Hà Lan chi 20 tỷ Euro chống nước biển dâng

ANTĐ - Hà Lan là vùng đất thấp, châu thổ của 4 con sông Rhine, Maas, Schelde và IJssel. Lịch sử thủy lợi Hà Lan là lịch sử đấu tranh với biển và với nước từ trên 2000 năm đến nay. 

Hai nghìn năm trước đây người Hà Lan bắt đầu đắp những vùng đất cao để sinh sống. Chính phủ Hà Lan cho rằng đã đến lúc phải hành động vì nhiều người dân Hà Lan đang sống trong các khu vực thấp hơn mực nước biển và hơn 1/2 dân số nước này hiện đang sống tại các vùng lãnh thổ có nguy cơ chìm dưới biển. Kế hoạch này bao gồm các biện pháp cần thiết nhằm tăng cường bảo vệ hệ thống đê điều, cải thiện nguồn cung cấp nước ngọt như mở rộng sông Rhin và sông Meuse.

Sau trận lụt năm 1953 khiến 1.835 người thiệt mạng, 72.000 người mất nhà cửa, kế hoạch Delta Works được thực hiện nhằm bảo vệ đất nước khỏi bị ngập úng với mục tiêu: An toàn chống lũ; Đường giao thông ven biển; Ngăn biển thành các hồ nước ngọt; Xây dựng các đập ngăn nước dâng do bão; Tạo giao thông thủy giữa các sông Scheldt-Rhine; Nâng cấp cơ sở hạ tầng, phục vụ du lịch và nông nghiệp.

Delta Works kết thúc vào năm 1997 với  15 hạng mục công trình chính, bao gồm hệ thống hệ sông, đê biển với chiều dài 16.493 km, trong đó 2.415 km đê chính và 14.077 km đê phụ; hệ thống cống chắn nước dâng do bão, cống tiêu nước và âu thuyền dài 3.200m; tạo được 3 hồ chứa nước ngọt rất lớn đảm bảo nguồn nước ngọt ổn định cho cả đất nước trong tương lai.

Hệ thống các công trình bảo vệ ở Biển Bắc của Hà Lan được coi là một trong Bảy Kỳ Quan của Thế giới Hiện đại (theo Hiệp hội Kỹ sư dân dụng Hoa Kỳ). “Xem ra biển không còn làm người Hà Lan bận tâm nữa. Mọi chỗ đã đều được ẩn giấu sau các tuyến đê. Biển đã khuất khỏi tầm nhìn và khuất khỏi tâm trí người Hà Lan” - các chuyên gia thủy lợi tuyên bố. 

Tuy nhiên, sau một thời gian dài, hệ thống đê chắn sóng đã trở nên cũ Chính phủ đang bắt đầu “một chương mới trong mối quan hệ lâu dài với nước” bằng việc triển khai kế hoạch “Đồng bằng 2015” trị giá 20 tỷ Euro trong 30 năm. 

Theo các nhà khoa học Hà Lan dự báo, mực nước biển sẽ dâng thêm khoảng 1 m trong thế kỷ XXI do tình trạng ấm lên của trái đất. Lúc đó, các con đê sẽ bị chìm trong nước. Giải pháp đang được người Hà Lan lựa chọn là xây dựng thành phố nổi trên mặt nước chỉ sử dụng những nguồn năng lượng tự nhiên, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, thay vì nâng cao đập, người Hà Lan ngày nay đã nạo vét những vùng trũng, tạo những khoảng trống để nước trên các con sông dâng lên tự nhiên. Bởi lẽ, việc xây cao các bức tường, đê ngăn nước khó có thể tồn tại lâu dài trước tình trạng nước biển dâng cao hiện nay.

Cũng như các thành phố khác tại Hà Lan, Rotterdam hiện chịu 2 áp lực: nước biển dâng cao ở bên ngoài và lượng nước từ bên trong đất liền đổ ra như nước mưa, nước thải, nước ngầm. Rotterdam được người dân Hà Lan tự hào là thành phố kiểu mẫu được chuẩn bị kỹ càng để ứng phó với biến đổi khí hậu và đang hướng dần ra biển. Trung bình mỗi tuần, có 2 triệu m3 cát được bơm lên để đưa thành phố này lấn ra biển. Rotterdam là thành phố đã áp dụng thành công mô hình xây dựng “thành phố nổi” ven biển và “khu chứa nước đô thị”. Các khu nhà nổi sẽ được xây dựng bên trong những con đê được gắn thiết bị cảm ứng để giám sát đê đập. Các khu nhà nổi này được thiết kế nổi lên và hạ xuống tùy theo mực nước tại mỗi thời điểm. “Thành phố nổi”, theo các chuyên gia Hà Lan tại Hội thảo, nên được áp dụng cho những vùng trũng lấn ra biển. Riêng đối với các thành phố đã có hạ tầng ổn định, những khu chứa nước bên trong đô thị là điều nên nghĩ đến. Tại Rotterdam, những bồn chứa nước lớn được xây dựng bên dưới quảng trường hoặc dưới các nhà để xe của thành phố.