‘Gỡ’ từng ‘điểm nóng’ về trật tự giao thông, đô thị

ANTD.VN - Cơ bản giải quyết tình trạng mái hiên, mái che mái vẩy trên các trục đường Hà Huy Tập, Yên Viên, xã Yên Thường; xây dựng kế hoạch kiểm soát, xử lý xe quá tải, quá khổ hoạt động trên các trục quốc lộ, bến bãi; đặc biệt nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa lực lượng Công an và Thanh tra Giao thông vận tải...Đó là những biện pháp tích cực được ghi nhận trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà nội, trong công tác đảm bảo trật tự giao thông, đô thị.

Việc “khó” nhất nhưng...hoàn thành nhanh nhất

Đến trụ sở đội Thanh tra Giao thông vận tải huyện Gia Lâm (đường Cổ Bị, “thủ phủ” của huyện Gia Lâm), không hẹn trước, tôi chỉ có thể gặp được Đội trưởng Trần Việt Hải qua...điện thoại. Giọng xa lắc, cách trụ sở hơn 10 km nếu đi theo QL5 ra đường Ngô Gia Tự để lên cầu Đuống: “Anh em đang tập trung hết ở Yên Thường, Yên Viên. Hôm nay huyện ra quân tuyên truyền, tháo dỡ mái hiên, mái che gây mất mỹ quan đô thị”.

Xử lý vi phạm trật tự giao thông  - đô thị ở huyện Gia Lâm luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa Công an và Thanh tra GTVT

Lần “gặp” ấy cỡ cuối tháng 9;  để đến hôm rồi, huyện Gia Lâm sơ kết 10 tháng đầu năm 2019 công tác đảm bảo trật tự giao thông – đô thị, đội Thanh tra giao thông được lãnh đạo huyện biểu dương,  về  kết quả làm phong quang diện mạo một trong những trục huyết mạch của Gia Lâm. Có đến trên dưới 200 “vết nhọ” trên trục Yên Viên – Yên Thường – Hà Huy Tập đã được người dân tự giác, và lực lượng chức năng kiên quyết tháo dỡ; điều mà như đội trưởng Trần Việt Hải chia sẻ: “Trước khi làm, anh em từng nghĩ sẽ...rất khó làm”!

Cùng với đội Cảnh sát giao thông – trật tự Công an huyện Gia Lâm, đội Thanh tra giao thông vận tải tham mưu với lãnh đạo huyện kế hoạch giải quyết vi phạm đô thị, giao thông ở trục Yên Viên – Yên Thường – Hà Huy Tập nói riêng. Đầu tiên là mở đợt tuyên truyền mạnh, nêu rõ chủ trương và quyết tâm của huyện xây dựng những tuyến đường phố “mặt tiền” phải khang trang, để sẵn sàng “lên” quận trong một vài năm tới.

Bước tiếp theo là điều tra cơ bản, trong đó xác định  rõ những hộ, điểm “nóng” nhất, để có phương án chi tiết hơn. Hôm ra quân, cùng với chính quyền cơ sở, lực lượng Công an – Thanh tra giao thông đã chọn chính những hộ, điểm “nóng” ấy để làm đầu tiên.  Vẫn tạo điều kiện cho cá nhân vi phạm tự khắc phục, xử lý; song cũng hết sức cương quyết nếu đương sự không chấp hành. Liệu pháp mạnh ấy đem lại hiệu quả tích cực, nhiều hộ gia đình cứ thế tự giác tháo dỡ mái che, mái hiên di động.

Xây dựng các chuyên đề, kế hoạch sát hợp thực tế địa bàn

“Huyện Gia Lâm đang ở giai đoạn đô thị hóa cao, không kém mấy so với nhiều địa bàn nội thành. Trên lộ trình phát triển ấy, tất yếu khó tránh khỏi phức tạp của hoạt động vận tải nguyên vật liệu xây dựng xuyên huyện, liên tỉnh”, Thượng tá Hoàng Xuân Trường – Phó trưởng Công an huyện Gia Lâm đánh giá.

Chủ động nhìn nhận vấn đề, ngay từ đầu năm 2019, Công an huyện đã chủ động phối hợp với đội Thanh tra giao thông vận tải và các ban, ngành tiến hành điều tra cơ bản, khảo sát các tuyến đường trên địa bàn huyện. Từ kết quả ấy, Công an huyện đã kiến nghị cấp có thẩm quyền hàng chục văn bản liên quan đến công tác tổ chức giao thông, như cắm biển tổ chức giao thông tại xã Ninh Hiệp và xã Phú Thị; khắc phục tình trạng mất an toàn giao thông trên QL5 đoạn rẽ vào khu đô thị Đặng Xá; nâng cấp duy tu sửa chữa mặt đường Ỷ Lan; tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông tại các nút giao thông đông mật độ người và phương tiện tham gia giao thông...

Điểm nhấn trong công tác đảm bảo trật tự giao thông – đô thị ở Gia Lâm, là việc triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành giữa Công an huyện và đội Thanh tra giao thông, đội CSGT số 5 (thuộc phòng CSGT Công an TP. Hà Nội). Trung tá Vũ Trọng Hải – Đội phó đội Cảnh sát giao thông – trật tự cho biết,  tất cả các tuyến huyết mạch, quốc lộ, đường dẫn vào bến, bãi...đều được cơ quan chức năng điều tra bản, xây dựng kế hoạch tuần lưu, ứng trực, kiến nghị lắp đặt biển báo, nhằm hạn chế tối đa phương tiện chở quá tải, gây ô nhiễm môi trường.

Thống kê sơ bộ, 10 tháng đầu năm 2019, lực lượng CSGT Công an huyện xử lý trên 4.300 trường hợp, với số tiền xử phạt hành chính trên 1 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát trật tự của Công an huyện và đồn, thị trấn xử lý gần 7.000 trường hợp, với số tiền xử phạt hành chính gần 1,5 tỷ đồng. Đáng chú ý trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát giao thông – trật tự đã bắt giữ hàng chục vụ việc, đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự, bàn giao đến Cơ quan điều tra xác minh, giải quyết.  

Sự đồng bộ, khoa học về giải pháp; quyết liệt, bền bỉ trong thực hiện, và tính thống nhất cao trong cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, đã và đang tạo chuyển biến tích cực về trật tự giao thông – đô thị ở huyện Gia Lâm.

Tin cùng chuyên mục