Gửi xe nhận vé viết tay: "May nhờ, rủi chịu"

ANTD.VN - Cách đây ít ngày, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, việc thu phí trông giữ xe bằng giấy viết tay là hoàn toàn trái quy định, nếu phát hiện sẽ có hình thức xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Tuy vậy, đến thời điểm này, tình trạng các điểm trông giữ xe tự phát sử dụng vé tự… “sản xuất” đưa cho chủ phương tiện vẫn diễn ra khá phổ biến.

Gửi xe nhận vé viết tay: "May nhờ, rủi chịu" ảnh 1Nhiều điểm trông giữ xe đưa vé viết tay, thậm chí không đưa vé vẫn tồn tại

Vừa bị “chặt chém”, vừa lo nơm nớp

Khảo sát một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như phố Hàng Dầu, Gia Ngư, Phủ Doãn, Bà Triệu…, và các khu tập thể cũ, chúng tôi chứng kiến khá nhiều điểm trông giữ xe bằng vé không đúng quy định với mức phí rất cao.

Có mặt tại một điểm nhận trông giữ xe có treo tấm biển bằng bìa carton ghi: “Gửi xe” tại phố Hàng Dầu chiều 10-3, khi thấy chúng tôi giảm tốc độ và tiến lại gần, người phụ nữ đứng gần đó đã vội chạy ra vẫy tay ra hiệu đưa xe lên vỉa hè và ra mức giá: “10.000 đồng”.

Khi chúng tôi hỏi vé, người phụ nữ này đưa ra miếng bìa nhỏ màu vàng được ép plastic trên đó chỉ vỏn vẹn mấy chữ “vé gửi xe”, số vé và một chữ ký nguệch ngoạc. Thắc mắc về tính hợp lệ của chiếc vé này, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời: “Vé nhà này nhìn là biết ngay, nếu không yên tâm thì mang gửi chỗ khác”.

Cách đó không xa là một điểm trông giữ xe máy nằm ở khu vực ngã tư Hàng Dầu - Cầu Gỗ. Tại đây, thường có từ 2 đến 3 nam thanh niên túc trực. Khi thấy chủ phương tiện có nhu cầu gửi xe, họ nhanh chóng dắt xe lên vỉa hè, thu tiền 20.000 đồng/xe máy nhưng không đưa vé. Tương tự, tình trạng trông giữ phương tiện phá giá quy định nhưng không đưa vé hoặc đưa vé không hợp lệ cũng xuất hiện tại một số điểm trông giữ xe máy nằm trên phố Gia Ngư, Phủ Doãn…

Không chỉ tại các tuyến phố, ở khu vực tầng 1, sân chơi của nhiều khu tập thể cũ ở phường Thành Công, Giảng Võ, Thanh Xuân Bắc (Hà Nội), việc trông giữ phương tiện bằng vé tự tạo cũng diễn ra hết sức phổ biến.

Hình ảnh dễ nhận thấy ở những nơi này là hàng chục chiếc xe bị nhồi nhét vào trong những căn phòng tối om, gầm cầu thang, khoảng sân chật hẹp với lối ra vào rất nhỏ nên chỉ cần xảy ra hỏa hoạn thiệt hại rất khó lường. Hơn nữa, những chiếc vé tự… “sản xuất” thường được làm sơ sài nên khả năng bị làm giả rất cao. Mặc dù không ít chủ phương tiện tỏ ra bất an, lo lắng khi gửi xe tại các điểm này, song cuối cùng họ vẫn miễn cưỡng chấp nhận rủi ro vì việc tìm được chỗ gửi xe là điều không đơn giản. 

