Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Tiếp sức người dân và doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã khiến hàng triệu doanh nghiệp và người lao động rơi vào cảnh kiệt quệ. Vì vậy, gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh đã thể hiện tính nhân văn của chế độ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, từng bước khôi phục phát triển kinh tế cũng như hoàn thành mục tiêu “kép” mà Chính phủ đã đề ra.
Dịch Covid-19 lan vào các khu công nghiệp và khu chế xuất gây ảnh hưởng không nhỏ cho doanh nghiệp và người lao động

Dịch Covid-19 lan vào các khu công nghiệp và khu chế xuất gây ảnh hưởng không nhỏ cho doanh nghiệp và người lao động

Cuộc cách mạng về thủ tục

Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong 6 tháng đầu năm 2021 có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trước diễn biến phức tạp và tình hình lây lan nhanh, khó kiểm soát của đợt dịch bệnh Covid-19, rất nhiều tỉnh, thành phố buộc phải áp dụng các chỉ thị về giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc. Đặc biệt, đợt dịch thứ tư này đã và đang tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, làm nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động.

Để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động, ngày 1-7-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch (gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng). Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ là cuộc cách mạng về thủ tục. Bình thường, để ban hành quyết định này phải mất cả tháng, nhưng lần này chỉ trong thời gian rất ngắn. Các đơn vị liên quan đã làm ngày làm đêm để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành với tinh thần hỗ trợ người dân càng nhanh ngày nào tốt ngày đó.

Thiết kế chính sách gồm 3 nhóm cơ bản. Thứ nhất là nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp về tiền mặt cho lực lượng lao động bị tạm dừng hợp đồng, tạm hoãn hợp đồng, ngưng việc. Thứ hai là nhóm chính sách tập trung vào miễn giảm, hỗ trợ từ các chính sách bảo hiểm như: Bảo hiểm an toàn lao động, bảo hiểm hưu trí, tử tuất và bảo hiểm chống thất nghiệp. Thứ 3 là nhóm chính sách hỗ trợ để phục hồi sản xuất, cụ thể là tái cấp vốn và lấy một phần từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để tái tạo, đào tạo, bồi dưỡng, giữ chân người lao động nhằm phục hồi hậu Covid-19. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trước đây có những tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, thời gian xem xét có khi kéo dài cả tháng. Nhưng với chính sách hỗ trợ mới, chỉ còn 4 ngày xét thủ tục và thêm 3 ngày để giải ngân, tức là tối đa 7 ngày tiền hỗ trợ sẽ đến tay người dân.

Kịp thời tiếp sức người dân và doanh nghiệp

Đánh giá về tác động của Nghị quyết 68/NQ-CP, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận định, Nghị quyết 68/NQ-CP là chủ trương chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời để hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động gặp khó khăn và chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nghị quyết đặc biệt ưu tiên việc duy trì sản xuất kinh doanh và phục hồi nền kinh tế, cũng như nhiều gói hỗ trợ khác từng được triển khai. Các chính sách an sinh xã hội và trợ giúp doanh nghiệp lần này sẽ đảm bảo bao phủ khắp các đối tượng, đem lại hiệu quả kịp thời và phát huy tác dụng khắc phục tình thế khó khăn hiện tại của nhiều doanh nghiệp và người lao động.

Cùng quan điểm với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang chia sẻ, Nghị quyết 68/NQ-CP đây là chính sách hết sức quan trọng, kịp thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với người lao động và người sử dụng lao động trong quyết tâm kiểm soát dịch bệnh, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Việc hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh là hoạt động ý nghĩa, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, không ai bị bỏ lại phía sau.

Đồng tình với chủ trương hỗ trợ người lao động của Việt Nam, ông André Gama - Chuyên gia phụ trách chương trình an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, Nghị quyết 68/NQ-CP là bước đi quan trọng hướng tới việc mở rộng độ bao phủ và tăng cường hiệu quả của các gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam bằng cách thêm các nhóm lao động được nhận hỗ trợ và giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính. “Chúng tôi cho rằng, không nên nhìn nhận các gói hỗ trợ kinh tế như Nghị quyết số 68-NQ/CP trên khía cạnh chi phí. Ngược lại, nên coi đó là sự đầu tư, là “chiếc cầu bắc qua dòng nước xiết” giúp bình ổn nền kinh tế, giúp các gia đình không bị rơi vào nghèo khó, giúp đất nước hồi phục nhanh hơn, mạnh mẽ hơn sau cơn bão Covid-19 này” - ông André Gama nói.

