Giới khoa học, trí thức: Đã đến lúc Hà Nội phải tính đến phát triển không gian ngầm ở nội thành

ANTD.VN - “Trên mặt đất không còn diện tích nữa nên bắt buộc chúng ta phải tính đến phát triển không gian ngầm, đặc biệt với đô thị lớn như Hà Nội…” – đó là ý kiến của một số nhà khoa học, kiến trúc sư góp ý với Thủ đô.

Quang cảnh hội nghị sáng 5-6

Sáng nay, 5-6, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến của đại diện văn nghệ sỹ, các nhà khoa học, trí thức, chức sắc tôn giáo của Thủ đô; Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng các Trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trên địa bàn Thành phố vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần XVII.

Chủ trì hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, đây là hội nghị thứ hai trong 10 hội nghị xin ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện đại hội mà thành phố sẽ tổ chức.

PGS.TS Bùi Thị An góp ý tại hội nghị

Cũng giống như hội nghị thứ nhất (lấy ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ), ở hội nghị sáng nay, đa số đại biểu là nhân sỹ, trí thức đều cho rằng, dự thảo báo cáo chính trị đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã được chuẩn bị công phu, chất lượng.

Góp ý vào từng nội dung cụ thể, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội cho rằng, trong dự thảo văn kiện nên tách phần xây dựng Đảng thành mục lớn riêng rẽ, vì xây dựng đảng là một trong những nội dung quan trọng nhất của đại hội.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Nguyễn Văn Ninh - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội… nhấn mạnh đến lợi thế vô cùng to lớn của Hà Nội là có hệ thống trường đại học, cao đẳng, trung tâm giáo dục đào tạo hàng đầu cả nước.

Vì thế, các đại biểu cho rằng Hà Nội cần phát triển mạnh hơn, tận dụng các tiềm năng sẵn có để trở thành trung tâm xuất khẩu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương và ra cả thế giới.

Ông Trần Danh Lợi góp ý về vấn đề phát triển hạ tầng giao thông và không gian ngầm đô thị

Một số đại biểu khác góp ý, dự thảo Báo cáo chính trị đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ Hà Nội cần làm toát lên khát vọng của Thủ đô, qua đó truyền đi thông điệp giúp thu hút đầu tư, “chiêu hiền đãi sĩ”.

Về quy hoạch kiến trúc và phát triển cơ sở hạ tầng, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho rằng, trong báo cáo chính trị của Đảng bộ thành phố cần lưu tâm giải pháp để giải quyết hai việc lớn của Thủ đô nhiều năm qua là ách tắc và ngập úng.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Trần Danh Lợi nhấn mạnh đến việc Hà Nội cần phát triển không gian ngầm trong tiến trình phát triển đô thị thông minh. “Trong nội thành, trên mặt đất không còn diện tích nữa rồi nên bắt buộc chúng ta phải tính đến công trình ngầm. Nên sớm hoàn thành quy hoạch, sau đó kêu gọi xã hội hóa để làm từng khu vực một” – vị chuyên gia này góp ý.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng góp ý dự thảo văn kiện cần có phần nội dung xứng đáng về phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội thanh lịch, văn minh; phát huy tinh thần hòa hợp, đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo…

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ kết luận hội nghị

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc tại hội nghị, đồng thời khẳng định sẽ chỉ đạo Tiểu ban Văn kiện tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ thành phố.

Theo Bí thư Thành ủy, rất nhiều ý kiến góp ý của giới trí thức, văn nghệ sĩ tại hội nghị hôm nay có thể “tiếp thu ngay được” để bổ sung sâu sắc hơn vào dự thảo văn kiện như: quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển và liên kết Vùng Thủ đô; bổ sung, chỉnh sửa Luật Thủ đô, vận hành chính quyền đô thị, phát triển đô thị thông minh; xây dựng Thủ đô thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo...

Riêng về các ý kiến góp ý liên quan đến phát triển nguồn nhân lực Thủ đô, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định, thành phố sẽ nghiên cứu cơ chế để khai thác “mỏ vàng” chất xám ở Hà Nội theo hướng thiết lập mạng lưới “Sáng kiến Thủ đô”.

Bí thư Thành ủy khẳng định, với mô hình đó, mỗi trường đại học, học viên ở Hà Nội sẽ đều là một trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của thành phố. Tất cả nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm trong giai đoạn mới.