GS Ngô Bảo Châu: “Khó khăn nhất là khi không còn tin vào mình”

ANTĐ - ”Tôi rất hay được các em học sinh, các bậc phụ huynh hỏi về bí quyết học tập, tôi thường trả lời “không có bí quyết gì cả. Quan trọng là niềm say mê”. Trả lời như vậy là một cách né tránh. Không sai nhưng cũng không đầy đủ. Tôi bắt buộc phải trả lời như thế khi mình chưa suy nghĩ về vấn đề này một cách thấu đáo, nhưng không thể nào né tránh được mãi câu hỏi này...”- GS Ngô Bảo Châu mở đầu buổi trao đổi với sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 13-3.

Ảnh: Internet

- PV: Quan điểm của GS về cuộc tranh luận học chữ hay học làm người  đang được bàn cãi hiện nay?

- GS. Ngô Bảo Châu: Học chữ có thể hiểu là tiếp thu kiến thức, học làm người có thể hiểu theo nhiều cách nhưng theo nghĩa hẹp là học kỹ năng, nghệ thuật sống, tóm lại là học những hành vi văn minh. Còn theo nghĩa rộng là học những gì làm nên cốt cách của một con người, như vậy đã bao gồm cả học chữ rồi. Phân tích theo nghĩa hẹp, có vẻ như ngày càng có nhiều người ngả về quan điểm trường học phải dạy cho trẻ kỹ năng sống. Tuy nhiên tôi lại tâm đắc với quan điểm của nhà triết học người Đức Hannah Arendt viết trong bài “Khủng hoảng trong giáo dục” như thế này: “Chức năng của nhà trường là dạy cho trẻ thế nào là thế giới, chứ không phải rèn cho chúng nghệ thuật sống”. Như vậy, có nghĩa học làm người là học về thế giới trong đó có thế giới tự nhiên và thế giới con người để mỗi cá nhân nhận thức được vị trí của mình trong đó, nhận thức hết các tương tác giữa mình với những người khác, để triển khai mọi tiềm năng của bản thân...

- Vậy trong quá trình học tập và nghiên cứu của mình, có khi nào GS gặp những khó khăn không dễ vượt qua?

- Tôi nhớ lần đầu tiên nộp đơn xin việc đã bị nhà tuyển dụng từ chối. Tôi đã rất buồn. Điều tôi rút ra là có những khó khăn xuất phát từ việc người khác chưa hiểu mình. Nhưng có một khó khăn hơn là chính mình không còn tin vào bản thân. Năm 2002-2003 tôi quay lại nghiên cứu Bổ đề cơ bản. Đến năm 2006, tôi đã không còn tin vào bản thân mình vì tin chắc mình đang đi vào ngõ cụt. Tôi nhận thấy khi người ta chưa tin vào mình thì quan trọng nhất là vẫn giữ được ngọn lửa dù chỉ cháy rất nhỏ về một ý tưởng mới, với hy vọng sẽ có dịp triển khai đến cùng, bạn sẽ vượt qua khó khăn. Còn khi đã không tin vào mình thì vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều. Với tôi, theo một ý nghĩa nào đó thì khi đó cần phải tin tưởng số phận. Thời điểm tôi cảm thấy vô vọng, mọi tính toán đều không đi đến đâu, thì tôi gặp một đồng nghiệp  và nói chuyện với anh ấy về công trình nghiên cứu hơn 20 năm qua. Điều tôi nhận được từ cuộc gặp đó chính là mảnh ghép cuối mà tôi còn thiếu cho nghiên cứu của mình. Tuy nhiên nếu không có những phấn đấu trước đó thì dù có mảnh ghép cuối cùng công trình của mình vẫn không thể đi đến cùng được.

- Rất nhiều sinh viên không còn say mê với con đường mình đã chọn. Nhiều bạn cho rằng học ở trường ĐH hiện quá nhiều lý thuyết và không thấy được cái hay, cái đẹp của khoa học, kỹ thuật. GS đã bao giờ đánh mất niềm say mê của mình và GS vượt qua điều này như thế nào?

- Theo tôi niềm say mê không phải lúc nào cũng ổn định. Có nhiều điều lúc đầu rất hấp dẫn nhưng sau vài ngày, vài tháng lại thấy chán. Chính vì vậy ai cũng cần có tính kỷ luật và có một tập thể để học tập, làm việc. Để khi tạm hết say mê thì vẫn còn trách nhiệm, rồi đến đến một lúc nào đó niềm say mê sẽ quay trở lại. Còn nếu không có kỷ luật, tập thể, tự ý rút lui khi không cảm thấy thích thì sẽ có lúc hối tiếc. 

- Với một nhà nghiên cứu khoa học, theo quan điểm của GS phải đi lại đúng con đường nhân loại đã đi để khám phá thế giới, không thể đi tắt. Nhưng đối mặt với kho tàng kiến thức nhân loại, GS có bị ngợp và  không biết phải học những gì, bỏ những gì?

- Đây là vấn đề của hầu hết các nhà nghiên cứu. Theo tôi không nên học theo kiểu kinh viện mà nên đặt câu hỏi và học những vấn đề liên quan đến câu hỏi của mình. Tuy nhiên, tôi cho rằng học gì thì cũng phải học đến nơi đến trốn, học thấu đáo từng vấn đề.

- Xin GS chia sẻ về một ngày bình thường của GS?

- Một ngày bình thường với tôi khi làm việc tại Viện Nghiên cứu Toán là họp từ sáng đến tối. Còn ở văn phòng của tôi tại ĐH Chicago, ngoài giờ giảng tôi chuẩn bị bài cho các buổi thảo luận. Tôi luôn duy trì  thói quen đúng giờ. Tôi giao hẹn với sinh viên, dù không có gì mới nhưng cứ đúng ngày hẹn phải đến gặp tôi. Khi không có gì mới để nói chuyện với nhau thì sẽ thấy khó chịu. Cũng chính vì vậy sẽ phải suy nghĩ khi đến gặp nhau để có việc cùng bàn. Còn khi về nhà, sau bữa tối tôi thích nhất là tâm sự với cô con gái nhỏ của tôi, và nếu chưa mệt thì sẽ dành thời gian để đọc sách.

Tin cùng chuyên mục