Góc khuất cuộc đời những người phụ nữ làm “lơ xe“

ANTĐ - Công việc vốn dĩ của cánh mày râu sức dài vai rộng, nhanh nhẹn nói năng hoạt bát, có sức khỏe để vác những bao tải hàng hóa nặng hơn cả người, chịu đựng nắng gió bụi đường, biết “nói tục” và hàng trăm thứ “đặc trưng” khác của nghề, thế nhưng tại bến xe phía Bắc TP Huế, vẫn có hàng chục người phụ nữ làm công việc tưởng chỉ dành cho đàn ông này. Phía sau những đồng tiền kiếm được là mồ hôi, là nước mắt và có khi là cả máu.

Góc khuất cuộc đời những người phụ nữ làm “lơ xe“ ảnh 1Công việc “lơ xe” đòi hỏi những người phụ nữ phải có sức lực để rong ruổi trên những chặng đường dài

Tâm sự sau những chặng hành trình

Chúng tôi tìm đến Bến xe phía Bắc (TP Huế) vào một ngày đầu tháng 5. Cái nắng chang chang cộng với những âm thanh hỗn tạp ở đây càng khiến cho bầu không khí thêm phần nóng nực. Giữa dòng người xô bồ, hình ảnh những người phụ nữ với bước đi nhanh nhẹn, miệng thoăn thoắt mời chào khách lên xe khiến cho ai nhìn vào cũng ái ngại. Họ chính là những người phụ nữ làm “lơ xe” cho những chuyến xe khách đường dài, một công việc mà ai cũng nghĩ rằng chỉ thích hợp với “cánh mày râu”.

Bến xe phía Bắc TP Huế mỗi ngày đón nhận hàng trăm lượt xe khách ra vào. Đa số các chuyến xe khách ở đây thường đến từ các tỉnh ở khu vực Bắc miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An…; và trên những chuyến xe này, “lơ xe” là phụ nữ chiếm một số lượng đáng kể. Ước tính ở bến xe này có khoảng từ 15 đến 20 người đa số là những phụ nữ trung niên làm công việc này.

Dễ dàng nhận thấy họ với hành lý mang theo là chiếc cặp xách to đeo đủng đỉnh ở phía trước. Những người này có nhiệm vụ bắt khách hay vận chuyển, bốc vác hàng hóa từ dưới bến lên xe. Công việc đòi hỏi sự nhanh nhẹn và cần sức lực này tưởng chừng như của những người đàn ông sức dài vai rộng thì ở đây những người phụ nữ lại đảm nhận. 

Nhân lúc vắng khách, lân la làm quen với các chị chúng tôi mới hiểu được nỗi vất vả của nghề mà ngày ngày họ đang nếm trải. Chị Nguyễn Thị Thảo (41 tuổi, một nữ “lơ xe” chạy tuyến Quảng Bình - Huế) chia sẻ: “Cái nghề này nhìn thế thôi chứ vất vả lắm. Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa vợ chồng tôi phải dậy từ lúc 5h sáng sau đó xuống bến làm các thủ tục mới bắt đầu lên đường.

5 giờ là vợ chồng tôi phải có mặt tại bến xe nên đành trông cậy mẹ già ở nhà đưa cháu đến trường. Cả ngày “phơi” mặt nắng gió, có hôm về tới nhà mà mùi bụi bặm, xăng xe, mồ hôi còn bám riết, cơm cũng chẳng thiết ăn. Xe chạy đi về trong ngày nên phải đến 6, 7 giờ tối mới về tới nhà. Cơm nước, tắm rửa xong đến 10h tối là lăn ra ngủ để có sức lực để ngày hôm sau đi tiếp. Con cái, nhà cửa không không ai trông nom nhưng cũng đành chấp nhận chứ biết làm sao được. Nghề gì nghiệp đó mà”.

Theo tìm hiểu thì những chiếc xe khách ở đây đa phần là của các hộ gia đình ở vùng quê. Vì không có công ăn việc làm ổn định, ruộng đất ít, làm không đủ ăn nên mới cầm cố nhà của rồi vay tiền mua xe chở khách. Để tiết kiệm chi phí thuê người ngoài làm “lơ xe” thì những người vợ của chủ xe quyết định bao luôn công việc này. 

