Gỏi lá rừng, muối kiến Gia Lai

ANTĐ - Tây Nguyên với rừng xanh ngút ngàn để khi dừng chân lại đất Gia Lai, tôi đã được thưởng thức món ăn của rừng: Gỏi lá rừng và muối kiến Krông Pa.

Trên con phố núi giữa thành phố Pleiku, quán duy nhất tên một chữ “Lá” và món ăn đầu bảng cũng chính là gỏi lá được chế biến từ 50 loại lá cây khác nhau hái ở rừng.

Trong đó có cả những thứ lá quen thuộc như lộc vừng, bằng lăng, cúc tần, kinh giới… Mỗi loại có một vị riêng, lộc vừng non có vị chát, tần hơi đắng có tinh dầu, kinh giới thơm, những thứ lá khác có vị chua, ngọt, thậm chí có loại vị hơi mặn.

Người ta khẽ cuốn nhẹ những chiếc lá thành hình chiếc phễu. Gắp thêm miếng xoài xanh cắt nhỏ, lát ớt, tép tỏi rồi gắp miếng thịt lợn ba chỉ thái nhỏ, cùng con tép nhỏ. Khi tất cả đã đủ mới dùng chiếc thìa nhỏ múc thứ nước xốt sền sệt vào rồi thêm hạt tiêu tươi. Thứ nước xốt đó được chế biến từ lòng cá, trứng cá xay nhuyễn, rồi chưng lên với gia vị, mắm muối. Đây là thứ quyết định để dẫn tất cả các loại lá rừng kia thành một món ăn “Gỏi lá rừng”.

Gỏi lá rừng, muối kiến Gia Lai ảnh 1

Gỏi lá rừng ở Gia Lai

Trước kia, gỏi lá rừng có nguyên gốc ở Kon Tum và khi di cư về Gia Lai được đón nhận một cách nhiệt tình. Mâm lá đầy ắp cũng không kịp đếm cho đủ 50 loại hay không, có lẽ cũng hơn 30 loại và mỗi phễu lá cũng chỉ có thể xếp được mươi loại lá mà thôi. Một lần thưởng thức gỏi lá rừng để cảm nhận hương vị Tây Nguyên xanh.

Sau khi thưởng thức gỏi lá rừng ở giữa Pleiku, tôi xuôi xe máy theo Quốc lộ 14 rồi vào Quốc lộ  7. Khi đến thị trấn Krông Pa, một quán nhậu có tên “Lộc Vừng” và cũng là quán ăn duy nhất trên con đường đi qua thị trấn.

Bước chân vào nơi này mới thấy có đến hàng chục cây lộc vừng cảnh với các thế uốn lượn vô cùng đẹp. Ngất ngây ngắm nghía những dáng lộc vừng để rồi khi đĩa thịt bò một nắng được bưng lên kèm theo một đĩa gia vị nhỏ có màu đỏ và mùi thơm rất lạ. 

Hỏi ra mới biết đó là muối kiến. Giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vỹ có một loài kiến vàng cao chân, với 6 chiếc chân cao cùng cặp râu vểnh luôn lia đi các hướng. Nghe nói, đây chính là loài kiến có nọc khi chích vào cây gió bầu sẽ khiến cho gió bầu sinh ra trầm hương.

Chẳng rõ có đúng hay không, nhưng người dân Tây Nguyên vào rừng nếu gặp tổ kiến này sẽ lấy cả tổ xuống, bắt cả kiến to lẫn trứng kiến. Họ rang chúng với muối hạt và ớt rừng. Khi muối đã khô nỏ, kiến đã chín thơm, họ đổ vào cối giã. Muối rang bị giã thành muối bột, kiến rang giã nhỏ, những bọng kiến vỡ ra trộn với muối và ớt quánh lại thành từng hạt nhỏ. Những bọng kiến không vỡ vẫn nằm nguyên tròn vo.

Thịt bò còn hơi tái được nọc kiến và ớt cay làm cho chín thêm ở trong miệng. Những bọng kiến còn nguyên bị cắn vỡ trong miệng, tê tê cay cay và thơm lừng. Bò một nắng chấm với muối kiến - một món ăn cực kỳ lạ và cực kỳ thú vị.

Cho dù muối kiến cay đến xé lưỡi nhưng vị ngọt của thịt bò lại làm dịu đi và vị thơm tê của bọng kiến khiến cho đĩa thịt bò vơi đi quá nhanh sau từng ngụm bia lạnh. Chỉ vậy thôi, nhấm nhấp thịt bò chấm muối kiến với bia lạnh giữa cái nắng cái gió Tây Nguyên thì chỉ có những bước chân xê dịch mới được thưởng thức.