“Hạ cánh” an toàn từ cao ốc

ANTĐ - Sự phát triển nhà cao tầng là xu thế phổ biến trong tiến trình đô thị hóa. Tuy nhiên, trước thực tế mỗi khi các tòa nhà chọc trời, các khu chung cư cao tầng gặp sự cố lại cướp đi sinh mạng của nhiều người, vì vậy nhiều nhà phát minh, nhà sáng chế có thêm động lực để sáng tạo những thiết bị cứu hộ đặc biệt.

Tiến sỹ Kevin R. Stone sử dụng cuộn giải cứu để “hạ cánh” từ tầng cao

10 năm trước, chứng kiến cảnh nhiều người mắc kẹt trên tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York phải nhắm mắt nhảy xuống tòa nhà đang sập dần, một nhà phát minh ở San Francisco, nước Mỹ quyết tâm cho ra đời thiết bị thoát hiểm cá nhân tại tòa nhà cao tới 100 tầng. Rescue Reel (Cuộn giải cứu) với lô hàng đầu tiên 200 sản phẩm đã được tung ra thị trường dịp 11-9 năm nay, đúng 10 năm sau thảm kịch khủng bố 11-9.

Năm 2006, Tiến sỹ Kevin    R. Stone cùng với các kỹ sư cho ra đời nguyên mẫu đầu tiên của Rescue Reel. Vật liệu chính được làm từ dây thừng bằng thép kiên cố, cuộn chặt quanh ống giúp mọi người có thể thoát khỏi nhà cao tầng một cách an toàn. Khi Tiến sỹ Stone giới thiệu phát minh này trên tạp chí Newsweek một năm trước đây, thương gia người Indianapolis ông Birch Dalton ngỏ ý hợp tác với Tiến sỹ Stone về ý tưởng sản xuất đại trà. Kết quả là Indiana được chọn làm nơi sản xuất cố định thiết bị thoát hiểm cá nhân này.

Thị trường đối với Rescue Reel lớn thế nào là điều ai cũng có thể đoán được. Đó là chủ đầu tư có thể mua vài chục sản phẩm để sẵn trên tầng thượng; người dân sống ở các khu chung cư; người già, người khuyết tật làm việc trên nhà cao tầng nhưng sợ không thể dùng cầu thang bộ trong trường hợp khẩn cấp; nhân viên trên các dàn khoan dầu, các tàu du lịch lớn… Hiện Rescue Reel có giá từ 1.800 - 2.000 USD, tùy thuộc vào chiều dài đoạn thừng khách hàng có nhu cầu. Công ty này cũng đang nghiên cứu công nghệ để có thể hạ 30% giá thành sản phẩm.

Trong khi đó, 6 tháng nay, Lưu Phong, 22 tuổi, người Giang Tô, Trung Quốc ngày nào cũng làm cái việc mà mọi người mới nhìn qua thấy rất ngộ: nhảy từ tòa nhà 7 tầng. Người thanh niên đã tốt nghiệp Cao đẳng Công nghệ thông tin Nam Kinh không phải muốn tự tử, chỉ là thử nghiệm phát minh mới có thể cứu được mạng người. Đó là thiết bị thoát hiểm nhà cao tầng ở giai đoạn thử nghiệm thứ 3, không hẳn là sáng chế đầu tiên trên thế giới giúp con người “bay” như kiểu “người dơi” nhưng nó sẽ là sản phẩm có giá cả phải chăng nhất, dự kiến giá chỉ khoảng 200 NDT (31 USD). "Tôi muốn những người dân bình thường cũng có thể mua được thiết bị cứu thoát được họ”, Lưu Phong -người đang sở hữu 13 bằng sáng chế quốc gia, được bầu chọn là “ngôi sao phát minh” của tỉnh Giang Tô nói. Ý tưởng đến với chàng trai này sau khi anh nghe nói trong vụ hỏa hoạn trên tòa nhà 28 tầng khiến 58 người chết hồi tháng 11-2010 ở Thượng Hải, rất nhiều người chết vì không biết chạy thoát lối nào và bị ngạt khói.  

 Thiết bị này bao gồm một dây đai an toàn, dây thừng, móc và một bộ điều khiển tốc độ giúp vật thể nặng tới 100kg có thể hạ độ cao từ một tòa nhà 7 tầng trong vòng vài giây. Lần thử nghiệm đầu tiên, Lưu Phong đã bị gãy tay vì thiết bị kiểm soát tốc độ không hoạt động, phiên bản 2 thì khó sử dụng, còn đến phiên bản 3 này, nó được đánh giá là “hoàn hảo”, có thể đáp ứng như một thiết bị chữa cháy trên thị trường. Một công ty tại Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang đã đầu tư 5 triệu NDT để đưa thiết bị thoát hiểm của Lưu Phong vào sản xuất, người sáng chế được hưởng 20% lợi tức. Một khi được cơ quan quản lý chất lượng và an toàn quốc gia chứng nhận, sản phẩm sẽ đi vào sản xuất từ tháng 10-2011.

 Không nói đâu xa, tại Việt Nam cũng có một số phát minh về cứu hộ tại các tòa nhà cao tầng được cấp bằng sáng chế và bản quyền công nghiệp. Trong số này phải kể đến thiết bị thoát hiểm nhà cao tầng của ông Nhan Thành Út, ở TP.HCM, áp dụng nguyên lý tự hãm và điều tốc bằng thủy lực, có thể giúp đưa người thoát hiểm từ độ cao 150m, tương đương chiều cao của tòa nhà 45 tầng. Khi có sự cố xảy ra, người bị nạn chỉ việc mở thiết bị, lấy dây đai thắt vào người, kéo móc neo ra ngoài và tuột xuống. Cũng có giá thành thấp, tính ứng dụng cao là thiết bị thoát hiểm cá nhân mang tên “Nhện xanh” của Công ty cổ phần Thiết bị thoát hiểm Việt - Nhật (Tổng công ty Thép Việt - Nhật). Nó có khả năng chịu lực tới 120kg nên trong trường hợp khẩn cấp cho phép thoát hiểm 2 người một lúc. Người mua thiết bị được mua bảo hiểm sản phẩm và được nhà sản xuất bảo hành trong 5 năm.