“Gió bụi đường hoa” của một “sứ thần”

ANTĐ - Tôi vẫn thường thấy tên ông trên những đầu  sách của Bộ Ngoại giao, lại cũng được nghe các vị lão thành cách mạng nhắc đến cái tên Lưu Văn Lợi với tình cảm thân thiết về những tháng ngày họ đã gắn bó từ thuở hoa niên trong nhóm văn hoá cứu quốc. Tôi băn khoăn tự hỏi: “Cơ duyên nào đã đưa ông từ mặt trận văn hoá sang mặt trận ngoại giao đầy gian khổ mà vinh quang?”.    

Đại tá Lưu Văn Lợi (trái) trong Hội nghị quân sự bốn bên (1973)

Từ mặt trận văn hóa

Sớm phải chịu cảnh mồ côi cả cha và mẹ trước khi cắp sách tới trường, Lưu Văn Lợi lớn lên trong tình thương yêu đùm bọc của các anh chị. Tuổi niên thiếu, ông gắn bó với đất cảng Hải Phòng, và trường Trung học Bonal. Yêu quý cậu học trò nghèo thông minh, thầy giáo Nguyễn Hũu Tảo, (con của Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu, người tham gia phong trào Đông kinh Nghĩa thục) gọi Lưu Văn Lợi đến ở với thầy. Và cũng chính những bài giảng của thầy đã khai mở  bao điều mới mẻ về tự do, dân chủ, bồi đắp tinh thần yêu nước cho Lưu Văn Lợi. Năm 1932, tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học, Lưu Văn Lợi bắt đầu cuộc đời của anh công chức nhà Đoan. Lương cao, vợ con yên ấm, nhưng lòng luôn nhói đau:  “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Và phải đến khi làm công chức  tại Chi cục của nhà Đoan ở Phúc Yên, ông mới xác định được mục tiêu và con đường mình phải đi. Những kinh nghiệm đã từng hoạt động truyền bá quốc ngữ cùng với một số văn nghệ sĩ như nhà thơ Lan Sơn, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Hoàng Quý, Văn Cao, nhà giáo Nguyễn Công Mỹ, nhà tư sản dân tộc Nguyễn Sơn Hà… từ năm 1939 ở Hải phòng  được ông vận dụng đưa vào phong trào truyền bá quốc ngữ ở Phúc Yên năm 1943.

Ngọn gió của cách mạng đã thổi tới khi ông gặp đồng chí Mười Hương (tức Ban) đang làm công tác đội của Trung ương, cơ quan đóng ở Phúc Yên. Năm 1944, ông được tuyên truyền về Việt Minh, về Đề cương văn hoá Việt Nam và tổ chức Văn hoá cứu quốc (VHCQ). Ông hăng say đi trên con đường mới. Năm 1945, ông chuyển về Hà Nội, lại vẫn làm ở nhà Đoan; nhưng đó chỉ là vỏ bọc an toàn cho ông và các bạn chí thân như Nguyễn Huy Tưởng, dễ dàng hoạt động cách mạng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, ông cùng Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Hữu Đang làm tờ Tiên phong, cơ quan ngôn luận của Hội VHCQ. 

Sau khởi nghĩa, tháng 8-1945, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kiểm duyệt Bắc bộ. Tháng 9-1945, theo chỉ thị của chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhóm biên soạn gồm Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu và ông làm nhiệm vụ sưu tầm và biên soạn gấp cuốn sách bằng tiếng Pháp vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Tháng 11-1945, cuốn sách ra đời dưới danh nghĩa của Hội VHCQ, với tên “Bằng chứng và tư liệu Pháp về chính sách thực dân của Pháp ở Việt Nam”. Ông vui vẻ khoe: “Đây là cuốn sách ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, bản dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt được hội VHCQ xuất bản dưới tiều đề “Tám mươi năm tội ác”. 

Năm 1955, ông được giao tổ chức làm một tờ báo tiếng Pháp, lấy tên là La République (Cộng hoà) làm công cụ tuyên truyền đối ngoại. Vừa là chủ nhiệm vừa là chủ bút, ông tập hợp các nhân sĩ trí thức có tiếng làm cộng tác viên: Cụ Nguyễn Văn Tố, ông Nguyễn Khánh Toàn, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, ba người bạn Đức rất yêu Việt Nam: Ernts Frey (tức Nguyễn Dân); Erwin Borchers (tức Chiến Sĩ), Shoeroder (tức Lê Đức Nhân). Là tờ báo tiếng Pháp duy nhất của chính quyền dân chủ nhân dân, La République nhanh chóng trở thành mối dây liên lạc giữa đảng viên Đảng xã hội Pháp ở Hà Nội và nhóm văn hoá mác xít của những người Pháp tiến bộ ở Sài Gòn, đem tiếng nói của nhà nước cách mạng đến với trí thức nước ngoài, trước hết là trí thức Pháp và Pháp kiều. 

