Hạ nhiệt tuyển sinh bằng công nghệ

ANTĐ - Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, công tác thi và tuyển sinh của Hà Nội đang vào giai đoạn nước rút với trọng tâm là kỳ thi THPT quốc gia, thi tuyển lớp 10 THPT và xét tuyển các lớp đầu cấp. Để tăng cường tính nghiêm túc, công bằng cho các kỳ thi, Hà Nội sẽ áp dụng nhiều biện pháp mới so với năm trước.

Hà Nội chủ động chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016

- PV: Kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần, công tác chuẩn bị cho kỳ thi này của Hà Nội đã đến đâu, thưa ông?

Hạ nhiệt tuyển sinh bằng công nghệ ảnh 2

- Ông Phạm Văn Đại: Năm nay, Hà Nội vẫn có 2 loại cụm thi: cụm thi địa phương chủ trì sẽ có 31 điểm thi và cụm thi ĐH chủ trì sẽ có 39 điểm thi. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ thi đang được gấp rút triển khai với tinh thần bảo đảm điều kiện tốt nhất cho thí sinh. Đề xuất chung của các trường hiện nay là sớm hoàn thiện dữ liệu chính xác về số lượng thí sinh, chuyển cho từng trường ĐH để các trường có kế hoạch bố trí phòng thi, điều động lực lượng phục vụ.

- Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có những điểm mới gì so với năm trước?

- Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có khoảng 120.000 thí sinh thì năm nay sẽ chỉ có 76.000 thí sinh. Vì vậy, áp lực giao thông, nhà ở, đi lại sẽ giảm rất nhiều. Năm nay, các điểm thi do Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì đều được quy định tỷ lệ cán bộ từ các trường ĐH, CĐ về phối hợp tổ chức thi là 50-50. Việc này sẽ đảm bảo tính công bằng trong chấm thi, coi thi giữa các cụm thi của Sở GD-ĐT chủ trì với các cụm thi do trường ĐH chủ trì.

- Kỳ thi lần này, Hà Nội có hơn 16.000 thí sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT thay vì xét tuyển ĐH, CĐ. Đây có phải là dấu hiệu khả quan của công tác phân luồng?

- Đối với công tác phân luồng, ngay từ bậc THCS, Hà Nội đã thực hiện phân luồng với những học sinh có khả năng vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề theo năng lực bản thân và đến năm nay đã có biểu hiện tốt. Điều này thể hiện qua số lượng học sinh đăng ký thi THPT quốc gia nhằm xét tuyển ĐH, CĐ năm nay giảm xuống so với tổng số học sinh lớp 12. 

- Khó khăn hiện nay trong công tác phân luồng ở bậc phổ thông của Hà Nội là gì, thưa ông?

- Khó khăn lớn nhất là tâm lý của cha mẹ luôn muốn con mình học cao hơn. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được nhưng phải căn cứ vào học lực của học sinh, điều kiện kinh tế của các gia đình. Để thay đổi tâm lý này cần có sự tác động lâu dài và không chỉ của riêng ngành giáo dục. 

- Số lượng tuyển sinh các lớp đầu cấp của Hà Nội năm nay liệu có ở tình trạng quá tải không thưa ông?

- Năm nay, tỷ lệ tuyển sinh các lớp đầu cấp của Hà Nội tương đương năm trước, dự kiến không có biến động lớn. Học sinh lớp 1, lớp 6, lớp trẻ 5 tuổi đều được đảm bảo đủ chỗ học. Với những trường có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 1 hoặc lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh thì nhà trường căn cứ vào các quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, có thể sử dụng các tiêu chí phụ để xét tuyển sinh, tuyệt đối không được tổ chức thi tuyển. Trường hợp có nguyện vọng học tại các trường ngoài công lập chất lượng cao được khuyến khích.

- Điểm mới trong tuyển sinh của Hà Nội lần này là áp dụng phần mềm đăng ký trực tuyến. Vậy người dân sẽ được hưởng lợi gì nếu sử dụng cách thức này?

- Việc xây dựng phần mềm tuyển sinh online là một trong những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố. Sở GD-ĐT Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phần mềm để phụ huynh có thể dễ dàng thực hiện đăng ký nhập học mọi nơi, mọi lúc nếu hiểu biết về công nghệ thông tin.

Người dân sẽ không mất thời gian đến trường xin mẫu đơn, điền vào đơn và đến nộp hồ sơ như mọi năm. Khi sử dụng phần mềm này, phụ huynh có thể nghiên cứu kỹ thông tin chỉ tiêu, phân tuyến của trường mình lựa chọn. Căn cứ điều kiện của nhà trường, nếu học sinh đáp ứng đúng yêu cầu thì phụ huynh chỉ cần ngồi nhà đăng ký. Người dân chỉ phải đến trường một lần duy nhất để nộp hồ sơ và chứng nhận các điều kiện đi kèm… giúp giảm số lần đi lại, tạo thuận lợi cho phụ huynh học sinh.