Giới sử dụng lao động không muốn tăng lương tối thiểu trong năm 2015

ANTĐ -Đó là ý kiến được ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra khi trao đổi với báo chí sáng nay, 5-6.
Ông Phùng Quang Huy cho biết, trong năm 2014, Hội đồng Tiền lương Quốc gia có trách nhiệm giới thiệu phương án điều chỉnh lương tối thiểu năm 2005, dự kiến phải hoàn thiện và trình Chính phủ vào cuối năm nay. Với tư cách là một thành viên quan trọng trong Hội đồng tiền lương Quốc gia – đại diện cho phía người sử dụng lao động, VCCI đang tích cực tổ chức các cuộc khảo sát nhu cầu, đời sống công nhân, đánh giá khả năng chi trả của các doanh nghiệp, đồng thời phân tích tác động của điều chỉnh lương tối thiểu đến nền kinh tế vĩ mô…, từ đó nhất trí và đề xuất phương án điều chỉnh lương tối thiểu hợp lý, thuyết phục.
                              Giới sử dụng lao động không muốn tăng lương tối thiểu trong năm 2015 ảnh 1
    Điều chỉnh lương tối thiểu tác động mạnh đến cả doanh nghiệp và người lao động


Hiện tại, VCCI đang khảo sát đời sống, nhu cầu của công nhân và khả năng chi trả của doanh nghiệp theo cách làm từ dưới lên, nghĩa là tổng hợp số liệu từ các doanh nghiệp ở các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp ở cả 3 miền. Do nhiều khó khăn khách quan, chưa được đầu tư thích đáng nên việc khảo sát này mới ở giai đoạn đầu và có quy mô hạn hẹp. Tuy vậy, qua khảo sát đến thời điểm này, nhìn chung các doanh nghiệp trong nước hiện đều đang hết sức khó khăn, khả năng chi trả nếu điều chỉnh lương tối thiểu vào đầu năm tới là rất yếu ớt.

Ông Phùng Quang Huy cho biết, với tính hình thực tiễn như vậy, giới sử dụng lao động mong muốn đề xuất với Hội đồng tiền lương Quốc gia tạm thời không xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu trong năm 2015 tới, lùi thời hạn lộ trình tăng lương tối thiểu sang năm 2016. Trong trường hợp Chính phủ chỉ đạo bắt buộc vẫn phải điều chỉnh lương tối thiểu trong năm 2015 tới, mức điều chỉnh mà VCCI – đơn vị đại diện cho giới sử dụng lao động dự kiến đề xuất tối đã sẽ không tăng quá 12% so với năm nay. Con số này được đưa ra dựa trên cách tính lấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đất nước (GDP) cộng với chỉ số lạm phát. Theo đó, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước vào khoảng 5% thì tương đương lương tối thiểu sẽ điều chỉnh tăng 4,5% (GDP tăng 1% thì phải điều chỉnh lương tối thiểu tăng tương ứng là 0,9%). Tương tự, chỉ số lạm phát năm nay dự kiến vào khoảng 6%, lương tối thiểu sẽ điều chỉnh tương ứng khoảng 5%.

Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến của giới sử dụng lao động, còn từ phía người lao động, cơ quan bảo vệ người lao động là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam bao giờ cũng muốn lương tối thiểu được tăng cao để đời sống công nhân được đảm bảo, đỡ khó khăn hơn. Do đó, Hội đồng tiền lương Quốc gia phải là đơn vị có tiếng nói cuối cùng trong việc có quyết định phương án điều chỉnh lương tối thiểu vào năm tới.

Được biết, trong năm 2013, phía VCCI đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2014 vào khoảng 10%, trong khi phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu với mức tăng từ 21-36%. Kết quả sau khi thương lượng, cân đối giữa các phương án, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã trình Chính phủ thông qua phương án cuối cùng là điều chỉnh tăng lương tối thiểu năm 2014 lên 15-17% so với năm 2013, mức điều chỉnh này đã chính thức được áp dụng từ đầu năm nay.

Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Huyền Lê, Viện Khoa học lao động xã hội – Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu năm 2015 dự báo sẽ tác động mạnh đến khả năng chi trả cũng như hoạt động chung của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành dệt may, da dầy, thủy sản và các doanh nghiệp đang áp dụng thang, bảng lương của Nhà nước. Theo khảo sát, nếu lương tối thiểu năm 2015 được điều chỉnh tăng từ 10-24% sẽ làm tăng chi phí tiền lương doanh nghiệp từ 17-29% trong ngành da dày, khiến chi phí đầu vào tăng khoảng 7-8%. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn đến việc thu hẹp sản xuất.