Giúp cử nhân ra trường không bị thất nghiệp

ANTĐ - Với hơn 400 trường ĐH, CĐ trên toàn quốc, mỗi năm có hơn 600.000 sinh viên ra trường. Làm thế nào để những sinh viên này tiếp cận sớm nhất với các cơ hội tuyển dụng? Điều đó đã được Thạc sĩ Hoàng Sơn Công, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam chia sẻ qua những công việc đang triển khai của dự án Việc làm và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên JobFair 2015.

Giúp cử nhân ra trường không bị thất nghiệp ảnh 1 Dự án JobFair thu hút sự tham gia của sinh viên lẫn doanh nghiệp 


- PV: Số liệu Bộ GD-ĐT đưa ra cho thấy, 40% sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm sau 3 tháng ra trường. Nguyên nhân chính theo ông là gì?

- Ths Hoàng Sơn Công: Qua khảo sát mà chúng tôi đã tiến hành từ năm 2012 đến nay, có thể thống kê sinh viên tốt nghiệp đại học trong nước thiếu từ 20-50 yêu cầu kỹ năng làm việc của các doanh nghiệp. Các kỹ năng này có thể kể đến như kỹ năng xử lý thông tin văn phòng, hoạt động nhóm theo quy chuẩn giờ giấc, báo cáo, kỹ năng quản lý thời gian, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp... Đây là khoảng cách lớn giữa yêu cầu của các nhà tuyển dụng với kết quả đào tạo của nhà trường. Chính vì vậy, sinh viên ra trường chưa thể tiếp cận ngay với công việc trong khi các doanh nghiệp lại đang rất thiếu nhân lực.

Giúp cử nhân ra trường không bị thất nghiệp ảnh 2

- Ngoài vấn đề về khoảng cách giữa nhu cầu nhân lực thực tế với năng lực đào tạo của nhà trường, còn có nguyên nhân nào khiến cử nhân không tìm được việc làm như ý?

- Thực trạng tồn tại lớn nhất hiện nay là sinh viên không có định hướng nghề nghiệp ngay từ khi chọn trường. Họ vừa thiếu thông tin tư vấn của nhà trường về ngành nghề đào tạo, vừa phụ thuộc vào sự kỳ vọng, định hướng của bố mẹ. Chưa kể với cách tuyển sinh đại học như kiểu chơi chứng khoán năm 2015 vừa qua cho thấy, nhiều sinh viên chỉ cốt vào được đại học thay vì chọn trường theo định hướng ngành nghề mà mình yêu thích. Chính sự thiếu định hướng ban đầu dẫn tới việc sau khi tốt nghiệp, các bạn ấy sẽ hoang mang không hiểu mình phù hợp với công việc gì. Từ đó lại phát sinh tình trạng làm trái nghề, liên tục nhảy việc… Nếu định hướng tốt ngay từ đầu vào thì tìm việc cho đầu ra sẽ là đường thẳng rất dễ thực hiện.

- Với khoảng cách lớn như ông nói trên, liệu cử nhân của chúng ta có thể khắc phục ngay hay phải chờ thế hệ sau được đào tạo ngay từ đầu?

- Không hề khó để bù lấp khoảng cách này. Chương trình dự án JobFair của chúng tôi sẽ tập trung làm ngược từ sinh viên tốt nghiệp cho đến sinh viên năm thứ nhất. Quy trình được bắt đầu bằng khảo sát nhu cầu doanh nghiệp trên cơ sở họ chủ động đặt hàng. Tiếp theo, chi tiết hoá thông tin tuyển dụng, lấy đây là bản lề để sinh viên đánh giá khả năng của mình, đồng thời để cả ứng viên lẫn nhà tuyển dụng căn cứ định ra mức lương. Điều này sẽ khắc phục tình trạng rất nhiều sinh viên và nhà tuyển dụng không tìm được nhau khi tham gia tuyển dụng trực tuyến vì không hiểu nhu cầu của nhau.

- Ông có thể nói rõ khác biệt giữa những sinh viên có và chưa có các kỹ năng mà ông cho là cần thiết khi xin việc?

- Thực tế cho thấy, một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng không có kỹ năng mềm, lương khởi điểm chỉ có thể xung quanh mức 3 triệu đồng. Nhưng nếu sinh viên chỉ có bằng tốt nghiệp loại trung bình khá nhưng có các kỹ năng về văn phòng, kỹ năng giao tiếp... thì mức lương khởi điểm sẽ khác hẳn, với mức 5 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, họ phải thể hiện được năng lực bản thân và lúc này bằng cấp sẽ không quá quan trọng.

- Nhiều trường và nhiều tổ chức từng đầu tư vào dịch vụ việc làm cho sinh viên tốt nghiệp nhưng chưa đem lại hiệu quả thực sự. Dự án lần này có khắc phục được tình trạng trên?

- Chúng tôi bắt đầu dự án bằng việc xây dựng các câu lạc bộ nghề nghiệp và việc làm tại các trường đại học. Các câu lạc bộ này sẽ đào tạo tất cả kỹ năng và đảm bảo đầu ra cho các thành viên. Ban đầu, các câu lạc bộ này sẽ có khoảng 50-100 thành viên. Chúng tôi cũng đã tiến hành thử nghiệm và có hạt nhân để đưa vào các câu lạc bộ. Đúng là đã nhiều nơi thực hiện công tác này nhưng thường là chưa đạt hiệu quả cao vì hoạt động rời rạc, chưa có dữ liệu cụ thể.

Giải pháp lớn hơn chúng tôi đưa ra là xây dựng liên kết nhiều bên gồm đơn vị đoàn thanh niên, trường học, hệ thống doanh nghiệp với sự vào cuộc của các hiệp hội, các cơ quan chủ quản như Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, chính quyền địa phương... Chúng tôi cũng làm rõ lợi ích của các bên tham gia như sinh viên sẽ được học tập miễn phí để có việc làm, được thực tập. Lợi ích của các gia đình là nhận thức đúng về định hướng nghề nghiệp. Lợi ích của cơ sở đào tạo ở chỗ nhìn thấy được khoảng cách về nhu cầu nhân lực với năng lực đào tạo hiện tại. Lợi ích của doanh nghiệp là không mất chi phí cao để quảng cáo và đào tạo nhưng vẫn có nhân lực làm việc tốt nhất, mức lương phù hợp, có sự cam kết của người lao động.