GS Ngô Bảo Châu truyền lửa yêu thích Toán cho học sinh

ANTĐ - GS Ngô Bảo Châu cho rằng để truyền tình yêu Toán cho học sinh, trước tiên người giáo viên phải có tình yêu Toán học và đưa cho trẻ những bài toán khó.
GS Ngô Bảo Châu truyền lửa yêu thích Toán cho học sinh ảnh 1

GS Châu học Toán như thế nào?

Đó là một trong những câu hỏi mà độc giả đặt cho hai giáo sư, “ngôi sao” Toán học tại buổi tọa đàm với chủ đề "Phương pháp giáo dục: làm thế nào để truyền lửa? Toán học là một trường hợp cụ thể. Góc nhìn chéo Việt – Pháp" vào chiều 24-8 ở Hà Nội. GS Ngô Bảo Châu và GS người Pháp Cédric Villani đóng vai trò là diễn giả của chương trình được sự quan tâm của nhiều người.

Một sinh viên ĐH Sư phạm thắc mắc: “Làm thế nào để sau này đứng trên bục giảng, em có thể truyền lửa cho học sinh của mình vì môn Toán là môn học khó và học sinh rất sợ?”. GS Ngô Bảo Châu cho rằng: “Để truyền sự yêu thích cho học trò thì trước tiên, bạn phải có tình yêu với Toán học. Hơn nữa, người ta thường có một sai lầm là để học sinh giải Toán dễ. Tôi nghĩ chúng ta phải làm điều ngược lại, hãy đưa cho các em vấn đề khó hơn một chút để học sinh cố gắng làm tốt. Để khi giải được, các em sẽ hài lòng và cố gắng làm tốt hơn. Nghệ thuật của giáo viên là luôn đưa ra vấn đề khó hơn một chút”.

Còn theo GS Cédric Villani thì điều kiện tiên quyết là giảng viên phải có sự đam mê, vừa có khả năng, động lực và phải cảm giác được học sinh có khả năng tới đâu. Xung quanh đến vấn đề tại sao GS yêu thích môn Toán, ông kể từ khi là một cậu bé lớp 3, ông đã là một học sinh giỏi Toán vì có suy nghĩ logic. Tuy nhiên, ông ví việc giải Toán cơ học của mình chỉ như một vận động viên thể thao. Sau này, khi bước vào thế giới nghiên cứu Toán, ông mới thấy thích thú khi tạo ra những nhân tố mà chính bản thân ông ngạc nhiên khi chúng nằm ngoài sức tưởng tượng của mình. 

GS Ngô Bảo Châu kể rằng, ông là người may mắn khi học cấp II trong môi trường giáo dục có nhiều thầy cô giỏi. Năm 11 tuổi, khi thi trượt trường chuyên, ông cảm thấy bị chạm đến lòng tự ái, từ đó ông luôn mong đối diện với những thách thức. Điều đó khiến ông yêu thích Toán hơn.

Một trong những cuốn sách đầu tiên khiến GS Ngô Bảo Châu yêu thích là hình học. Ông thường làm những bài toán chứng minh định lý mỗi khi rảnh rỗi. Vào thời gian đó, GS Ngô Bảo Châu nghĩ làm càng nhiều bài càng tốt, giống như việc chơi thể thao. Sau này khi 13 tuổi, ông đã phát hiện ra một định lý mới mà ông cảm thấy hay nhất trong cuộc đời.

Những sai lầm trong dạy Toán hiện nay

Một học sinh tiểu học mạnh dạn tâm sự mình giỏi Toán, luôn đứng đầu lớp về môn này, tuy nhiên gần đây lại thụt lùi và không còn thích. Điều này khiến cậu bé lo lắng. Về điều này, GS Cesric Villani động viên: “Em đừng bận tâm đến những thứ hạng và việc của em bây giờ là hãy thư giãn”. Còn GS Ngô Bảo Châu thẳng thắn, hiện nay có những sai lầm trong cách dạy Toán. “Chúng ta nhấn mạnh quá nhiều lý thuyết, trong khi đó điều quan trọng là phải làm sao thảo luận về ưu việt, khiếm khuyết của mô hình Toán. Mới đây, tại Viện của tôi đã tổ chức một kỳ thi dành cho học sinh trung học, tôi là ban giám khảo. Tôi rất ngạc nhiên khi kết quả có những học sinh giỏi Toán nhưng khi có vấn đề cần giải quyết các em chỉ chú ý đến khía cạnh về Toán học”.

Cuối cùng, đưa ra giải pháp thần kỳ cho việc giỏi Toán, GS Ngô Bảo Châu nói: “Mình đã làm gì thì phải yêu quý và trân trọng nó thì mới thành công được. Những gì tốt đẹp không phải là những gì dễ đạt được mà phải kiên trì. Nếu mình không có sự quan tâm và dốc sức thì sẽ không bao giờ có kết quả. Toán học có nguyên tắc riêng vô cùng cơ bản và đơn giản. Có thể trong cuộc sống hàng ngày nguyên lý trên không phải lúc nào cũng áp dụng được, nhưng tôi muốn nói rằng chúng ta dành tâm huyết cho những gì chúng ta mong muốn thì sẽ đạt kết quả”.