Góc khuất lịch sử và chuyện 2 pho tượng trong chùa Cầu Đông trên phố Hàng Đường

ANTD.VN - Phố Hàng Đường không chỉ là “thiên đường” ô mai mà còn có 2 pho tượng đặc biệt gây chú ý.  Đặc biệt là vì ở Hà Nội, chùa Cầu Đông trên phố Hàng Đường là nơi duy nhất thờ Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung.

Góc khuất lịch sử và chuyện 2 pho tượng trong chùa Cầu Đông trên phố Hàng Đường ảnh 1

Góc khuất lịch sử và chuyện 2 pho tượng trong chùa Cầu Đông trên phố Hàng Đường ảnh 2

Tượng Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung trong chùa Cầu Đông trên phố Hàng Đường

Thiên đường của ô mai

Không biết những hàng ô mai trên phố Hàng Đường có từ bao giờ nhưng những cửa hiệu trên phố này luôn đầy ắp những mặt hàng ô mai: sấu chua ngọt, sấu mặn, sấu non, mận, mơ, táo, me... Hàng Đường là “thiên đường” của ô mai đủ loại. Các hiệu nổi tiếng ở đây có thể kể đến: Hồng Lam, Tiến Thịnh, Gia Thịnh, Gia Lợi…, và những hàng này không những phát triển ở Hàng Đường mà còn mở chi nhánh ở nhiều nơi trong thành phố.

Cắn một quả ô mai sấu non ở đây, thấy đủ cái vị chua, cay ngòn ngọt của thứ quả ưa thích. Lại biết trái sấu được hái ở những phố rợp bóng cây Phan Đình Phùng, Trần Phú… càng thêm yêu mến những món quà nhỏ thân thương của đất Thăng Long. Khi chọn một món quà Hà Nội gửi những người bạn phương xa, tôi thường chọn món ô mai sấu non trên phố Hàng Đường và bạn phương nào cũng tấm tắc khen món ô mai sấu của Hà Nội.

Ở Hàng Đường bây giờ người ta không còn bán đường, thứ mặt hàng định danh cho phố nữa mà thay bằng các hàng ô mai và quần áo thời trang. Hàng Đường tiếp giáp với Đồng Xuân và Hàng Ngang, Hàng Đào nên con phố trong vùng của các cửa hiệu bán buôn hàng hóa, nhiều nhất là các loại quần áo thời trang, thắt lưng… là một nơi thỏa sức cho sự ngắm nhìn và mua sắm.

Góc khuất lịch sử và chuyện 2 pho tượng trong chùa Cầu Đông trên phố Hàng Đường ảnh 3Phố Hàng Đường hiện nay là “thiên đường” của ô mai đủ loại

“Cầu Đông vẳng tiếng chuông chùa…”

Nhưng Hàng Đường đâu chỉ là nơi mua sắm. Nơi này có một cái chùa với cái tên Nôm rất dễ thương - chùa Cầu Đông. Tại sao lại có “cầu” ở đây, chẳng phải nơi đây là phố xá nhộn nhịp đó sao? Hóa ra lai lịch cái tên bắt đầu từ con sông Tô Lịch của thuở nào. Thời xưa, trước khi bị lấp, sông Tô Lịch chảy ngang qua Hàng Đường ở đoạn phố giáp với Ngõ Gạch và Hàng Cá trước khi quành lên Hàng Lược. Để đi qua đoạn sông nhỏ này người ta đã xây một cây cầu, vì cầu gần với cửa Đông của thành Hà Nội nên gọi là Cầu Đông. Ngôi chùa nằm gần ngay cây cầu ấy, dân gian gọi luôn là chùa Cầu Đông dù tên chữ của chùa là Đông Môn.

Chùa Cầu Đông, cái tên giản dị ấy không chỉ in sâu trong tín ngưỡng của người dân phố cổ, nó đã vào trong ca dao, ở những bài ca đặc trưng miêu tả phố xá Hà Nội xưa:

“Cầu Đông vẳng tiếng chuông chùa 

Trăng soi giá nến, gió lùa khói hương 

Mặt ngoài có phố Hàng Đường

Hàng Mây, Hàng Mã, Hàng Buồm, Hàng Chum…”,

Chùa Cầu Đông, ngoài những pho tượng đa số giống các tượng ở các nơi khác thì có 2 pho tượng đặc biệt gây chú ý.  Đó là tượng Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung. Tôi nói là đặc biệt vì ở Hà Nội đây là ngôi chùa duy nhất thờ 2 người này, dù Trần Thủ Độ là một nhân vật lịch sử rất lớn và Trần Thị Dung cũng là người có một vai trò quan trọng trong việc đưa nhà Trần lên đỉnh cao quyền lực.

