Grab tăng cước khi bị áp thuế: Ai là người chịu thiệt cuối cùng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Tại các buổi làm việc giữa Grab Việt Nam và Tổng cục Thuế vào chiều 9/12, cả hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung trong việc nộp thuế VAT 10% đối với hoạt động của GrabBike.

Thuế VAT 10% đánh vào ai?

Sáng nay, 10/12, Ban lãnh đạo Grab Việt Nam và đại diện các đối tác GrabBike ở Hà Nội đã có buổi đối thoại liên quan đến việc tăng thuế VAT 10%.

Buổi đối thoại diễn biến theo chiều hướng không đạt được kết quả như mong muốn. Phía Grab cho biết, khi cơ quan Thuế vẫn yêu cầu Grab thực hiện kê khai thuế theo Nghị định 126 thì Công ty bắt buộc vẫn phải giữ cách tính thuế và thu thuế như hiện nay, áp dụng từ ngày 5/12.

Tại buổi đối thoại, tất cả ý kiến của đại diện cho số đông GrabBike ở Hà Nội đều yêu cầu Công ty Grab tại Việt Nam làm rõ, Nghị định 126 áp thuế VAT 10% là đánh vào ai, vào Công ty Grab, vào đối tác tài xế hay đánh vào khách hàng?

Sáng 10/12, hàng trăm lái xe GrabBike ở Hà Nội lại tập trung về Văn phòng của Grab tại Duy Tân, Cầu Giấy để theo dõi buổi đối thoại

Sáng 10/12, hàng trăm lái xe GrabBike ở Hà Nội lại tập trung về Văn phòng của Grab tại Duy Tân, Cầu Giấy để theo dõi buổi đối thoại

Tài xế GrabBike Nguyễn Thành Luân cho biết, tất cả đối tác GrabBike ở Hà Nội đều phản đối việc Grab buộc tài xế chịu thuế, trong khi về bản chất thuế VAT là đánh vào người tiêu dùng, tức khách đi xe.

“Thu nhập của lái xe GrabBike chúng tôi từ ngày 5/12 đến nay giảm rất mạnh, bị tác động lớn, trong khi đó, các lái xe GrabBike rất vất vả, mỗi ngày trung bình phải mở app hoạt động từ 12-14 tiếng”- GrabBiker Nguyễn Thành Luân cho hay.

Tài xế này lấy ví dụ, một cuốc xe hơn 25km được Grab tính cước là 119.000 đồng, nhưng sau khi khấu trừ thuế phí các loại thì lái xe chỉ còn thu về được 86.000 đồng, chưa kể xăng xe, khấu hao phương tiện…

Ví dụ, từ ngày 5/12, cuốc xe có giá trị 110.000 đồng, trong đó bao gồm 10.000 đồng thuế VAT. Phần doanh thu đối tác nhận được là 80%, tương đương 80.000 đồng. Phần khấu trừ thể hiện trên ví đối tác là 20.000 đồng (phí sử dụng ứng dụng) + 10.000 đồng, (thuế VAT do người dùng trả, và phải được thu, nộp về cho ngân sách Nhà nước) là 30.000 đồng, tương đương 27,273%.

Thuế VAT đánh vào khách hàng nhưng cũng phải hợp lý

Giải đáp các câu hỏi, trọng tâm là phần thuế VAT 10% của đại diện các đối tác tài xế vào sáng nay, đại diện Ban Giám đốc Grab Việt Nam cho biết, bản chất của thuế VAT là đánh vào khách hàng. Tuy nhiên, nếu không điều chỉnh giá cước một cách hợp lý thì khách hàng sẽ giảm, thu nhập của Grab và các đối tác tài xế theo đó cũng giảm.

Đại diện Ban Giám đốc Grab Việt Nam cũng cho rằng, việc thu thuế VAT 10% được Grab thực hiện theo đúng quy định của ngành Thuế, đến nay, ngành này cũng chưa có văn bản hay bất kỳ hướng dẫn nào hơn cho Grab.

“Grab luôn mong muốn đạt được cân bằng có lợi giữa 3 bên gồm Nhà nước- doanh nghiệp- đối tác tài xế thì mô hình kinh doanh của Grab mới tồn tại và phát triển.

Grab sẽ tiếp tục làm việc với ngành thuế để duy trì sự cân bằng này. Nếu ngành thuế có văn bản hướng dẫn khác thì Grab sẽ hoàn trả toàn bộ phần thuế VAT mà Grab đã thu của các đối tác tài xế từ ngày 5/12”- bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam cho biết.

Cũng theo bà Hải Vân, vấn đề cốt lõi của Nghị định 126 là áp cách thực hiện, từ mô hình kinh doanh vận tải truyền thống sang mô hình của Grab.

Trong khi hai mô hình là hoàn toàn khác nhau, mô hình của Grab là hợp tác trên nền tảng dịch vụ chia sẻ. Từ tháng 5/2020 đến nay, Grab Việt Nam liên tục có văn bản cũng như làm việc với Tổng cục Thuế về việc này nhưng không được lắng nghe.

Về kết quả làm việc giữa Grab Việt Nam và Tổng cục Thuế vào chiều 9/12 được phía Grab bày tỏ: “Chúng tôi hết sức thất vọng bởi kết quả làm việc đã không đạt được một kết quả tích cực nào vì Tổng cục Thuế đã không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế VAT.

Grab bày tỏ rất bức xúc về yêu cầu của Tổng cục Thuế muốn áp mức thu thuế đối với doanh thu của đối tác tài xế từ 3% lên 10%.