đến ngày 4-6, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng đã tiếp nhận hơn 85.000 hồ sơ của người sử dụng lao động và người lao động đề nghị hỗ trợ, trong đó có hơn 82.500 hồ sơ là đối tượng lao động tự do; 153 hồ sơ của người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 135 hồ sơ của người sử dụng lao động đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để xác định chính xác các đối tượng thụ hưởng.

Chẳng hạn, việc thẩm định điều kiện để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng không có cơ sở để kiểm tra, xác minh, mà dựa vào thông tin do người lao động, người sử dụng lao động cung cấp. Điều này dễ dẫn đến tình trạng trục lợi chính sách.

Đánh giá việc triển khai thực hiện hỗ trợ người dân khó khăn do Covid-19 của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc triển khai rà soát nhóm lao động tự do của Hà Nội cẩn trọng và hiệu quả.

Với việc rà soát theo tiêu chí của lao động tự do, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, không nên quá câu nệ việc xác nhận thu nhập tối thiểu của lao động tự do. Vì họ từ nơi khác tới và đã mất việc làm rồi thì đương nhiên mức sống tối thiểu sẽ thấp và khó khăn rồi. Tinh thần chung khi thực hiện chính sách là đã mất việc thì hỗ trợ việc làm trong thời điểm vừa qua.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội Hà Nội và Sở LĐ-TB&XH tập trung giải quyết nhanh các trường hợp bị chấm dứt hoặc  bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, hộ kinh doanh cá thể nếu đủ điều kiện phân loại và xử lý tháo gỡ chi trả ngay.

Trước đó, Đoàn kiểm tra, giám sát đã có buổi làm việc với UBND quận Hà Đông; trao đổi, gặp gỡ người dân thuộc diện được hỗ trợ để lắng nghe ý kiến phản ánh, tâm tư, nguyện vọng từ cơ sở.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa, thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể quận Hà Đông đã nỗ lực vào cuộc để rà soát, xác minh các nhóm đối tượng thụ hưởng với tinh thần công tâm, công khai, khách quan, minh bạch. Đến nay, toàn quận tiếp nhận 5.595 hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Trên cơ sở đề xuất của các phòng, ban, ngành, địa phương, quận Hà Đông đã xét duyệt 1.778 trường hợp đủ điều kiện hỗ trợ và đã ban hành quyết định chi trả đối với 329 trường hợp.