Chị Bích (46 tuổi, có chồng chạy xe tuyến Đông Hà - Huế) kể: “Khi hai vợ chồng mới lấy nhau thì cuộc sống cũng vui vẻ hạnh phúc, nhàn nhã với vài thửa ruộng trồng lúa, trồng ngô. Đến khi có 2 đứa con, rồi thì tiền ăn, tiền học, các khoản chi khác ngày một nhiều. Thành ra hai vợ chồng lúc nào cũng rơi vào cảnh túng thiếu. Suy nghĩ mãi cũng không có cách nào kiếm ra tiền, thế rồi vợ chồng tôi mới bàn với nhau đánh liều cầm sổ đỏ căn nhà vay ngân hàng 700 triệu đồng mua chiếc xe chở khách. Lúc đầu chúng tôi định thuê người làm “lơ xe” nhưng tính đi tính lại thì mỗi tháng phải trả cho họ ít nhất từ 3 đến 4 triệu đồng trong khi khách thì không được bao nhiêu. Nên để tiết kiệm chi phí và tránh thất thoát, tôi quyết định đi làm “lơ” đi theo xe luôn. Dù biết rằng phụ nữ muốn làm công việc này không phải là dễ dàng nhưng nghĩ đến số nợ đã vay nên phải gắng mà làm. Đâm lao thì phải theo lao thôi”.

Chị Bích nhớ lại ngày đầu mới chạy xe cùng chồng, mới ngửi thấy mùi xăng dầu là chị đã ói ra mật xanh mật vàng. Phải mất một thời gian dài mới làm quen, ăn đường, ngủ bụi mới thích nghi được.

Chị Bích tâm sự: “Ở đây, phần lớn chị em làm “lơ xe” theo chồng để tiết kiệm phí thuê người và cũng giảm bớt thất thoát, thỉnh thoảng cũng có một vài cô gái trẻ làm thuê cho các chủ xe. Các chuyến xe từ các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị hoặc về các huyện lân cận tương đối gần nên khách không nhiều, chủ yếu khách quen từ lâu nên chị em có thể chịu đựng vất vả!”.

Góc khuất trong nghề

Công việc “lơ xe” ngày ngày phải đối mặt với khói bụi, mùi xăng xe lại đòi hỏi sức lực nên những ngày đầu làm “lơ” đối với những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” giống như một cơn ác mộng. Hầu hết những nữ lơ xe đều không phủ nhận rằng lần đầu bước lên xe ngửi thấy mùi xăng đã nôn ói chứ chưa nói đến việc phải có sức và tỉnh táo để liên tục quan sát dọc đường tìm khách. Phải mất một thời gian dài, các chị mới quen dần được với công việc này.

Cắn dở ổ bánh mỳ lót dạ, chị Thảo cho biết: “Đã gần 7 năm kể từ ngày tôi theo xe làm “lơ” thì số lượng bữa cơm có mặt cả đầy đủ cả gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhất là những ngày lễ tết ai cũng bảo rằng là ngày đoàn viên nhưng với những người phụ nữ “lơ xe” như chúng tôi thì đó là những ngày bận rộn nhất. Những ngày đó khách đông, xe về muộn, nhìn vào dọc đường thấy nhà nào sum họp trong bữa cơm thì tôi lại như muốn trào nước mắt. Nghĩ rằng không biết đến lúc nào gia đình mình mới được thường xuyên bên nhau như vậy”. 

Hiện nay, số lượng xe khách ngày một nhiều hơn trong khi đó mỗi chuyến xe dù có khách hay không đều phải xuất bến đúng giờ quy định nên có khi xe xuất bến vắng tênh là chuyện bình thường. Bởi vậy, khoảng thời gian 15 phút trước giờ xe rời bến là khoảng thời gian các chị bận rộn nhất.

Lúc này, để bù lại tiền xăng, những nữ “lơ xe” lại rong ruổi khắp bến tìm cho mình một mối hàng hóa nào đó rồi nhanh nhẹn khuôn vác lên xe cho kịp giờ kiếm thêm vài chục nghìn. Thậm chí có những khách đi một đoạn đường gần họ cũng cố gắng thuyết phục lên xe chỉ để nhận được 10.000 đồng thậm chí chỉ có 5.000 đồng, chưa đủ để mua một cái bánh mì hay một chai nước giải khát. 

