Hạ chi phí phát triển giao thông xuống 7 tỷ USD

(ANTĐ) - UBND TP Hà Nội vừa quyết định hạ mức đầu tư phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2011-2015 từ 13 tỷ USD theo như đề xuất của Sở GTVT xuống 7 tỷ USD.
Trong đó, trọng tâm là phát triển hệ thống đường vành đai và đường sắt đô thị.
Hạ chi phí phát triển giao thông xuống 7 tỷ USD ảnh 1
Theo đó, trong 5 năm tới, với khoản kinh phí 153.000 tỷ đồng (7 tỷ USD), Hà Nội đặt mục tiêu đầu tư cơ bản hạ tầng khung hiện đại; kết nối các đô thị vệ tinh với khu vực trung tâm, góp phần giãn mật độ dân cư và phục vụ xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa các loại hình, phương tiện vận tải hành khách công cộng, giảm dần phương tiện giao thông cá nhân; đầu tư xây dựng một số công trình giao thông cấp bách nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị. Mục tiêu đặt ra trong 5 năm tới là đảm bảo 100% quận, huyện, thị xã có quy hoạch chi tiết mạng lưới hạ tầng giao thông; đến 2015 tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,5 - 9%, cho giao thông tĩnh đạt 5%; phát triển thêm 12 tuyến xe buýt để năm 2015 đạt 777 triệu lượt hành khách sử dụng phương tiện này. Để đạt mục tiêu này, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư các công trình hạ tầng đường bộ, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống đường vành đai, tuyến hướng tâm và kết nối theo mạng, giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn trong mạng lưới giao thông… Trong đó, ưu tiên hoàn thành tuyến QL 32 (đoạn Diễn - Nhổn), đường nối Nhật Tân - Nội Bài, đường 1A (đoạn Cầu Chui - Cầu Đuống, Văn Điển - Ngọc Hồi - vành đai 4), QL 2 đoạn Phủ Lỗ - Nội Bài… đẩy nhanh công tác chuẩn bị và thi công tuyến QL 5, đoạn Sài Đồng - Hưng Yên và đường Tây Thăng Long, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài… Bên cạnh đó, sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, để năm 2014 đưa tuyến Cát Linh - Hà Đông vào sử dụng, năm 2016 đưa tuyến Nhổn - ga Hà Nội vào sử dụng; hoàn thành công tác đầu tư, triển khai xây dựng tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi để hoàn thành vào năm 2018… Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển 50 bãi đỗ xe, kết hợp với quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng, đáp ứng nhu cầu giao thông tĩnh của thành phố. Riêng đối với các tuyến vành đai, thành phố tập trung triển khai thi công đường vành đai 1, hoàn thành đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, Hoàng Cầu - Voi Phục; tuyến vành đai 2 sẽ tập trung thi công, hoàn thành đoạn Nhật Tân - Bưởi - Cầu Giấy, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - Cầu Vĩnh Tuy, hoàn thành và chuẩn bị khởi công đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy và đường trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Còn các tuyến vành đai 2,5 sẽ tập trung thi công, hoàn thành đoạn Đền Lừ - Kim Đồng, Nguyễn Phong Sắc, Lê Văn Lương - Nguyễn Trãi - Đầm Hồng; tuyến vành đai 3 sẽ hoàn thành đường trên cao đoạn Mai Dịch - Pháp Vân, Mai Dịch - cầu Thăng Long - Nội Bài và hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thi công một số đoạn, tuyến của đường vành đai 4, vành đai 5. Các tuyến đường chính kết nối trong nội đô như Văn Cao - Hồ Tây, Cát Linh - La Thành, đường 70, cầu Đông Trù, Nhật Tân, Phù Đổng 2, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ được hoàn thành; công tác chuẩn bị đầu tư, lập các dự án cầu qua sông Hồng như Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát… sẽ được đẩy nhanh. Đồng thời, thành phố sẽ xây dựng và cải tạo 35 cầu yếu ở một số quận, huyện; xây mới 15 cầu vượt cho người đi bộ.
Hơn 1 nghìn tỷ đồng thực hiện gói thầu số 2 đường vành đai 3
Ban Quản lý Dự án Thăng Long (Bộ GTVT) đã ký hợp đồng xây lắp gói thầu số 2, đoạn Trung Hòa-Thanh Xuân, thuộc đường vành đai 3, giai đoạn 2 đi trên cao với Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui (Nhật Bản). Gói thầu số 2 sẽ xây dựng cầu cạn chạy dài hơn 2km từ trụ P83 đến P136, đoạn Trung Hòa-Thanh Xuân và 4 nhánh lên, xuống tại nút giao Trung Hòa, Thanh Xuân, mỗi nhánh dài 210m.
Theo thiết kế, toàn bộ 53 trụ cầu chính và 32 trụ cầu dẫn đặt trên nền móng cọc bê tông cốt thép đổ tại chỗ đường kính 1m và 1,5m. Tổng giá trúng thầu của gói số 2 là gần 1.100 tỷ đồng, thời gian thực hiện 913 ngày kể từ ngày động thổ.