Gỡ khó cho thuốc nội

ANTĐ - Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo sửa đổi Thông tư 01 về đấu thầu thuốc, dự kiến sẽ ban hành vào đầu năm 2014. Bằng việc siết chặt hệ thống hàng rào kỹ thuật cho thuốc ngoại nhập cùng với những quy định mới về đấu thầu thuốc sắp được áp dụng, cơ hội cho thuốc Việt đang sáng sủa hơn. 

Một buổi đấu thầu thuốc vào BV Việt Đức

Chặn thuốc ngoại kém chất lượng

Cuối tuần qua, ngay sau khi công bố chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã tổ chức phổ biến một số quy định mới về đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế. Cùng thời điểm, tại TP.HCM, một hội nghị khoa học dược BV mở rộng diễn ra với quy mô lớn, thu hút hàng trăm nhà quản lý, chuyên gia về dược phẩm tham dự. Tại các sự kiện này đa số ý kiến đều nhất trí cho rằng, muốn thuốc nội vào các BV, đến tay các bác sĩ nhiều hơn, trước hết phải chặn được các loại thuốc nhập ngoại giá rẻ nhưng chất lượng kém, bởi đây chính là đối thủ trực tiếp của thuốc nội trong bối cảnh hiện tại. 

Ông Hồ Đức Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết, thuốc Việt vốn vẫn được nhìn nhận dưới góc độ giá rẻ và chất lượng chưa cao. Tuy nhiên nhiều loại thuốc ngoại có chất lượng không hề tốt hơn nhưng lại đang chiếm ưu thế ngay trên thị trường Việt Nam, trúng thầu nhiều vào các BV nước ta nhờ lợi thế giá cực rẻ. Thực tế sau hơn 1 năm triển khai Thông tư 01/2012 về đấu thầu thuốc vào BV, với quy định thuốc nào giá rẻ nhất sẽ trúng thầu nên thuốc trúng thầu vào các BV đã giảm 30-40%. Thế nhưng đa số thuốc trúng thầu vào các BV tuyến dưới là các loại có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh…, giá rẻ nhưng chất lượng không cao. Thế nên ở một BV tuyến huyện, có bệnh nhân được dùng kháng sinh ngoại mà cả tuần bệnh không thuyên giảm, các bác sĩ buộc phải cho chuyển tuyến để bệnh nhân được dùng thuốc do BHYT chi trả nhưng chất lượng tốt hơn. 

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thẳng thắn chỉ ra, các loại thuốc ngoại đương nhiên phải đạt chất lượng mới được cấp phép nhưng thực tế hiện nay chúng ta mới xem xét cấp phép dựa trên khía cạnh chất lượng kỹ thuật mà bỏ qua chất lượng điều trị. Chất lượng kỹ thuật chỉ gồm 2 yếu tố là hạn dùng của thuốc và trong suốt quá trình với hệ thống kiểm nghiệm liệu có sai sót gì hay không. Vì thế, hầu như tất cả các thuốc khi tham gia đấu thầu đều vượt qua vòng kỹ thuật để vào vòng đấu giá, khi vào vòng này rồi thì thuốc của các nước có giá rẻ sẽ trúng thầu.  

Siết chặt hàng rào kỹ thuật

Trước thực trạng nói trên, Bộ Y tế đang tham khảo các ý kiến để sửa đổi và bổ sung một số điều mới, khắc phục những bất cập của Thông tư 01, dự kiến ban hành vào đầu năm 2014. TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết, theo dự thảo Thông tư 01 sửa đổi, gói thầu thuốc theo tên generic (thuốc theo tên hoạt chất) được phân làm 5 nhóm, việc phân nhóm này sẽ cụ thể và chặt chẽ hơn rất nhiều so với hiện nay. Khi đó, các thuốc sản xuất ở những quốc gia có nền công nghiệp dược phát triển, được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng (châu Âu, Mỹ, Canada, Úc…) sẽ không ở cùng nhóm với các thuốc sản xuất bởi những quốc gia kém phát triển hơn. Điều này sẽ khắc phục được tiêu chí đánh đồng như hiện nay, tránh được tình trạng các thuốc có cùng hoạt chất, cùng hàm lượng nhưng thuốc sản xuất của các quốc gia có nền công nghiệp dược kém phát triển, chất lượng thấp hơn thì trúng thầu vì giá rẻ. 

 Đặc biệt, việc sửa đổi Thông tư 01 còn hướng đến việc gỡ khó đầu ra cho doanh nghiệp dược trong nước, tạo điều kiện cho thuốc nội có cơ hội trúng thầu nhiều hơn. Trong dự thảo Thông tư 01 sửa đổi, thuốc nội sẽ được tham dự đấu thầu vào BV ở nhiều nhóm hơn. Cụ thể, thuốc nội có quyền tham dự đấu thầu ít nhất 2 nhóm (nhóm 3 và 5), nếu thuốc nội có chất lượng tốt được lưu hành tại ICH (các nước có nền công nghiệp dược phát triển) và có đánh giá tương sinh học sẽ được tham gia dự thầu ở cả 5 nhóm thuốc. Một điểm mới nữa là từ năm tới, quy định chỉ cho phép doanh nghiệp dược trong nước được dành khoản kinh phí từ 5-10% lãi suất chi cho quảng bá, tiếp thị sẽ được nới rộng lên thành 15%. Hiện tại, thuốc nội chỉ được quảng cáo ở mức 5 – 10%, trong khi các doanh nghiệp dược phẩm nước ngoài lại được chi tới 30%, khiến doanh nghiệp dược trong nước bị yếu thế.