Gói phục hồi kinh tế: ĐBQH băn khoăn danh mục được hỗ trợ và tình trạng té nước theo mưa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận về gói chính sách tài khóa, tiền tệ phục hồi kinh tế - xã hội, nhiều ĐBQH băn khoăn khi nhìn vào danh mục được hỗ trợ và đề nghị rà soát kỹ để tránh tình trạng té nước theo mưa.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội

Chiều nay, 4-1, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tham gia góp ý vào dự thảo này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế rất cần thiết vào lúc này, thực tế nhiều nước đã rất mạnh tay chi ngân sách cho phục hồi kinh tế.

Chủ tịch nước lưu ý, khi bơm tiền cho nền kinh tế để phục hồi tăng trưởng, phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tín dụng tăng, nhưng trong tầm kiểm soát, vì không còn cách nào khác. Trong đó, mục tiêu cao nhất phải giữ được kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định góp ý về khía cạnh phục hồi phát triển kinh tế gắn với phòng chống Covid-19. Ông đề nghị kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương về phục hồi phát triển kinh tế gắn với phòng, chống Covid, bởi thực tế thời gian qua có tình trạng một số địa phương phòng chống dịch bằng ngăn sông cấm chợ, “cứ cấm xe vận tải, sợ dịch thì làm sao kinh tế phát triển được” - ông Định nêu.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu thảo luận tổ

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu thảo luận tổ

Dưới góc nhìn từ công tác an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bày tỏ kỳ vọng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lần này sẽ có sức lan tỏa lớn, tạo đột phá, nền tảng cho sự phát triển, đảm bảo sàn an sinh tối thiểu, tạo nền tảng cho sự phục hồi thị trường lao động...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vẫn còn băn khoăn khi quy mô gói hỗ trợ dành cho an sinh xã hội còn "hơi ít", chính sách hiện chủ yếu tập trung đầu tư công, các công trình… Ông dẫn chứng, theo dự thảo Chương trình, gói hỗ trợ cho đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm sẽ là 3.150 tỷ đồng nhưng nếu tách ra thì thực chất đào tạo nghề, bồi dưỡng lao động chỉ có khoảng 1.500 tỷ đồng, khó đáp ứng yêu cầu.

Tại tổ ĐBQH đoàn Hà Nội, nhiều ĐBQH cũng đi sâu phân tích và góp ý vào các nội dung cụ thể của gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, tổng gói hỗ trợ rất lớn nhưng thực ra nguồn lực để hỗ trợ phục hồi kinh tế chỉ có 176.000 tỷ đồng là nguồn bổ sung tăng thêm. Do vậy, cần rà soát và ưu tiên những lĩnh vực nào thực sự bị ảnh hưởng bởi đại dịch để lựa chọn đầu tư; tránh tình trạng “té nước theo mưa”, đưa cả những dự án không liên quan đến phòng chống dịch và phục hồi kinh tế vào diện hỗ trợ.

Nhìn vào dự kiến đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, có một số điểm chưa thật hợp lý. Nêu dẫn chứng trong 176.000 tỷ đồng, riêng dành cho hạ tầng giao thông là hơn 103.000 tỷ đồng, các lĩnh vực khác còn khoảng 70.000 tỷ đồng.

Ông Cường đề nghị, việc dành lượng vốn rất lớn cho đầu tư giao thông cần phải được cân nhắc, bởi còn những lĩnh vực thực sự cần ưu tiên hỗ trợ.

Tin cùng chuyên mục