Hạ độ tuổi kết hôn: Không nên dựa vào... cảm tính

ANTĐ - Xã hội phát triển dẫn đến tình trạng trẻ em phát triển sớm và có xu hướng bước vào cuộc sống hôn nhân sớm hơn. Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành  quy định độ tuổi kết hôn của nữ từ 18 tuổi, nam từ 20 tuổi là không còn phù hợp và, không theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nếu hạ độ tuổi kết hôn thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Một đám cưới chú rể 14 tuổi, cô dâu 17 tuổi ở Long An

18 tuổi kết hôn, phụ nữ chịu thiệt thòi

Nếu như ở thành phố, độ tuổi kết hôn của phụ nữ ngày càng cao thì tại một số vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phần lớn là tảo hôn. Vậy quy định chờ đủ 18 tuổi là “không có tác dụng” tại những vùng này. Bên cạnh đó, quy định nữ bước sang tuổi 18 kết hôn được coi là hợp pháp nhưng luật lại không quy định cụ thể họ có quyền tham gia tất cả các giao dịch liên quan đến tài sản trong hôn nhân vì nhiều giao dịch như giao dịch về bất động sản, tín dụng... theo pháp luật hiện hành đòi hỏi chủ thể của giao dịch phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên.

Mặt khác, cũng theo Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành, nữ bước sang tuổi 18 đã được đăng ký kết hôn. Có điều, nếu muốn ly hôn thì họ phải từ đủ 18 tuổi vì pháp luật về tố tụng dân sự quy định, cá nhân phải đủ 18 tuổi mới có thể tự mình là chủ thể của các quan hệ tố tụng.

Vì vậy, nếu sửa luật theo hướng quy định nam nữ đủ 18 tuổi sẽ được phép đăng ký kết hôn sẽ giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Hường (giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội) thì không nên tranh cãi về độ tuổi kết hôn ở khía cạnh “tròn hay đủ”, mà phải dựa trên cơ sở tâm sinh lý của người kết hôn, phong tục tập quán... khi “rất nhiều trường hợp không đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn chung sống, vẫn sinh con đẻ cái”. Hơn nữa, xét ở góc độ khoa học tâm sinh lý, thì tuổi trưởng thành ở nữ giới thường sớm hơn nam. Vậy nên bà Hường kiến nghị, tới đây nên sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình theo hướng hạ tuổi kết hôn đối với nữ là 16 hoặc 17. 

Đồng quan điểm với bà Hường, bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cho rằng, các cuộc khảo sát gần đây cho thấy giới trẻ càng ngày càng quan hệ tình dục sớm hơn, đồng thời cũng dậy thì sớm hơn, bắt đầu từ độ tuổi 9-12. Vì vậy việc hạ độ tuổi kết hôn là hợp lý. Và điều quan trọng là cần quan tâm đẩy mạnh giáo dục giới tính, tư vấn tiền hôn nhân. 

Còn nhiều vướng mắc

Đành rằng việc hạ độ tuổi kết hôn xét trên một khía cạnh nào đó sẽ khiến người phụ nữ ít phải chịu thiệt thòi nhưng thực tế cho thấy nó làm nảy sinh nhiều vấn đề và không phù hợp với Việt Nam. Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, Trung tâm tư vấn tâm lý Nhịp cầu hạnh phúc cho rằng nếu hạ độ tuổi kết hôn sẽ có một số vấn đề nảy sinh như các quy định liên quan đến trẻ vị thành niên, xử lý tội phạm hình sự ở tuổi này, quy định cấm sử dụng lao đông vị thành niên trong một số ngành nghề...

Hiện nay, điều kiện sống được nâng cao, ăn uống đầy đủ, trẻ thế hệ 9X đời cuối hoặc sinh những năm 2000 có sự phát triển về thể hình khá nhanh so với các lứa tuổi trước đó (chẳng hạn như trường hợp người mẫu 13 tuổi cao 1,7 m). Tuy nhiên đó chỉ là vấn đề hình thể, còn tâm lý, trí tuệ các em vẫn còn đang ở tuổi vị thành niên, ngay cả luật hình sự vẫn có khung hình phạt riêng cho lứa tuổi dưới 18.

