Góp phần chuyển hóa nhận thức của mỗi lái xe

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, lực lượng CSGT, CATP Hà Nội đã triển khai quyết liệt các biện pháp để xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy trên toàn thành phố với tinh thần linh hoạt, chủ động, sáng tạo và hiệu quả…
CSGT Hà Nội kiên quyết kiểm tra nhằm phát hiện xử lý nghiêm vi phạm

CSGT Hà Nội kiên quyết kiểm tra nhằm phát hiện xử lý nghiêm vi phạm

Áp lực nặng nề

Suốt từ khi triển khai cao điểm về kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy, những cán bộ, chiến sỹ của Đội CSGT số 5 (Phòng CSGT, CATP Hà Nội) không có lấy một ngày nghỉ. Lưu lượng phương tiện từ các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, các cây cầu huyết mạch như Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Chương Dương… luôn là áp lực đè nặng lên vai họ. Cùng với đó, kiềm chế và làm giảm sâu TNGT, nhất là không để xảy ra TNGT nghiêm trọng, liên quan đến lái xe sử dụng ma túy, rượu bia luôn là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu xuyên suốt của Ban chỉ huy đơn vị.

Trung tá Thiều Mạnh Ngọc - Đội trưởng Đội CSGT số 5 đánh giá: “Với các tuyến Quốc lộ và đường huyết mạch cửa ngõ, ngoài xe cá nhân còn vô số xe hàng, xe container chạy suốt ngày đêm. Nếu chỉ cần để “xổng” một vài lái xe say rượu bia, nghiện ma túy ôm vô lăng thì hậu quả để lại sẽ vô cùng thảm khốc. Tại Quốc lộ 5 cũng đã từng xảy ra không ít vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khi xe khách, xe container “là phẳng” những nhà dân bên đường chỉ vì lái xe… say rượu buồn ngủ hoặc “lên đồng” vì ngáo đá. Vì vậy, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc đối với những lái xe vi phạm các lỗi trên là một trong nhiều biện pháp rất hiệu quả mà đơn vị đang triển khai nhằm phòng ngừa không để xảy ra TNGT”.

Đồng tình với những đánh giá trên, Trung tá Nguyễn Đức Thắng - Đội trưởng Đội CSGT số 7 cho biết: “Dù không quản lý tuyến quốc lộ, song địa bàn đơn vị phụ trách lại có khá nhiều tuyến đường vành đai. Tiêu biểu nhất là đường vành đai 3 trên cao, tuyến đường 70 vắt ngang từ phía Tây Bắc sang phía Đông Nam thành phố. Hàng ngày lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông luôn trong tình trạng đông đặc.

Những tuyến đường xuyên tâm, huyết mạch khác như Nguyễn Trãi, Hà Đông, Lê Văn Lương, Tố Hữu… mật độ phương tiện cũng không hề thua kém, nhất là khi mưa to gió lớn, thời tiết bất lợi hay sự cố giao thông bỗng nhiên xảy ra. Đó quả là những thách thức đối với tất cả các cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trong việc chủ động phát hiện những lái xe có biểu hiện vi phạm về nồng độ cồn, ma túy khi ngồi sau tay lái”.

Thống kê của Phòng CSGT, CATP Hà Nội, trong 15 ngày đầu ra quân xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy, đơn vị đã phát hiện xử phạt 928 trường hợp vi phạm, tạm giữ 928 phương tiện.

Bên cạnh nhiệm vụ phân luồng, chống ùn tắc và “khơi thông” dòng chảy giao thông trong các giờ cao điểm, Đội CSGT số 7 còn thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSGT, CATP Hà Nội trong việc triển khai tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy của lái xe trên đường. Có nhiều trường hợp lái xe khi vi phạm đã tìm đủ mọi cách để né tránh sự kiểm tra. Mới đây, một quân nhân vi phạm không chịu đo nồng độ cồn, có hành vi gây cản trở, hành hung CSGT đã bị xử lý nghiêm. Một số lái xe uống rượu say dừng, đỗ xe ở giữa đường gây cản trở, nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, cũng đã bị CSGT của đơn vị kiên quyết lập biên bản.

Phòng ngừa từ xa

Trung tá Thiều Mạnh Ngọc - Đội trưởng Đội CSGT số 5 tâm sự, trong mọi kế hoạch tuần tra, kiểm soát và đặc biệt là xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy, yêu cầu đặt ra đối với mỗi CBCS chính là phải đảm bảo yếu tố tuyên truyền, giáo dục, chuyển hóa nhận thức, song cũng kiên quyết xử lý đối với các vi phạm này. “Vừa xử lý nghiêm khắc, nhưng đồng thời cũng vận động lái xe hiểu tác hại, nguy hiểm và kể cả những bản án pháp luật, bản án lương tâm khi xảy ra tai nạn… thì mới mong chuyển hóa tận gốc ý thức của họ”- Trung tá Thiều Mạnh Ngọc nhìn nhận.

Còn Trung tá Nguyễn Tuấn Anh - Đội phó Đội CSGT số 14 thông tin: “Trong năm 2020 có 356 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn bị đơn vị xử lý. Riêng tính từ đầu năm đến nay bao gồm cả xử lý trong đợt cao điểm là 261 lái xe trường hợp bị xử phạt. Con số này chắc chắn sẽ không ngừng tăng lên bởi sự quyết liệt của đơn vị nhằm kiềm chế và giảm thiểu TNGT từ lỗi vi phạm trên”.

Là một trong những đơn vị có kết quả xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy rất cao, Thiếu tá Tạ Ngọc Khánh - Đội trưởng Đội CSGT số 2 cho biết: “Ngay từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, Đội CSGT số 2 đã tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn của lái xe. Đáng chú ý, trong suốt thời gian diễn ra nghỉ Tết, đơn vị vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch. Và ngay sau khi Cục CSGT phát động cao điểm ngày 15-3, đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả các chuyên đề trong đó có xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, ma túy”.

Chuyển hóa từ việc tăng cường xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn còn được nhìn nhận rõ nét trên các huyện dọc Quốc lộ 32 nơi địa bàn Đội CSGT số 9 phụ trách. Dù là đơn vị ở ngoại thành, song kết quả xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn của đơn vị luôn thuộc top đầu của Phòng CSGT. “Chúng tôi không chỉ đánh giá hiệu quả công việc của CBCS từ con số xử lý, mà qua đó còn là làm thế nào để công tác đó góp phần chuyển hóa địa bàn, chuyển hóa nhận thức của lái xe đối với hành vi nguy hiểm trên. Khi đó, việc kéo giảm tai nạn, chặn đứng những hung thần mới đạt kết quả bền vững” - Đại úy Vũ Quang Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 9 cho hay.