Giữ ấm cơ thể trong những ngày rét đậm, rét hại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, bạn cần biết cách tự bảo vệ và phòng tránh các thiệt hại do thời tiết lạnh gây ra thì có thể mắc phải một số bệnh truyền nhiễm như ho, cảm lạnh, cảm cúm...

Mặc nhiều lớp quần áo

Hãy bắt đầu với việc giữ ấm cơ thể bằng cách mặc nhiều lớp áo mỏng thay vì chỉ mặc một lớp áo dày. Bởi đây là biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất giúp chống chọi cái lạnh của thời tiết cũng như các cơn gió lạnh không thể luồn vào cơ thể bạn. Thêm nữa, mặc nhiều lớp quần áo mỏng còn có tác dụng giảm bớt sự mất nhiệt, ngăn chặn mồ hôi tiết ra. Bởi nếu không lau kịp mồ hôi thì chúng sẽ thấm ngược trở lại, gây ra các bệnh về đường hô hấp.

Không tắm quá lâu, quá muộn

Tắm quá lâu mà nhất là tắm nước lạnh, tắm muộn trong những ngày lạnh rất nguy hiểm, không chỉ hại sức khỏe mà còn có thể dẫn tới tử vong. Cần lưu ý tăng nhiệt độ nước tắm, đóng kín cửa phòng tắm và đặc biệt là không tắm muộn, không tắm quá lâu. Với người có sức đề kháng yếu, chỉ cần vệ sinh bằng khăn ẩm ấm và tắm 2 ngày 1 lần là đủ.

Ngâm chân nước gừng

Tắm nước ấm giúp cơ thể ấm lên, loại bỏ bụi bẩn vi khuẩn và các yếu tố gây bệnh từ môi trường bên ngoài. Hoặc bạn có thể ngâm chân trong nước ấm có một chút tinh dầu hoặc vài lát gừng. Đây là một phương pháp “lợi trong lợi” bởi lòng bàn chân là nơi hội tụ nhiều huyệt đạo, mạch máu. Ngâm chân trong nước nóng sẽ giúp lưu thông máu, cơ thể được khỏe mạnh và làm ấm cơ thể rất tốt.

Tăng cường thực phẩm ấm nóng

Muốn giữ ấm cơ thể tốt nhất thì bạn nên ăn đủ bữa và nạp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết. Đặc biệt, một số món ăn từ các loại gia vị như gừng, tỏi... cũng giúp giữ ấm cơ thể rất tốt. Các món ăn nên ăn khi còn nóng, vừa giúp làm ấm cơ thể hơn, vừa giúp bảo vệ hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, uống đủ nước cũng rất quan trọng, bởi cơ thể bạn sẽ chịu lạnh tốt hơn khi được cung cấp đủ thức ăn và nước uống cân bằng.

Tránh uống nước lạnh, đồ có cồn

Tăng cường uống nước ấm, trà gừng, trà thảo mộc, nước trái cây trong những ngày mùa đông lạnh giá. Hãy nhớ, nước lạnh, đồ uống có cồn làm cơ thể mất nhiệt nhanh hơn. Trà gừng giúp cơ thể ấm hơn trong những ngày rét đậm, rét hại. Trước khi đi ngủ hoặc sau khi thức giấc, nên uống sữa ấm hoặc mật ong để tốt cho đường hô hấp và giữ thân nhiệt.

Ăn no, uống đủ

Uống đủ nước cũng rất quan trọng. Cơ thể bạn sẽ chịu lạnh tốt hơn nếu nó được cung cấp thức ăn và nước uống cân bằng. Hãy ăn uống đầy đủ - nghĩa là tiêu thụ nhiều năng lượng hơn mức cần đốt cháy - điều này sẽ giúp cơ thể đối phó với cái lạnh tốt hơn.

Không ra ngoài quá sớm hoặc quá muộn

Trong những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn thường rất lạnh, thậm chí còn có gió độc rất nguy hiểm. Nó có thể gây nhiễm lạnh, cảm lạnh, ảnh hưởng tới sức khỏe. Với ngày lạnh, hãy đóng kín cửa sổ và cửa ra vào để ngăn chặn gió lạnh từ ngoài thổi vào. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng chăn điện hoặc bật máy sưởi để giữ ấm phòng ngủ khi ra ngoài.

Tập thể dục đều đặn

Tập thể dục không chỉ giúp bạn có một sức khỏe tốt, có một vóc dáng như ý, mà còn giúp bạn cảm thấy ấm người hơn bởi lúc này cơ thể sẽ tạo ra nhiệt. Đi bộ là cách vận động tự nhiên nhất, đơn giản nhất trong mùa đông. Mỗi ngày bạn chỉ cần đi bộ khoảng 20 phút.

Đừng run rẩy

Run rẩy, co ro đúng là dấu hiệu cảnh báo bạn đang quá lạnh và cần vào nơi ấm hơn. Tuy nhiên, việc co ro sẽ có ích khi bạn bị giảm nhiệt nhẹ nhưng sẽ chẳng ý nghĩa gì nếu giảm nhiệt quá nhiều, từ mức trung bình trở đi. Bởi cơ thể sẽ tự ngừng run rẩy khi sự co rút cơ không còn tác dụng gì trong việc sản sinh ra nhiệt. Điều đó có nghĩa là khi bạn lạnh hơn, sự run rẩy thậm chí dừng lại, vì thế sau đó thân nhiệt còn giảm nhanh hơn.

Chú ý dấu hiệu hạ thân nhiệt

Thông thường, thân nhiệt của người bình thường dao động trong khoảng 36,5 độ C. Do đó, nếu cơ thể từ 35 độ C trở xuống là dấu hiệu bị hạ thân nhiệt. Tình trạng này xảy ra do bạn đang ở trong một môi trường lạnh quá lâu. Vậy nên, khi vừa trở về nhà mà thấy có hiện tượng run rẩy, mệt mỏi, lờ đờ, thở nông... thì có thể bạn đang bị hạ thân nhiệt nghiêm trọng. Lúc này, cần giữ ấm cơ thể ngay lập tức và đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra.