Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo:

Giữa những ngôi nhà của tôi là "tình Việt"

ANTĐ - Tôi đã có vài lần gặp Nguyễn Thiện Đạo ở Paris. 13 năm, đủ để chúng tôi biết và hiểu được những giá trị của tài năng và khát vọng cống hiến. Tháng 4-2013, gặp lại nhạc sĩ tại nhà riêng của ông trên phố Mai Anh Tuấn, phường Thành Công, quận Ba Đình, tôi muốn tìm/ lý giải bí ẩn ký ức khiến ông sáng tạo âm nhạc giao hưởng gắn với hồn dân tộc.

Tầng trệt phòng khách và bàn làm việc của Nguyễn Thiện Đạo có đặt cây đàn piano K.Kawai. Lại bên đàn, nhạc sĩ dạo vài đoạn nhạc của giao hưởng Tiên Du. Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi trò chuyện, nhìn qua cửa kính là mặt hồ Đống Đa, rặng phượng vĩ lượn lờ.

- Cảm ơn nhạc sĩ vừa tặng CD mới “Đất trời”. Ông có thể cho độc giả ANTĐ Cuối tuần biết về sản phẩm âm nhạc được sản xuất và phát hành tại Pháp này?

- Hân hạnh giới thiệu CD “Đất trời” do Sismal records thực hiện, bán tại Paris từ đầu 2013. CD dài 66,13 phút, gồm: Khai giác (32 phút), Suối tranh (6 đàn tranh), Căn thức (độc tấu đàn tranh và đàn dây), Khói hát (độc tấu nhị), Khói Trương Chi (độc tấu tỳ bà), Khói sóng (độc tấu đàn tranh). Sản phẩm nhiều nhạc công, ca sĩ Việt Nam biểu diễn, Quốc Trung thu âm, Bộ Văn hóa - Truyền thông Pháp bảo trợ cùng một số tổ chức khác, trong đó có Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF).

- Công việc của chuyến về Việt Nam lần này là viết Tiên Du, tác phẩm mà ông đã trao đổi với tôi ở Paris tháng 12-2011?

- Đúng vậy, suốt gần 2 năm nay, tôi theo đuổi dự án này, cho đến giờ chưa Nhà hát nào ở Việt Nam đặt hàng. Nặng tình với vốn văn chương, truyền thuyết của dân tộc mà tôi quyết tâm làm. Từ 1979, tôi đã viết Opéra “Mỵ Châu Trọng Thủy” diễn tại Paris. Tối 3-5-2012, Opéra “Định mệnh” bất chợt đưa Truyện Kiều lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội.

Và sau đó, tích Từ Thức gặp Tiên ám ảnh tôi. Đặt chân lên đất nước, thở không khí quê hương đất nước, trong lòng đất mẹ tôi mới tìm ra điều khác thường: Giao hưởng Tiên Du 30 phút sử dụng tổng lực các nhạc cụ dân tộc: đàn nguyệt, đáy tỳ bà, tam, bầu, tranh, sáo Mường, tiêu, kèn... Sẽ có màn hầu đồng mời Tiên xuống trần và tiễn Tiên về trời, quay tại một ngôi chùa cổ kính, sẽ làm  phim video chiếu khi dàn nhạc biểu diễn. Tôi đã gặp Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh và ông hứa sẽ ủng hộ đưa dàn nhạc sang diễn Tiên Du tại Paris đầu 2014 nhân “Năm Việt Nam tại Pháp”. Hiện tôi lo lắng về kinh phí lắm.

- Tất cả các bản nhạc của ông đều có NXB in, được Nhà nước Pháp hoặc Việt Nam đặt hàng cơ mà?

- Để diễn Tiên Du đạt hiệu quả nghệ thuật, cần có 80 nhạc công. Lúc này, tôi chưa có tài trợ. 

- Trông ông gầy hơn mùa thu trước, khi tôi gặp ông?

- Vì thiếu ngủ, trăn trở khốn khổ với Tiên Du. Được biết ở Thanh Hóa có động Từ Thức, tôi dự định đến. Còn Tiên Du, Phật Tích ở Bắc Ninh tôi đã thăm vài lần.

- Ngôi nhà Hà Nội hiện giờ của ông quá ít đồ và hơi lạnh. Sao ông không mua sắm thêm?

- Tôi không biết làm gì ngoài âm nhạc. Ở đây, tôi sống một mình, toàn ăn nhà hàng, không nấu. Đồ đạc chỉ có những gì thật cần thiết. Nhà 4 tầng, phòng ngủ tại tầng 2 chỉ có giường, tủ kính (bày đĩa, sách nhạc), không  tủ gỗ mà có 6 valise. Tôi đựng quần áo trong valise.

