Giới trẻ hào hứng diễn kịch ứng tác

ANTD.VN - Thời gian gần đây, kịch ứng tác liên tiếp xuất hiện tại các sàn diễn Việt Nam nhưng phần lớn đều là các tác phẩm của nước ngoài hoặc một dự án nghệ thuật do đạo diễn quốc tế tới giảng dạy.

Nhắc đến kịch thì người ta vẫn thường nghĩ về những xấp kịch bản dày, về những người diễn viên đã luyện tập đến nhuần nhuyễn từng câu thoại. Thế nhưng, với kịch ứng tác thì khác, người xem sẽ có cơ hội trải nghiệm những giây phút mới lạ khi người biểu diễn ứng tác trên sân khấu mà không hề tuân theo bất cứ kịch bản sẵn có nào.

Giới trẻ hào hứng diễn kịch ứng tác ảnh 1Giới trẻ Việt thích thú với kịch ứng tác do thầy Quentin Delorme giảng dạy

Lớp học của thầy Quentin Delorme  

Do kịch ứng tác không bị lệ thuộc vào kịch bản, ít quy chuẩn với tính chất một sân chơi nên giới nghiệp dư cảm thấy hứng thú, dễ thích nghi. Mong muốn mang nghệ thuật kịch đến với tất cả mọi người, đạo diễn Quentin Delorme (Pháp) đã sử dụng thể loại này để tiếp cận với giới trẻ Việt Nam trong suốt 6 năm qua. Nhiều em nhỏ thích thú tham gia lớp đào tạo diễn kịch ứng tác cùng thầy Quentin Delorme. Khi tham gia vào khóa học này, các em đã được bồi dưỡng óc sáng tạo, tăng cường phản xạ và học cách kiểm soát cảm xúc cá nhân thông qua việc thể hiện bằng lăng kính của diễn viên. 

Thời gian qua, khán giả Thủ đô đã được thưởng thức nhiều vở diễn có sự tương tác giữa khán giả và diễn viên, hay giữa diễn viên với diễn viên tại Liên hoan Sân khấu Quốc tế thử nghiệm năm 2016. Điều thú vị của kịch ứng tác là cùng một tình huống được đưa ra nhưng mỗi buổi biểu diễn là một câu chuyện khác nhau khiến người xem khó đoán nhận được cái kết của tác phẩm. Tình tiết trong vở kịch phụ thuộc vào khả năng ứng đối, xử lý tình huống cũng như khả năng diễn xuất của diễn viên. 

Chính vì biên độ rộng mở của kịch ứng tác nên giới trẻ tỏ ra thích thú với thể loại kịch sân khấu này. Thậm chí, với các tác phẩm có sự tương tác giữa khán giả và diễn viên, người xem còn có quyền tham gia vào tiến trình của câu chuyện. So với việc diễn có kịch bản sẵn, nghệ sỹ tham gia vào các tác phẩm ứng tác không thể bó hẹp tư duy. 

Kéo khán giả đến nhà hát?

Nhiều người nghĩ kịch ứng tác là một thể loại mới của sân khấu thế giới được các đạo diễn nước ngoài du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, kịch ứng tác thực chất là gốc rễ của sân khấu thế giới và giới làm nghề Việt Nam không lạ gì thể loại tưởng như rất mới mẻ này. 

Thời kỳ ban đầu của sân khấu thế giới, các nghi lễ tế thần đã sản sinh ra các nghi lễ diễn xướng và từ đó, kịch bản dần dần được hình thành. Còn ở Việt Nam, ngay từ khi còn học trong trường, các sinh viên đã được làm quen với kịch ứng tác từ các tình huống, câu thoại được thầy cô “tung ra”. Nhưng sân khấu nước nhà lâu nay đã quá quen với việc dàn dựng các vở diễn cố định trong kịch bản. Diễn viên chỉ cần học thuộc lời thoại và kỹ năng diễn xuất thành thục là đã hoàn thành vai diễn. Còn các vở kịch ứng tác hầu như đều nằm ngoài đời sống hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân. 

NSND Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng: “Sở dĩ, kịch ứng tác không được các đoàn nghệ thuật, các nhà hát trong nước bắt tay vào dàn dựng là bởi một tác phẩm sân khấu trước khi ra mắt cần qua nhiều cấp kiểm duyệt về mặt nội dung. Nhưng kịch ứng tác lại hoàn toàn ngẫu hứng nên không thích hợp đối với tình hình sân khấu hiện nay”. 

Cũng có thể do điều này mà kịch ứng tác chỉ xuất hiện tại các khóa học diễn kịch, các liên hoan sân khấu quốc tế mà hiếm khi được các đạo diễn Việt Nam dàn dựng. Đạo diễn Anh Tú cũng thừa nhận chưa từng dựng kịch ứng tác dù đã có vài chục năm gắn bó với nghề. 

Nghệ sỹ trẻ Hoàng Tùng (Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam) chia sẻ, anh ủng hộ việc mở rộng biên độ cảm thụ dành cho khán giả. Sự xuất hiện của kịch ứng tác trên sàn diễn là điều cần thiết để thay đổi gu thưởng thức của người xem. Đặc biệt, trong bối cảnh sân khấu gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì cái mới và sự đa dạng sẽ là liệu pháp để lôi kéo khán giả đến với nhà hát.