Gói 38.000 tỷ: Tiền hỗ trợ được trả qua tài khoản của lao động trong tháng 10

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 1/10, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến về việc triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, nhằm tăng cường các chính sách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp và người lao động sớm vượt qua khó khăn của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, cơ quan này tiếp tục phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, đề xuất và khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động với khoảng 38.000 tỉ đồng từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Trong đó có trên 8.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm mức đóng từ 1% còn 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (thời gian thực hiện giảm trong 12 tháng, từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022) cho khoảng 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động và trên 30.000 tỷ đồng chi hỗ trợ cho người lao động từ nguồn kết dư của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người lao động lớn nhất từ trước đến nay.

Gói hỗ trợ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chủ động, kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với người lao động và đơn vị sử dụng lao động đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với quan điểm chỉ đạo là làm sao triển khai hỗ trợ một cách nhanh nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất.

Đồng thời, thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo hài hòa nguyên tắc chia sẻ, nguyên tắc đóng - hưởng được kết hợp với nguyên tắc công bằng.

Với tinh thần quyết tâm cao nhất, đến nay ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chuẩn bị đồng bộ các giải pháp, điều kiện cần thiết, sẵn sàng thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tới người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.

Nhằm kịp thời chỉ đạo thông suốt gói hỗ trợ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chi trả trợ cấp của bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố, đồng thời chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc phát sinh trong triển khai để có giải pháp kịp thời, tránh sai sót, nhầm lẫn trong quá trình thực chiện, cảnh báo lạm dụng, trục lợi chính sách…

Về phương thức giao dịch để triển khai các chính sách hỗ trợ, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thực hiện đa dạng, linh hoạt hình thức theo sự lựa chọn của người thụ hưởng (giao dịch trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội không phụ thuộc địa giới hành chính hoặc qua dịch vụ bưu chính, qua giao dịch điện tử, ứng dụng VssID) để người lao động có thể tiếp cận chính sách thuận lợi nhất và trong thời gian sớm nhất.

Báo cáo về việc triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP trên địa bàn Thủ đô, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, qua rà soát các đối tượng đủ điều kiện, toàn thành phố dự kiến hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 83.352 đơn vị với 1.412.059 lao động, tương ứng số tiền được giảm bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng là 1.182 tỷ đồng (98,5 tỷ đồng/tháng)...

Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng cho biết, đối với việc giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, sẽ thực hiện giống như giảm quỹ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp theo Nghi quyết 68 của Chính phủ và sẽ thực hiện được ngay khi có hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, không có vướng mắc.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các tỉnh, thành phố tập trung nghiên cứu và có ý kiến đóng góp (nếu có) trên tinh thần thống nhất, đồng lòng, triển khai quyết liệt gói hỗ trợ này đảm bảo nhanh nhất và hoàn thành sớm nhất, hiệu quả, đúng người thụ hưởng.

Đặc biệt, phải lưu ý phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả triển khai thực hiện, phấn đấu đến ngày 5/10 hoàn thành chính sách hỗ trợ giảm mức đóng từ 1% xuống 0% cho khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động; trong tháng 10/2021, cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho người lao động có tài khoản ngân hàng tại các đơn vị sử dụng lao động.