Gỡ “sợi dây” phụ thuộc

ANTĐ - Sau nhiều năm nhập siêu, lần đầu tiên năm 2012 và quý I-2013 cả nước đã xuất siêu, nhưng với thị trường Trung Quốc, Việt Nam sẽ còn nhập siêu lớn. Riêng trong quý I kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đã chiếm hơn 25% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Nếu như năm 2001, nước ta chỉ nhập siêu 210 triệu USD thì đến 2012 đã tăng tới 16,3 tỷ USD. Mức độ nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng gia tăng dù đã được cảnh báo với những mặt hàng phần lớn là nguyên phụ liệu, linh kiện lắp ráp, gia công và máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.

Vụ phó Vụ Châu Á - Thái Bình Dương - Bộ Công Thương chỉ rõ, đã có thời kỳ 1991-2000 nước ta xuất siêu sang Trung Quốc còn hiện nay 90% nguyên phụ liệu sản xuất của Việt Nam đều phải nhập từ nước này vì ngành công nghiệp hỗ trợ của ta chưa phát triển, không đủ đáp ứng nhu cầu của các ngành sản xuất trong nước để phục vụ xuất khẩu. Trong đó, 80% nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày đều nhập từ Trung Quốc về để gia công, hoàn thiện rồi xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản.

Việc nhập siêu từ “đại công xưởng của thế giới” là điều khó tránh khỏi. Hàng tràn ngập khắp nơi với giá rẻ bất ngờ và cũng đáng ngờ về chất lượng, vệ sinh an toàn. Nhiều nước phát triển đã dựng hàng rào kiểm định chất lượng phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Riêng với Việt Nam, Trung Quốc đã tận dụng lợi thế biên giới rộng dài trên bộ, trên biển, đồng thời có cơ chế khuyến khích trao đổi biên mậu, ưu đãi thuế để đẩy hàng “thượng vàng hạ cám” sang ta. Cụ thể, người dân nước họ mang giá trị hàng từ 8.000 nhân dân tệ bán qua biên giới mới phải chịu thuế. Trong khi Trung Quốc dùng biện pháp “bán hàng tỉnh lẻ”, tức là tống hàng chất lượng thấp vào Việt Nam thì nước ta lại đẩy mạnh bán sản phẩm “đầu vị”, tức là hàng hóa dưới dạng thô, nguyên liệu thô. Nhóm hàng xuất khẩu có thể tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này như than đá, dầu thô lại mạnh như những năm gần đây. Cũng không thể bỏ qua một thực tế, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn của Việt Nam. Hàng loạt nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu các dự án, công trình tầm quốc gia. Máy móc, vật liệu, thiết bị họ đưa sang có “một bộ phận không nhỏ” là hàng thanh lý, chất lượng lạc hậu cũng đóng góp vào cán cân nhập siêu. Một chuyên gia kinh tế lên tiếng khuyến cáo, đến năm 2015, Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ được thực hiện đầy đủ, thuế của Việt Nam áp cho các sản phẩm từ Trung Quốc sẽ xuống rất thấp. Đây là thách thức vô cùng lớn khi hàng hóa Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trên thị trường nội địa, chưa kể hàng nhập lậu rất… đa dạng và phong phú.

Được biết, để lành mạnh hóa hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước, đặc biệt là thu hẹp dần khoảng cách nhập siêu từ Trung Quốc, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc đã thống nhất 5 giải pháp sẽ triển khai. Đây mới chỉ là giải pháp nằm trên giấy, còn trên thực tế, nếu các cơ quan chức năng không tìm cách tháo gỡ “sợi dây” phụ thuộc thì tình trạng nhập siêu từ nước này ngày càng thít chặt hơn.