Do đó, theo ông Thịnh, trước khi xem xét đến việc hạ độ tuổi kết hôn, cần có một nghiên cứu khoa học xã hội về mọi mặt của lứa tuổi 16 từ vấn đề tâm sinh lý, khả năng đảm đương vai trò làm mẹ, làm vợ, và sự phát triển về mặt thể chất, trí tuệ, tinh thần của các thế hệ tiếp theo…. Khảo sát cần phải tiến hành với số lượng mẫu thống kê đủ lớn, bao gồm đủ các vùng miền và kết quả có tính khoa học được một hội đồng khoa học đánh giá chứ không thể chỉ dựa vào cảm tính cho rằng “ngày nay nó thế” rồi đưa ra kết luận.

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đức Vy, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Chủ tịch Hội Sản Phụ khoa Việt Nam, cho rằng không nên thay đổi quy định độ tuổi kết hôn. Lý do là về mặt sinh lý, ở tuổi 16, 17, khung xương chậu của thiếu nữ chưa phát triển hoàn thiện. Ông nói: "Ít nhất phải đến 22 tuổi cơ thể thiếu nữ mới phát triển đầy đủ, sẵn sàng cho việc sinh con, còn những trường hợp 16, 17 tuổi mà sinh con hầu hết phải mổ lấy thai. Riêng về nam giới, độ tuổi thích hợp để làm cha là 25".

Ngoài vấn đề sức khỏe, ông Vy còn lo ngại về mặt tâm sinh lý, ở độ tuổi này, các em gái chưa có sự chuẩn bị gì để mang thai, làm mẹ. Hiện nay trên thế giới không quy định độ tuổi kết hôn, nhưng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, độ tuổi thích hợp để có thai lần đầu là 20 đến ngoài 22, lần thứ hai là 25 đến 27 tuổi. Khi đến tuổi ngoài 30 thì phụ nữ có thể dành thời gian để cống hiến cho sự nghiệp.

Thời gian vừa qua, cũng đã xảy ra một số trường hợp, đôi trai gái yêu nhau, thậm chí chung sống với nhau như vợ chồng, song cô dâu lại chưa đến tuổi kết hôn, hay đúng hơn là đang là… trẻ em. Vậy vấn đề đặt ra là có nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với “chú rể” về hành vi “giao cấu với trẻ em theo Luật Hình sự hiện hành. Và việc hạ độ tuổi kết hôn sẽ tránh được những vướng mắc này. Song, theo quan điểm của ông Vũ Việt Hùng (Phó Vụ trưởng Vụ 1A, VKSNDTC) thì trong những trường hợp trên nên áp dụng pháp luật mềm dẻo, không quá cứng nhắc.

Đối với những trường hợp hai bên thuận tình, tự nguyện và có tình cảm yêu đương thực sự với nhau thì nên thay hình phạt tù giam bằng các biện pháp khác như án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ... Thậm chí, đối với một số trường hợp mà đôi trai gái tự nguyện yêu đương, sống chung, sinh con đẻ cái từ khi cô gái dưới 16 tuổi, nay vợ chồng họ vẫn chung sống ổn định hạnh phúc thì thiết nghĩ hành vi “Giao cấu với người dưới 16 tuổi” đã không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, ở một góc độ nào đó, có thể hiểu rằng pháp luật “chấp nhận” cho những cuộc “hôn nhân sớm” - khi mà thời điểm bắt đầu cuộc sống hôn nhân người nữ chưa đủ tuổi luật pháp quy định.

Bên cạnh đó, nếu kết hôn ở tuổi 16 thì các “cô dâu” đều còn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. Không thể nói rằng việc kết hôn, sinh con không ảnh hưởng đến việc học tập của người mẹ. 

Vì vậy trước quyết định nhạy cảm có nên hạ độ tuổi kết hôn hay không đòi hòi những nhà làm luật phải có sự nhìn nhận thấu đáo, khách quan và quan trọng là phải phù hợp với thực tế chứ không nên chỉ theo cảm tính.