Góc khuất lịch sử và chuyện 2 pho tượng trong chùa Cầu Đông trên phố Hàng Đường ảnh 4Phố Hàng Đường những năm 1960 thế kỷ trước

Nhân vật đặc biệt quan trọng với triều Trần

Trần Thủ Độ (1194-1264) là một nhân vật đặc biệt quan trọng với triều đại nhà Trần. Trong lịch sử luôn tồn tại những nhân vật kiểu này, dù Trần Thủ Độ không nắm giữ vị trí quan trọng nhất trong triều Trần nhưng nếu không có ông, lịch sử một triều đại có thể đã khác đi. Trần Thủ Độ chính là người “đạo diễn” cho cuộc chuyển giao lịch sử giữa nhà Lý và nhà Trần. Cụ thể là ông đã dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng và sau đó dẫn đến việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng.

Nhưng nếu chỉ có thế thì vai trò của Trần Thủ Độ cũng không quá đặc biệt. Trần Thủ Độ còn là một trong những người quan trọng bậc nhất chèo lái con thuyền nhà Trần trong giai đoạn đầu và củng cố cho nó vững mạnh, phát triển. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, ông cũng có vai trò lớn. Trong khi nhiều quan đầu triều khác vô cùng run sợ trước vó ngựa của quân Mông Cổ thì ông vẫn điềm tĩnh trả lời Vua Trần Thái Tông một câu bất hủ: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Và quả thật, nhờ những chỗ dựa vững chãi như Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn… triều Trần đã ngày càng vững vàng.

Và như thế,  dù lịch sử có đánh giá những việc làm của Trần Thủ Độ thế nào, đặc biệt qua sự kiện thay đổi triều đại và củng cố vương quyền nhà Trần thì  cũng không thể phủ nhận vai trò và ảnh hưởng to lớn của Trần Thủ Độ. Như đã nói ở trên, nếu ông không xuất hiện, có lẽ một giai đoạn lịch sử đã khác đi ít nhiều...

Những góc khuất, bí ẩn của lịch sử

Còn Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, người được phối thờ với ông trong chùa Cầu Đông lại có một thân phận đặc biệt. Trần Thị Dung (? -1259)  là người đã lấy Thái tử Sảm, người sau này trở thành vua Lý Huệ Tông. Trần Thị Dung là cái gạch nối giao kết giữa dòng họ Lý và dòng họ Trần. Trần Thị Dung là mẹ của Lý Chiêu Hoàng và cuộc hôn phối của nữ vương Lý Chiêu Hoàng với Trần Cảnh cũng như sự nhường ngôi sau đó chắc chắn phải có sự đồng thuận và ủng hộ của bà.

Trần Thị Dung không phải là người nắm quyền trực tiếp trong triều chính nhưng cuộc hôn nhân của bà đã góp phần làm nên bước ngoặt cho dòng họ Trần. Sau khi vua Lý Huệ Tông qua đời, một sự sắp đặt có lẽ không phải là ngẫu nhiên, Trần Thị Dung đã trở thành vợ của Trần Thủ Độ và có lẽ đôi vợ chồng này đã có một quyền lực rất lớn lúc ấy. Lại đặt một giả thuyết, nếu không có cuộc hôn phối này, nhà Trần khó có được vị thế như lúc ấy để thay đổi bàn cờ?

Điều  đáng bàn là vì sao Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung lại được phối thờ trong ngôi chùa ở nơi này? Để trả lời chính xác câu hỏi này có lẽ cần thêm thời gian và nghiên cứu. Tôi đã đến chùa Cầu Đông và ngắm hai pho tượng Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung rất lâu. Hai pho tượng đặt bên trái điện thờ và mặc những trang phục rất giản dị, thậm chí tượng Trần Thủ Độ còn có phần khắc khổ, suy tư. Một bậc tể phụ có quyền lực ngất trời lại trong một vẻ giản dị như thế ư? Và người vợ của ông, bà hoàng của một thời cũng trong một phục trang đơn giản tương xứng. Lịch sử luôn có những góc khuất, bí ẩn và mơ hồ, đôi khi nhìn những cảnh đơn sơ ấy lại gợi được nhiều suy nghĩ, liên tưởng hơn những pho tượng lộng lẫy, sáng ngời...

Và nếu bạn qua phố Hàng Đường, đừng có quên mua vài món ô mai ở đây và vào chùa Cầu Đông chiêm ngưỡng hai nhân vật từng khuynh loát triều chính một thời nhưng trong một dáng vẻ rất bình dị này.