Dù thời điểm có khách hay không có khách thì những nữ “lơ xe” cũng đều có cái vất vả riêng. Khi không có khách thì phải chạy đi chạy lại liên tục kiếm mối. Đến những ngày lễ khách đông thì phải làm sao sắp xếp chỗ ngồi hợp lý cho họ rồi bốc xếp hành lý lên cho nhanh chứ không thì khách khó chịu rồi chuyển sang đi xe khác.

Nghiệp chạy xe thường chỉ trông chờ vào những ngày lễ, Tết. Những ngày đó tuy có phần mệt hơn bình thường nhưng số tiền kiếm được cũng xứng đáng. Với loại xe 24 chỗ như vợ chồng chị Bích trừ chi phí xăng xe, ăn uống cũng có được vài triệu đồng.

“Để có lượng khách đi đông thì phải biết chiều lòng khách. Nhiều hành khách khó tính lắm nên cần có cách ứng xử phù hợp. Làm sao để họ cảm thấy thoải mái khi lên xe mình. Đây là một điều hết sức quan trọng trong việc giữ khách quen”, chị Bích tâm sự. 

Làm nghề “lơ xe” bên cạnh phải biết nhu mì, ứng xử nhẹ nhàng với khách thì còn phải tỏ ra cứng cỏi, gan góc trươc những hành động đe dọa của các chủ xe khác. Ở các bến xe, việc tranh giành khách không lành mạnh là chuyện hết sức bình thường. Chính bởi môi trường khắc nghiệt này đã tập cho các chị phải biết giữ bình tĩnh, không hoang mang lo sợ trước những lời dọa nạt và tìm cách che chở cho bản thân.

“Lần đầu tiên đi làm “lơ xe” thấy họ tranh giành khách của nhau rồi dọa nạt, nói ra những lời lẽ không văn hóa hay cả việc gây gổ để tranh giành khác với nhau mà tôi thấy sợ lắm. Thậm chí chỉ ngồi yên trên xe mà không dám đi tìm để bắt khách. Những mà không bắt khách, tranh giành khách thì làm sao có tiền được nên mình phải bắt đầu tập dần, tỏ ra không màng tới những lần các chủ xe khác hăm dọa. Trước đây tôi ít nói lắm nhưng cái nghề này đã tập cho tôi mạnh dạn thậm chí trây lỳ hơn. Đó là điều có được. Còn cái mình mất đi thì nhiều lắm. Suốt ngày ngửi mùi khói bụi, xăng xe nên sức khỏe của tôi có phần yếu đi. Dạo này tôi có biểu hiện viêm xoang nữa nhưng chưa có thời gian đi khám được. Biết là làm nghề này sẽ đối diện với nhiều bệnh tật khác nữa như viêm phổi, hoặc bốc vác nhiều thì có thể dẫn tới đau xương khớp nhưng phải chấp nhận thôi. Còn sức thì mình cứ làm. Sau này trả xong được nợ và có chút vốn liếng thì mình mới dám thuê người làm lơ xe được chứ bây giờ chịu khó vậy đã”, chị Thảo chia sẻ. 

Không chịu nổi áp lực công việc vì ít có thời gian gần con cái, chăm sóc gia đình và sức khỏe suy giảm, nhiều chị em đành bỏ nghề tìm việc khác. Số người ở lại vì thế phải sống mạnh mẽ, cứng cỏi hơn mới có thể tranh giành khách và chống lại lời đe dọa của các chủ xe khác.

Những người phụ nữ này cũng đã gặp không ít lời dọa nạt, cướp khách quen và cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng, để tồn tại trong  môi trường phức tạp này buộc cách chị phải dám đối mặt để tự tìm cách che chở cho bản thân. Nhiều nữ “lơ xe” vì suốt một ngày ngửi mùi bụi đường, mùi xăng xe nên dần dà bị các bệnh về mắt, viêm phổi, ho lao hay viêm xoang, rồi có người vì ráng sức bưng vác nên bị bệnh đau lưng, khớp hành hạ.

Và còn vô vàn thử thách khắc nghiệt khác trong nghề mà các chị không thể nói ra hết. Với họ, còn sức khỏe, còn tuổi trẻ thì còn theo nghề lơ xe. Dù biết rằng sẽ đối mặt với vất vả nhưng vì cuộc sống mưu sinh và canh cánh nỗi lo trả nợ mà họ không ngần ngại bất chấp tất cả để theo nghề.