Hà Nội: 4,3 triệu người có thể dùng căn cước công dân gắn chip để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội đã có trên 4,3 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip để đi khám chữa bệnh...
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị giao ban công tác UBND TP quý II-2022.

Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị giao ban công tác UBND TP quý II-2022.

Ngày 1-7, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị giao ban công tác UBND TP quý II-2022.

Kiến nghị xử lý 173 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho biết, kinh tế thành phố trong quý II-2022 đã phục hồi mạnh mẽ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II-2022 ước tăng 9,49% (cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm là 6,4-6,9%).

Lũy kế 6 tháng GRDP tăng 7,79% (gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 là 6,02% và 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 là 7,21% - thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19)...

Ngành du lịch thành phố cũng có bước phục hồi mạnh mẽ. Theo Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội quý II tăng 374% và lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 234 nghìn lượt, tăng 232% (cùng kỳ giảm 86,2%); Khách du lịch trong nước quý II tăng 188% và lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 142% (cùng kỳ giảm 17,7%).

Sở TN&MT Hà Nội cho biết, đến hết quý I-2022, UBND các quận, huyện, thị xã đã bổ sung các dự án và tiếp tục đề xuất, kiến nghị xử lý đối với 173 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, dự án vi phạm.

Trong đó, 53 dự án đã có quyết định chủ trương (chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, văn bản giao chủ đầu tư nghiên cứu) đến nay đã quá tiến độ thực hiện dự án nhưng chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất; 120 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai.

Trên cơ sở số liệu phân loại trên, UBND TP phân công các Sở ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện xử lý theo 9 nhóm dự án.

Trong đó, đối với các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra thực hiện hậu kiểm việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo xử lý sau thanh tra, kiểm tra; đối với các dự án chưa có kết luận thanh tra, kiểm tra cần tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với từng dự án theo đúng quy định của pháp luật...

Hà Nội đã triển khai 20/25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ nhân dân

Báo cáo của Công an thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội đã hoàn thành triển khai 20/25 dịch vụ công thiết yếu (đạt 80%) theo Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trong 6 tháng đầu năm.

Đối với 5 dịch vụ công còn lại, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành bám sát chỉ đạo của các Bộ, ngành chủ quản để bảo đảm hoàn thành trong tháng 6-2022.

Thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2022 là 928 thủ tục hành chính.

Đối với việc triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân phục vụ khám chữa bệnh, Sở Y tế cho biết tính đến ngày 6-6-2022, trên địa bàn thành phố đã có trên 4,3 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip để đi khám chữa bệnh; có 416 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng sử dụng căn cước công dân tra cứu khám chữa bệnh; số lượt sử dụng căn cước công dân tra cứu khám chữa bệnh là 17.308 lượt.

Bảo đảm tỷ lệ giải ngân từ 90-95% trong năm 2022

Sau khi nghe các sở, ban, ngành, địa phương thành phố thảo luận, phát biểu kết luận hội nghị, về công tác phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn lưu ý về nhiệm vụ trọng tâm tháng 7 và các tháng tiếp theo của năm 2022.

Theo đó, các đơn vị cần lưu ý đặc biệt về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các đơn vị, địa phương.

UBND TP yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát toàn bộ nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của thành phố trong các ngành, lĩnh vực để đề xuất điều chỉnh phân cấp cho phù hợp với văn bản pháp luật và thực tiễn của thành phố.

Về lĩnh vực y tế, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP giao Văn phòng UBND TP cùng Sở Y tế phối hợp tham mưu UBND TP có văn bản chỉ đạo cụ thể về các nhóm nhiệm vụ của ngành.

Ngoài ra, các ban, ngành thành phố tiếp tục nghiên cứu có cơ chế tháo gỡ khó khăn trong mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế, có đề xuất cụ thể về nội dung này. “Trong thời gian tới, phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế, đảm bảo tiếp tục công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh mùa hè”, đồng chí Lê Hồng Sơn nói.

Liên quan công tác giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh thành phố đã có 6 Tổ công tác do các Phó Chủ tịch thành phố làm tổ trưởng, các Tổ công tác phải bám sát từng địa bàn, cơ quan, đơn vị phụ trách để bảo đảm tỷ lệ giải ngân từ 90-95% trong năm 2022.

Đồng chí Lê Hồng Sơn cũng đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được phân công để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách của năm 2022...