- Ở Paris, ông hay đi bộ. Còn ở Hà Nội, ông toàn “trốn” vào taxi?

- Đúng, tôi “trốn” bụi, ồn và sự nguy hiểm. Tôi có đi bộ ở Hà Nội, chỉ quanh hồ Thành Công và uống cà phê bên hồ ấy thật thú, vì còn yên tĩnh. Hồ Đống Đa trước mặt tôi, nhìn từ trong nhà thật đẹp, dạo quanh thì ngại, vì bẩn. Tôi thích im lặng ngắm mưa rơi trên mặt hồ và hàng phượng rủ.

- Café vỉa hè Paris nổi tiếng thế giới. Ông là người Hà Nội cũ, sành café vỉa hè Paris, sao không thể chấp nhận vỉa hè Hà Nội?

- (Nhún vai). Đừng bắt tôi phải so sánh nhé. Hà Nội còn mấy đường phố có vỉa hè đích thực đâu. Nó thành chỗ bán hàng, nấu ăn, để xe, gần cống và đụn rác. Vỉa hè Paris sạch, nhiều cây và hoa, mọi người thanh lịch với nhau. Thú thực, tôi không dám và không thể ăn uống trên vỉa hè Hà Nội.

- Gia đình ông gốc gác là một gia đình tư sản Hà Nội. Nhạc sĩ vui lòng kể về ngôi nhà thơ ấu?

- Đời như một vòng tròn. Lúc nhỏ, tôi gần hồ Gươm. Xa Việt Nam hơn nửa thế kỷ, đến 2006, tôi mua căn nhà này, sát bên hồ. Thơ ấu của tôi là ngôi nhà số 19 phố Tràng Tiền. Bố tôi, cụ Nguyễn Thiện Chúc mở hiệu may Cát Phương, thực chất là nhà tình báo, góp sức tiền của cho cách mạng. Bố tôi sau vào Sài Gòn, hoạt động ngay con đường trung tâm đẹp nhất, nhà 67 Đồng Khởi. Ông bị tù Hỏa Lò thời thực dân Pháp, sau 1968 lại bị tù ở khám Chí Hòa, suýt bị ra Côn Đảo. Về già, bố mẹ tôi qua Thụy Sỹ sống, bỏ lại hết nhà cửa.

- Xa Hà Nội khi 13 tuổi, ký ức của ông về thành phố là...?

- Là các hồ, di tích, nào đền Voi Phục, Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, Kim Liên, hồ Gươm, hồ Tây. Lúc tôi đi, chưa có kem Tràng Tiền, chỉ có các cậu bé bán kem que đựng trong phích. Nhà tôi có đầu bếp, vú em, vài chị sen. Tôi và em trai được sống đúng đẳng cấp công tử Hà Nội, ngày ngày mặc quần áo trắng, đội mũ trắng, giày trắng lên   ô tô trắng của nhà, do lái xe mặc đồng phục, chở đến trường Tây, đi học.

- Được chăm sóc thế, mà ông dám du học một mình khi mới là chú bé?

- Nhờ sự đầu tư của bố và ước mơ của tôi, phải làm gì “ghê gớm” chứ. Một mình lên tàu biển, hành lý đem theo là quần áo và sách, nhiều sách Nho học, Đạo đức kinh và văn học. Bạn bố tôi, ông Paul Lévy - Giám đốc Viện Viễn Đông bác cổ Hà Nội hết nhiệm kỳ, về lại Paris, nhận đỡ đầu tôi, lo sắp xếp chỗ ở. Tôi ở kí túc xá ngoại ô, học văn hóa, chuẩn bị 10 năm. Tới 1963, khi 23 tuổi, mới thi vào Nhạc viện Paris.

- Nhà của ông tại Paris, 28 phố Madame, quận 6, ở vị trí đẹp và đắt bậc nhất kinh đô hoa lệ. Hẳn là ông rất phong lưu. Không phải nhạc sĩ nhập cư nào cũng sở hữu  ngôi nhà đáng mơ ước như thế!

- Hồi tôi mua nó, năm 1980, quận 6 chưa phải nơi đắt giá nhất. Rồi sau nó thành nơi ở của nhiều nhân vật nổi tiếng của chính trị, khoa học, nghệ thuật. Bước chân ra khỏi nhà, có thể gặp minh tinh Catherine Deneuve, ngôi sao Dominique Sanda. Nhà tôi có nhiều cửa sổ.