Linh hoạt vượt khó để hỗ trợ người dân nhanh nhất

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, sau khi Chính phủ ban hành hướng dẫn thủ tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được 33/63 văn bản cụ thể thực hiện Nghị quyết 68-NQ/CP của các tỉnh, thành phố. Trong đó, các địa phương đều hướng ưu tiên chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của đợt dịch Covid-19, TP.HCM đã chi 886 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn, trong đó có khoảng 226.000 lao động tự do. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, việc chi trả hỗ trợ cho lao động tự do đã kết thúc vào ngày 15-7. Từ 16-7, thành phố chuyển sang hỗ trợ người lao động có hợp đồng lao động, dự kiến đến 30-7 sẽ hoàn thành hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố cần triển khai ngay chính sách hỗ trợ lao động, đặc biệt là lao động tự do và yêu cầu các địa phương cần giảm bớt thủ tục, giấy tờ để tiền nhanh đến tay người bị ảnh hưởng bởi đại dich, vì hiện nhiều nơi đang giãn cách, cách ly, tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ. “Chính sách đã lược bỏ nhiều thủ tục, rất đơn giản, dễ hiểu dễ thực hiện, các địa phương không cần ra thêm văn bản nào nữa. Cần bắt tay ngay vào triển khai, không được chậm trễ. Không chỉ làm vì trách nhiệm mà phải làm cả bằng cả tấm lòng của chúng ta. Đơn vị nào chậm triển khai, để xảy ra trục lợi, tiêu cực là có tội với nhân dân” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Bên cạnh việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH còn yêu cầu các địa phương phải chủ động ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do. Trên cơ sở Chính phủ đưa ra mức hỗ trợ “sàn” là 50.000 đồng/ngày, địa phương cần linh hoạt các cách thức hỗ khác như cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng.

Chính sách đã lược bỏ nhiều thủ tục, rất đơn giản, dễ hiểu dễ thực hiện, các địa phương không cần ra thêm văn bản nào nữa. Cần bắt tay ngay vào triển khai, không được chậm trễ. Không chỉ làm vì trách nhiệm mà phải làm cả bằng cả tấm lòng của chúng ta. Đơn vị nào chậm triển khai, để xảy ra trục lợi, tiêu cực là có tội với nhân dân.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Nghị quyết 68/NQ-CP là chủ trương chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời để hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động gặp khó khăn và chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nghị quyết đặc biệt ưu tiên việc duy trì sản xuất kinh doanh và phục hồi nền kinh tế, cũng như nhiều gói hỗ trợ khác từng được triển khai. Các chính sách an sinh xã hội và trợ giúp doanh nghiệp lần này sẽ đảm bảo bao phủ khắp các đối tượng, đem lại hiệu quả kịp thời và phát huy tác dụng khắc phục tình thế khó khăn hiện tại của nhiều doanh nghiệp và người lao động.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Nghị quyết 68/NQ-CP đây là chính sách hết sức quan trọng, kịp thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với người lao động, người sử dụng lao động trong quyết tâm kiểm soát dịch bệnh, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Việc hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh là hoạt động ý nghĩa, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, không ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Chúng tôi cho rằng, không nên nhìn nhận các gói hỗ trợ kinh tế như Nghị quyết số 68-NQ/CP trên khía cạnh chi phí. Ngược lại, nên coi đó là sự đầu tư, là “chiếc cầu bắc qua dòng nước xiết” giúp bình ổn nền kinh tế, giúp các gia đình không bị rơi vào nghèo khó, giúp đất nước hồi phục nhanh hơn, mạnh mẽ hơn sau cơn bão Covid-19 này.

Ông André Gama - Chuyên gia phụ trách chương trình an sinh xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)