Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết giá rét

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Thời tiết trở lạnh đột ngột, trẻ em với sức đề kháng kém dễ bị mắc bệnh, nhất là các bệnh về hô hấp. Cha mẹ cần biết cách chăm sóc bé đúng cách để bé khỏe mạnh trong những ngày đông giá buốt.

Trong những ngày lạnh, trẻ cần được mặc ấm vừa đủ, quan trọng nhất là cần phải giữ ấm cổ và tai

Trong những ngày lạnh, trẻ cần được mặc ấm vừa đủ, quan trọng nhất là cần phải giữ ấm cổ và tai

Giữ phòng ấm áp, thông thoáng

Phòng của trẻ phải luôn kín gió và ấm áp. Nhưng nếu cứ đóng kín cửa suốt ngày sẽ khiến không khí trong phòng ngột ngạt, thiếu ôxy, khiến cơ thể mệt mỏi và làm vi khuẩn sinh sôi. Hơn nữa, nhiều người để nhiệt độ điều hòa, máy sưởi quá nóng sẽ khiến không khí trong phòng rất khô và cơ thể có nguy cơ mất nước, khô da, khô mũi, ảnh hưởng đến hệ hô hấp khiến trẻ khó thở. Vì vậy, cần giữ nhiệt độ trong phòng luôn ấm áp, thông thoáng trong khoảng 28 độ C. Trước khi cho trẻ ra ngoài nên mặc thêm áo khoác và đi giày ấm để tránh cảm lạnh đột ngột.

Không ủ ấm quá mức

Để chống lạnh, cha mẹ thường mặc cho trẻ rất nhiều quần áo. Đây là sai lầm, có thể sẽ gây thêm bệnh cho trẻ. Thân nhiệt của trẻ không giống như người lớn vì vậy bé sẽ cảm thấy nóng hoặc lạnh nhanh hơn. Nếu mặc quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, đầu, rồi thấm ngược lại dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi... Hơn nữa, việc ứ đọng mồ hôi trên da còn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về da, gây ngứa ngáy, khó chịu.

Tắm đúng cách

Vào những ngày lạnh giá, rất nhiều người không tắm cho con vì sợ bé bị cảm lạnh. Tuy nhiên, nếu không được tắm rửa sạch sẽ thì bé rất khó chịu, quấy khóc và chậm lớn. Vì vậy dù trời lạnh, bé cũng cần được tắm rửa sạch sẽ ít nhất 2 ngày/lần. Tránh tắm cho bé quá sớm hoặc quá muộn, cũng không tắm từ 11h - 13h. Thời gian lý tưởng nhất là từ 10h-10h30 hoặc từ 15-16h. Cũng lưu ý không nên pha nước tắm cho trẻ nóng quá. Nhiệt độ nước thích hợp cho trẻ tắm mùa đông là từ 33 độ C đến 36 độ C. Khi tắm cho trẻ cần tắm trong phòng kín gió, chỉ tắm tối đa trong thời gian từ 5-7 phút để tránh cảm lạnh.

Chăm sóc giấc ngủ

Trẻ nhỏ khi ngủ thường hay đạp tung chăn, hở chân, hở bụng... Điều này sẽ khiến cho bé bị lạnh bụng dẫn đến đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa... Vì vậy, trước khi trẻ đi ngủ nên cho trẻ mặc loại áo liền quần hoặc cho trẻ đắp chăn túi đề phòng trẻ bị nhiễm lạnh.

Vận động ngoài trời hợp lý

Trong mùa đông, trẻ chủ yếu ở trong phòng kín. Việc ở trong phòng lâu ngày khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn. Trẻ cần được vận động ngoài trời để tăng khả năng thích nghi với các yếu tố thời tiết, tăng sức đề kháng, phòng tránh được nhiều bệnh dễ lây nhiễm. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, cần được ra ngoài trời tắm nắng hàng ngày vào buổi sáng để hấp thụ vitamin D, phòng ngừa được bệnh còi xương. Thời điểm lý tưởng để cho trẻ ra ngoài đón nhận ánh nắng mặt trời vào mùa đông là vào khoảng 8h - 9h30h.

Ăn uống đủ chất

Để tăng sức đề kháng cho bé, cần xây dựng thực đơn với những nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin. Bữa ăn của trẻ phải được đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thêm nước cam, hoa quả, sữa chua; tăng cường thực phẩm chứa kẽm và selen - 2 vị chất có tác dụng nâng cao sức đề kháng, kích thích ăn uống, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất như: thịt bò, hàu sữa, đậu nành, giá đỗ, bí đỏ, lạc...

Lưu ý phòng bệnh cho bé

Trẻ cần được mặc ấm vừa đủ, quan trọng nhất là cần phải giữ ấm là cổ và tai. Hạn chế cho trẻ ra ngoài trời lạnh, nếu bắt buộc phải ra ngoài, phải cho trẻ mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người. Tránh cho trẻ đến nơi đông người, không thoáng khí.

Không để trẻ bị lạnh đột ngột, nếu đi ra ngoài lạnh cần mở cửa từ từ để trẻ thích nghi dần với nhiệt độ môi trường trước khi ra ngoài, tránh sốc nhiệt. Cha mẹ có thể phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ bằng dùng nước muối ấm nhỏ vào mũi và cho trẻ súc miệng hàng ngày. Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh cho trẻ với các bệnh đã có vaccine, trẻ cần được tiêm đầy đủ và đúng lịch các mũi phòng bệnh như: Cúm, sởi, ho gà, viêm phổi do phế cầu...