Gỗ sưa và biểu đồ “nóng - lạnh”

ANTĐ - Ít tháng nay, các đối tượng trộm cắp cây sưa đỏ hoạt động phức tạp trở lại. Những lời đồn thổi về công dụng huyền bí, có thể chữa “bách bệnh”… đang đẩy giá trị kinh tế của loài gỗ quý này lên cao. Từ vỏ, lõi cho đến mạt cưa gỗ sưa đều được các đầu nậu thu gom, bán sang nước ngoài.

Sự “nóng” lên bất thường của tội phạm trộm cắp gỗ sưa thời gian gần đây được nhận định do 2 nguyên nhân. Thứ nhất: Sau một thời gian làm ráo riết, việc tuần tra, kiểm soát, bảo vệ gỗ sưa của chính quyền, lực lượng chức năng một số địa phương đang có phần chùng xuống, khiến loại tội phạm này tiếp tục lộng hành. Thứ hai: cùng với việc đầu nậu nước ngoài đẩy mạnh thu mua gỗ sưa, thì nhu cầu chơi đồ gỗ nội thất chế tác từ cây gỗ quý này dần phổ biến ở trong nước, đặt biệt là các tỉnh phía Bắc, khiến gỗ sưa tiếp tục bị chặt hạ. Nhận định trên có thể thấy rõ qua vụ việc, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường - CATP Hà Nội bắt giữ đối tượng mua bán, vận chuyển 6 tấn mảnh vụn gỗ sưa đỏ. Qua xét hỏi, đối tượng khai chỉ mất vỏn vẹn 4 tháng để mua gom 6 tấn mảnh vụn gỗ sưa ở các xưởng mộc, gỗ… tại một số huyện ngoại thành Thủ đô. 

Việc bảo vệ cây sưa đỏ chùng xuống, trong khi nhu cầu thu mua vẫn dồi dào, giá cao… nên dễ hiểu vì sao tội phạm chặt phá cây gỗ quý lại “nhộn nhịp” đến vậy. Sự “nóng” lên bất thường của loại tội phạm này khiến dư luận bức xúc, lực lượng công an một lần nữa phải vào cuộc điều tra, truy xét, bắt giữ, xử lý 7 ổ nhóm, 32 đối tượng trộm cắp. Đúng theo quy luật, tội phạm chặt phá gỗ sưa tạm lắng... Nhưng ai cũng biết nó sớm “nóng” trở lại, bởi các biệt pháp ngăn chặn hiện nay mới chỉ tập trung ở phần “ngọn” - bắt giữ số đối tượng chặt phá, mà chưa quan tâm đến phần “gốc” - bắt giữ các đối tượng tiêu thụ gỗ sưa. Vụ bắt giữ 6 tấn mảnh vụn gỗ sưa đỏ - phế liệu tại các xưởng mộc, xưởng gỗ điêu khắc cho thấy, đang có một lượng lớn cây gỗ quý được mua bán, chế tác phi pháp ngay trong nội địa. 

Gỗ sưa đang tiếp tục “chảy máu” bởi lòng tham của một bộ phận người dân, sự buông lỏng quản lý của một số địa phương có nghề gỗ truyền thống, và cách phòng ngừa thiếu triệt để của các lực lượng.