Hà Nội: 72 chợ và siêu thị tạm dừng hoạt động do dịch bệnh, sẽ kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sở Công Thương Hà Nội cho biết, mặc dù dịch bệnh lây lan đã khiến 20 chợ đầu mối, chợ dân sinh và 52 siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn TP đã phải tạm đóng cửa, nhưng nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Thực phẩm, rau xanh phục vụ người dân khá phong phú

Thực phẩm, rau xanh phục vụ người dân khá phong phú

Tăng các điểm bán hàng thiết yếu

Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến chiều nay (4-8), đã có 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa dừng hoạt động do dịch bệnh.

Tuy vậy, để đảm bảo được nguồn cung và tiếp tục phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục tăng lượng dự trữ hàng hóa tối đa về phục vụ nhân dân trên địa bàn (nhiều hệ thống đã tăng lên trên 50% so với ngày bình thường); đồng thời đổi mới các hình thức kinh doanh (tăng cường bán online trên nền tảng TMĐT, bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7....);

Một số cơ sở chế biến trên địa bàn tiếp tục tăng công xuất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối; Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát lại nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, nắm nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân để chỉ đạo các hệ thống phân phối thu mua giúp người dân hạn chế đi lại, đảm bảo công tác phòng chống dịch trên địa bàn và đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa cho rhành phố.

Hiện nay các doanh nghiệp, các địa phương đã tăng cường mở thêm các điểm bán: hệ thống VinShop đã mở đưa vào hoạt động 800 điểm bán hàng thiết yếu trên 30 quận, huyện, thị xã, Sở đang phối hợp với Bưu điện Hà Nội để tiếp tục mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu.

Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng trong tình huống dịch Covid-19 trong đó mỗi phường/xã ít nhất tổ chức thêm 1 điểm bán.

“Những nơi chưa có chợ tổ chức tối thiểu từ 2 điểm bán trở lên; rà soát các điểm đất trống, sân vận động, bến xe (đang dừng hoạt động), các chợ đang hoạt động chưa hết công suất…đối với các địa phương ở các cửa ngõ ra vào Thủ đô để giúp Thành phố làm nơi trung chuyển hàng hóa, giãn cách cho các chợ đầu mối đang dừng hoạt động”- Sở Công Thương cho biết.

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở Công Thương niêm yết công khai để phục vụ nhân dân, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.

Do đó, Sở Công Thương khẳng định: “Mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân dân”.

Người dân phải trả gần 125.000 đồng cho một quả bí hơn 2,7kg

Người dân phải trả gần 125.000 đồng cho một quả bí hơn 2,7kg

Nhiều thực phẩm tăng giá chóng mặt

Chị Hằng Thúy (Long Biên- Hà Nội) cho biết, do gia đình chỉ mua thực phẩm đủ ăn trong 2-3 ngày nên trong tuần đầu thực hiện giãn cách xã hội, gia đình chị Hằng Thúy phải đi mua đồ ăn 2 lần.

“Khoảng 16h30 ngày 2-8, tôi đi siêu thị AEON Long Biên nhưng nhiều hàng hóa tiêu dùng đã hết. Miến dong và mì Chũ (Lục Ngạn) không còn gói nào nên tôi phải mua tạm miến ăn liền, giá rất cao. Không tích trữ hàng hóa thì có lúc mua cũng bị hết cục bộ”.

Theo người mua hàng này, giá một số loại thực phẩm, rau xanh cũng tăng mạnh. Chẳng hạn: cà rốt Đà Lạt gần 40.000 đồng/kg; cà chua 45.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn nhiều lúc bình thường.

Tương tự, anh Hoàng Tuấn (khu đô thị cao cấp tại Minh Khai- Hoàng Mai) cho biết: “Chúng tôi ở chung cư mà được phát phiếu đi chợ buổi chiều. Đến giờ xuống chợ thì không còn gì mà mua. Vào siêu thị lớn tại đây tôi mua 1 quả bí xanh hơn 2,7 kg, giá gần 125.000 đồng/quả”.

Bà Nguyễn Phượng- tổ 6, phường Ngọc Thụy, Long Biên cũng cho biết, sáng 4-8, bà Phượng đi chợ dân sinh ở gần nhưng chợ chăng dây, hàng hóa lèo tèo. “Tôi ý định đi chợ mua ít cá về ăn mà không mua được. Người bán hàng nói do chợ Long Biên đóng cửa nên hàng về rất ít. Dù đi chợ sẵn cho vài ngày mà tôi chỉ mua được ít bánh mì, 2kg nhãn và 1 kg thịt lợn”- bà Phượng nói.

Ghi nhận cũng cho thấy, việc một số chợ đầu mối lớn, chợ dân sinh, siêu thị tạm ngừng hoạt động có ảnh hưởng nhất định đến giá cả hàng hóa tại các chợ còn đang hoạt động. Giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống và rau xanh đều tăng.

Tại hầu hết các chợ dân sinh, nguồn thịt lợn và rau xanh khá dồi dào, người mua thưa vắng. Giá trứng gia cầm, rau gia vị: gừng, tỏi, ớt tăng mạnh. Người tiêu dùng hiện phải mua 1.000 đồng/2 quả ớt.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đang rà soát lại các vùng trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố để cơ cấu tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi (nhất là mặt hàng rau ăn lá, củ, quả, trứng gia cầm,…) phù hợp nhu cầu tiêu dùng người dân trong phòng chống dịch nhằm đảm bảo nguồn tự cung cao nhất cho Hà Nội;

Đồng thời, tiếp tục kết nối với các tỉnh, thành phố cung cấp hàng hóa cho Hà Nội qua các kênh phân phối nhằm cân đối cung cầu, đảm bảo đủ nhu cầu phục vụ nhân dân trên địa bàn.