Giới đầu cơ đang quay lại với bất động sản

ANTĐ - Theo thống kê của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản (TTBĐS) đã xuất hiện nhiều động lực tăng trưởng mới, với tỷ lệ giao dịch thành công tại Hà Nội và TP.HCM tăng hơn 2 lần, tồn kho giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. 
Giới đầu cơ đang quay lại với bất động sản ảnh 1

Thị trường bất động sản đã xuất hiện nhiều động lực tăng trưởng mới (Ảnh minh họa)

Vốn lớn đổ vào bất động sản

Ghi nhận thực tế cho thấy, dư nợ tín dụng BĐS từ ngân hàng tăng mạnh cùng với hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh BĐS thành lập mới. TTBĐS thu hút tới 8,8% tổng vốn FDI đăng ký mới và vốn cấp bổ sung, ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), các nước khu vực châu Âu và Hoa Kỳ.

Đặc biệt, TTBĐS đang và sẽ được hâm nóng nhanh hơn bởi làn sóng mua-bán, chuyển nhượng và chuyển đổi công năng, chủ sở hữu các dự án BĐS, trong đó có những dự án “khủng’ là các cảng biển, sân bay và đường cao tốc trị giá hàng trăm triệu, hàng tỷ USD (Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Nhà ga hành khách T1, sảnh E – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng Quảng Ninh…).

 Theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay, Bộ đã huy động 194 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào 68 dự án giao thông đường bộ; gần 8 tỷ USD (giá năm 2014) vào lĩnh vực cảng biển theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và xây dựng - chuyển giao (BT).

Bộ đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận kêu gọi Tập đoàn Rạng Đông đầu tư theo hình thức BOT khu hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết với tổng mức là 1.694 tỷ đồng; dự án này đã chính thức được khởi công; phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh kêu gọi xã hội hóa xây Cảng hàng không Quảng Ninh, đối tác là Tập đoàn Sun Group chấp nhận mức đầu tư 7.494 tỷ đồng, công trình sẽ khởi công trong thời gian tới.

Những tín hiệu tích cực mới trên TTBĐS có được là nhờ sự hội tụ của hàng loạt nguyên nhân: kinh tế vĩ mô ổn định; giá nhà, lãi suất huy động và cho vay giảm; nới lỏng điều kiện tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng; Nhà nước nới lỏng điều kiện mua-bán, sở hữu nhà, BĐS cho người nước ngoài; cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư, xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; bỏ quy định bắt buộc phải mua-bán qua sàn giao dịch bất động sản… 

Giá sẽ tăng nhẹ

Thị trường bất động sản trong năm 2015 sẽ tiếp tục diễn tiến thuận lợi hơn so với năm 2014, với thanh khoản tăng và giá sẽ không giảm, thậm chí sẽ tăng nhẹ, tập trung ở những khu vực có mức tăng trưởng kinh tế tốt, hạ tầng và môi trường sống thuận lợi. Phân khúc căn hộ trung cấp tại vị trí tốt sẽ thuận lợi hơn so với nhà xã hội ở khu vực xa trung tâm và thiếu tiện ích hạ tầng. Nguồn cung BĐS dồi dào và giới đầu cơ đang quay trở lại thị trường. Một cuộc đua mới, cạnh tranh gay gắt hơn với sự tham gia của ngày càng đông các nhà đầu tư nước ngoài thông qua liên danh liên kết, mua bán-sáp nhập.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn như: kinh tế vẫn chưa thực sự hồi phục, sức cầu còn yếu và niềm tin của người dân chưa cải thiện, nợ bất động sản lớn, chưa có nguồn vốn đầu tư lớn, bền vững và dài hạn… 

TTBĐS được hâm nóng sẽ đem lại nhiều xung lực tích cực cho môi trường và cơ hội đầu tư, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp, xây dựng và các dịch vụ liên quan, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động.

Công trình thuộc sở hữu của ai thì vai trò quản lý Nhà nước cũng không thay đổi. Thực tế cho thấy, cần siết chặt công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tại các dự án, các sàn giao dịch BĐS, nhằm ngăn chặn kịp thời việc thông tin không chính xác, bán nhà khi chưa đủ điều kiện, nâng giá bán qua các khâu trung gian, chênh lệch giá bất hợp lý, tình trạng “thổi” giá, đầu cơ lũng đoạn thị trường và tích tụ nợ xấu, gây thiệt hại cho người dân, tạo tình trạng “bong bóng” BĐS; đe dọa thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.

Việc nhượng quyền khai thác, quản lý các BĐS đặc biệt như sân bay, hải cảng và đường cao tốc… cần có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh và cơ chế giám sát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng chuyển từ độc quyền Nhà nước sang độc quyền tư nhân; bảo đảm hài hòa các lợi ích, trong đó đề cao mục tiêu bảo đảm an ninh quốc gia; phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả hiện tượng doanh nghiệp được quyền khai thác chèn ép các doanh nghiệp thuê lại; đảm bảo hoạt động vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng một cách liên tục, an toàn. Tất cả các tổ chức, cá nhân được tiếp cận, cung cấp dịch vụ một cách công bằng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh với giá cả hợp lý.