Góc biển Hải Hậu - Một trời thương nhớ

ANTĐ -  Đặt chân về Hải Hậu, Nam Định, ta không khỏi ngỡ ngàng trước những cánh đồng muối trắng xóa, trải dài tít tắp, trước những con sóng biển lúc rì rào, lúc ầm ầm ôm vỗ ngoài đê. Cảnh biển, cảnh đồng muối, cảnh con người lam lũ sống cùng biển làm ta hiểu hơn về chuyện nghề, chuyện đời của những ngư dân, hiểu về vất vả khó khăn khi ra khơi giữa mùa biển động.

Ai đã từng sinh ra, lớn lên ở những làng chài ven biển, từng sống trong hơi thở mặn mòi của gió biển, sống trong sự bao bọc của bờ biển quê hương mới thấu hết được những ân tình của biển. Biển là chỗ dựa của cuộc sống, là bát cơm manh áo, là niềm vui của ngư dân mỗi ngày. Cuộc sống tuần hoàn quanh những chuyến đi biển đối với mỗi ngư dân không còn quá xa lạ, cảnh chờ thuyền về mỗi sáng, cảnh lao động hăng say, cảnh tấp nập nhộn nhịp bên những khoang cá đầy ăm ắp đã trở thành những khoảnh khắc khó phai cho những ai đã từng một lần về Hải Hậu.

6h sáng, khi mặt trời ló rạng sau những con sóng, những người phụ nữ làng chài
 đã có mặt trên bờ biển đợi thuyền về. 

Con mảng nhỏ chênh vênh cập bến, mang thành quả về sau một đêm dài
lao động của các ngư dân

Những ánh mắt chờ đợi trông xa về phía biển. Ở Hải Hậu, người đàn ông là lao động chính trong gia đình gắn với nghề đi biển, người phụ nữ, người già, thậm chí là trẻ nhỏ ở nhà làm muối, và tranh thủ đổ buôn hải sản vào mỗi sáng sớm.

Hai người đàn ông nâng túi cá đánh bắt được ra khỏi mảng

Mẻ cá đầu tiên trong ngày đã vào bến, đây là thành quả của 2-3 người đàn ông trong cả một đêm dài đánh bắt gần bờ . Có câu:“Nghề đi biển hồn treo cột buồm”, ý nói về mức độ nguy hiểm của nghề

Mặc dù không phải bãi đậu chính của thuyền trong xã Hải Chính, nhưng trên bờ biển này vào sáng sớm cũng không kém phần nhộn nhịp. Tầm chục con thuyền nhỏ ghé bờ, cảnh người dân khẩn trương lựa chọn, phân loại hải sản trước khi đem đến chợ đầu mối đổ buôn. Trong ảnh, một em bé 5 tuổi ở xã Hải Chính, Hải Hậu, Nam Định theo mẹ ra biển mua buôn hải sản lúc sáng sớm.

Đây là một trong những loại hải sản có giá trị nhất trong mẻ cá của ngư dân,
loại tôm này thường có giá 150kg/kg

Số lượng cua và tôm như vậy trong mỗi mẻ lưới là không nhiều, đa phần là tép và cá nhỏ, ít có giá trị kinh tế.

Sau khi phân loại và ngã giá xong, những bữa cơm sáng đơn giản, nhanh chóng diễn ra ngay trên bờ để xua tan đi cái đói. Vất vả, cực nhọc là vậy nhưng ngư dân miền biển luôn lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống, vững lòng bám chắc vào bờ biển quê hương. 

Buổi chiều là lúc ngư dân sửa sang lại thuyền, vá lại lưới để chuẩn bị cho những chuyến đi tiếp theo. Vẫn biết mưu sinh trên biển là nghề đánh cược với thủy thần, nhưng từ đời con tiếp nối đời cha, vẫn thủy chung với biển. Mặc dù vì nhiều lý do, nguồn sản vật từ lòng đại dương ngày càng khan hiếm nhưng với ngư  dân “treo lưới là treo niêu”. Cho nên sau mỗi chuyến đi biển trở về, họ lại phải khẩn trương chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo với hy vọng cá bạc sẽ đầy khoang

 

Sau những chuyến đi mệt nhoài, những con thuyền lại im lìm nằm bên Nhà thờ đổ.