Chị Nguyễn Bảo Vân, nhân viên ngân hàng quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, người không ít lần phải gửi xe tại các điểm trông giữ xe tự phát trên vỉa hè cho biết, tại các tuyến phố chính, đặc biệt là ở khu vực phố cổ, việc tìm được chỗ gửi xe rất khó khăn nên chủ phương tiện hầu như không có sự lựa chọn nào khác. Họ không những phải trả mức phí cao nhiều lần so với quy định mà còn đối mặt với nguy cơ có thể mất xe bất cứ lúc nào vì cầm trong tay tấm vé “handmade” không giá trị, không số điện thoại, không tên tuổi của người trông giữ.

“Có lần gửi xe ở khu vực phố Hàng Bè, khi tôi ra lấy xe thì tìm mãi không thấy người trông xe, tôi lấy xe về kèm theo cả tấm vé mà họ cũng không hay. Thế mới thấy việc gửi xe lại những điểm này nguy cơ mất xe rất cao, nhưng tâm lý chung của mọi người là thà gửi và chấp nhận mất tiền còn hơn không”, chị Nguyễn Bảo Vân chia sẻ.

Nhận vé viết tay, mất xe tự chịu?

Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, khi người dân thực hiện việc gửi xe và các tổ chức, cá nhân nhận trông giữ xe đồng nghĩa với việc giữa hai bên đã xác lập một giao dịch dân sự - đó là hợp đồng gửi giữ tài sản.

Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định: “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”.

Như vậy, hợp đồng gửi giữ xe được xác lập bằng miệng, căn cứ pháp lý duy nhất thể hiện giao dịch giữa hai bên là vé giữ xe. Do đó, trong trường hợp bên trông giữ không đưa vé hoặc vé không có giá trị thì việc gửi, giữ xe cũng không có giá trị, dẫn đến việc người dân khi gửi xe có thể sẽ chịu thiệt thòi nếu mất xe vì rất khó hoặc không thể chứng minh được việc xác lập giao dịch giữa hai bên.

Để quản lý địch vụ trông giữ xe trên địa bàn thành phố, vừa qua UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 58/2016/QĐ-UBND về giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, các trường hợp trông giữ thu phí quá giá quy định sẽ phải chịu mức xử phạt hành chính được quy định tại 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn: Phạt tiền từ 10-35 triệu đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá do cơ quan, người có thẩm quyền quy định.

Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi phải tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng toàn bộ tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định và mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra, trong trường hợp khó hoặc không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch vào ngân sách Nhà nước.

Trả lời câu hỏi “Pháp luật hiện hành có cho phép các điểm trông giữ xe tự in, tự làm vé viết tay không?”, luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho biết, Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010 và Nghị định 04/2014 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đã quy định về các loại hóa đơn trong đó có bao gồm tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm…

Như vậy, theo quy định tại Thông tư này thì vé trông giữ xe cũng được xem là một loại hóa đơn và được phát hành bởi cơ quan thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân tự in vé trông giữ xe thì phải tiến hành các thủ tục đăng ký sử dụng mẫu vé xe tự in với cơ quan thuế theo quy định tại Thông tư này. Việc tự ý in vé trông giữ xe không đúng với quy định pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Thông tư 10/2014/TT-BTC, tùy vào các hành vi vi phạm mà pháp luật mà đơn vị, cá nhân vi phạm sẽ bị áp dụng các mức xử phạt khác nhau.

Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trông giữ xe quá giá quy định, sử dụng vé viết tay vẫn đang diễn ra khá phổ biến là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, việc phân cấp quản lý, cấp phép, xử phạt các điểm trông giữ phương tiện chồng chéo đã khiến các đơn vị liên quan lúng túng trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Hơn nữa, do khoản lợi nhuận khá lớn từ dịch vụ này mang lại nên có không ít tổ chức, cá nhân sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục tồn tại, vi phạm.

Để có căn cứ xử lý các trường hợp này, chủ phương tiện trong quá trình gửi xe nếu phát hiện vi phạm tại các điểm trông giữ xe cần nhanh chóng phản ánh tới cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, để hạn chế rủi ro, người dân không nên gửi xe ở các điểm trông giữ xe tự phát không được cấp phép, không có vé xe hoặc vé không đúng quy định.