- Tôi đã dạo cùng ông trên đại lộ Saint Germain, thầm lý giải tại sao một người Việt Nam thấp bé lại có tên trong các từ điển Pháp Le Petit Larousse, Le Petit Robert. Hẳn nhiên vì tài năng, nhưng  thế vẫn chung chung?

- Tôi luôn muốn làm những điều tốt đẹp nhất, tối đa cho Tổ quốc. Thành đạt, khẳng định tên tuổi ra quốc tế là báo hiếu cha mẹ, quê hương. Thoát khỏi vóc dáng và tâm lý nhược tiểu chỉ bằng nỗ lực ghê gớm và tư duy khác biệt. Có anh bạn ở Đại sứ quán Việt Nam đến, nhận xét nhà tôi như bảo tàng nhỏ, vì nhiều đồ cổ. Phòng làm việc của tôi đầy sách và đĩa xung quanh.

- Tôi rất phục khả năng đi bộ của ông ở Paris!

- Vội thì dùng taxi, chủ yếu đi métro (tàu điện ngầm) và đi bộ. Từ nhà tôi, 5 phút là tới vườn Luxemburg nổi tiếng thế giới, nơi có trụ sở Thượng nghị viện (Sénat), còn Nghị viện ở xa hơn, quận 7 (Assemblée Nationale). 

- Lúc tôi ở Pháp, ông hay rủ tôi ăn trưa ở tiệm. Đó là thói quen của ông hay muốn giảm công việc cho bà nhà?

- Thói quen. Tôi đi công việc, đói là ghé vào bất cứ nhà hàng nào mình thích. Có lần uống say, tôi về, qua quán lạ thấy có piano, tôi vào, xin đánh. Tôi chơi ngẫu hứng tưng bừng, khiến mọi thực khách quây vòng quanh.

- Ông thích các món ăn nào của Pháp?

- Vịt sốt cam, sườn cừu nướng và uống  vang Bordeaux thượng hạng. Nhưng tôi vẫn  thích ăn rau dền, mồng tơi, rau cần, bên Pháp hiếm mồng tơi. Về Việt Nam, tôi thèm bánh cuốn, phở chín gầu giòn Bát Đàn, chả cá lăng Toàn Thắng phố Bạch Đằng, chả cá Thăng Long 21 Đường Thành. Tôi mê các loại rau thơm. 

- Mỗi lần ông sáng Pháp chỉ thấy mỗi valise kéo tay. Ông không mua quà về sao?

- Tôi ngại mang nhiều lại phải bê, vác rồi chờ lấy đồ. Quà thì tôi có mua, trà Thái Nguyên ướp sen và sách văn học cập nhật. Tác giả nổi tiếng sách nào có dư luận là tôi đều mua về, thư viện nhà tôi bên Pháp khá nhiều sách Việt Nam.

- So với 60 năm trước, 1953, khi ông rời xa để đến Paris, ông thấy Hà Nội bây giờ thế nào?

- Tôi yêu Hà Nội xưa, cổ kính, thanh tú, thơ mộng, những vẻ đẹp mà Hà Nội tạp nham, ồn ào hôm nay mất gần hết. Tôi mong mỏi Hà Nội sẽ không mất hết và lần dần đẹp trở lại, đẹp đúng với nó chứ không phải vẻ đẹp khác nó, cưỡng chế nó. Tôi tha thiết góp sức sáng tạo cho Hà Nội, tôi ước mơ tất cả mọi người luôn yêu và giữ gìn cho Thủ đô bằng tất cả khả năng, để giữ lại cho thế hệ sau những di sản, phần hồn thành phố cổ nên thơ, lãng mạn.

- Hà Nội giữ được ông bao lâu trong lần về này?

- Tối đa 17-5, tôi bay sang Paris, tháng 5 tới đây là kỷ niệm 50 năm ngày kết hôn của tôi với Nguyễn Thương Hiền. Hà Nội vẫn giữ tôi bằng tinh thần, thể phách, nỗi nhớ, dù tôi đi nước nào. Sắp tới em trai tôi từ Mỹ về Hà Nội thăm tôi, anh em tôi sẽ lại cùng thăm những chốn xưa kỷ niệm.

- Ông có đa tình không?

- (Cười). Lãng mạn, đa tình chứ. Không dám yêu thì chết cho xong. Tôi thích những phụ nữ đẹp, mà phụ nữ đẹp lại có tâm hồn nữa thì đáng yêu. Song đến giờ, chưa ai làm tôi si tình hơn âm nhạc.