Toàn cảnh Hội nghị Paris năm 1973

Đến duyên nghiệp ngoại giao

Ông gọi vui cái nghiệp ngoại giao là sứ thần của đất nước trong thời đại Hồ Chí Minh, cũng tựa như Mạc Đĩnh Chi và các sứ thần thời xưa đi “sứ” Trung Hoa  vậy. Ông  bảo: “Tôi cũng không ngờ đang làm anh cán bộ báo chí, xuất bản lại chuyển sang anh cán bộ ngoại giao rồi gắn bó, vui buồn với nghiệp này”. Ấy là năm 1950, khi sáp nhập NXB Vệ quốc quân và Quân du kích, ông được cử làm Giám đốc NXB QĐND và thư ký toà soạn báo Quân đội nhân dân. Điện Biên Phủ toàn thắng, do thông thạo tiếng Pháp, ông  được Tổng quân ủy giao nhiệm vụ đi tiếp nhận thương binh do Pháp trao trả. 

Với bí danh “Thiếu tá Nguyễn Văn Lê”, ông Đại diện cho phía QĐND Việt Nam làm việc với phía Pháp, Thiếu tá James về những vấn đề liên quan đến việc trao thương bệnh binh cho phía Việt Nam. Kết quả của lần thương thuyết đầu tiên đã đưa ông tới cuộc thương thuyết khác ở Trung Giã (nay thuộc Sóc Sơn) bàn về việc chọn địa điểm, thành phần đại biểu, thời gian khai mạc hội nghị quân sự để thống nhất về các điều khoản ngừng bắn trên các chiến trường Đông Dương. Từ đây, ông thực sự bước sang mặt trận mới - mặt trận ngoại giao, đấu tranh với địch trên bàn hội nghị suốt 50 năm mà ông gọi là “Gió bụi đường hoa”.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan, người thường xuyên làm việc với ông đã viết: “Ở Bộ, anh là người giỏi tiếng Pháp vào bậc nhất mặc dù trong Bộ không thiếu những nhà trí thức đã từng đỗ đạt cao, kể cả tại các trường nổi tiếng bên Pháp, mọi văn bản phát hành bằng tiếng Pháp, nhất thiết phải qua tay anh hiệu đính”.

Uyên bác, lịch lãm, nắm chắc những kiến thức liên ngành và chuyên ngành, kể cả Luật quốc tế, ông luôn được anh em tin cậy là người thẩm định cuối cùng các văn bản ngoại giao. Đồng nghiệp bái phục gọi ông là “từ điển sống của Bộ ngoại giao”. Và “Con đường hoa” mà ông đặt tên là con đường đầy gian khổ để giữ vững độc lập chủ quyền dân tộc trên mặt trận không tiếng súng.

Từ 13-5-1968, cuộc đàm phán Việt-Mỹ bắt đầu. Đây cũng là thời kỳ ông đem tất cả tài trí đang ở độ chín vào cuộc đấu trí căng thẳng nhất, kéo dài nhất, gay go nhất trong lịch sử đấu tranh ngoại giao của dân tộc ta. Mỗi phiên họp là một cuộc đấu tranh từng từ, từng câu để giành chủ quyền dân tộc. Chức “cố vấn pháp lý của đoàn Việt Nam” của ông mà đồng chí Lê Đức Thọ giới thiệu với đoàn Mỹ tại hội nghị Paris chỉ bắt đầu khi ta đưa dự thảo hiệp định cho Kissingger  vào tháng 10-1972 để hợp thức hoá việc ông xuất hiện công khai trong đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 8-10-1972, phái đoàn Việt Nam đưa cho Mỹ bản dự thảo Hiệp định với những điều khoản yêu cầu Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam. Lúc đầu, bản dự thảo được các bên nhất trí nhưng đến ngày 22-10-1972 phía Mỹ lật lọng viện dẫn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đòi sửa đổi bản dự thảo. Tiếp đó, Mỹ đã dùng biện pháp thương lượng trên thế mạnh, mở chiến dịch không kích, huỷ diệt Hà Nội-Hải Phòng, ép ta chấp nhận những điều kiện có lợi cho chúng. Vừa đánh vừa đàm, hơn lúc nào hết, bàn hội nghị đã trở thành mặt trận nóng bỏng. 

Nhớ lại những ngày tháng này, ông Lưu Văn Lợi kể: “Trong quá trình thảo luận, có lúc Kissinger phàn nàn chuyên viên của ta đã nêu 17 vấn đề trong đó có nhiều vấn đề ông ta và đồng chí Lê Đức Thọ đã thoả thuận xong rồi. Nhiều lần ông ta khó chịu, đả kích tôi: “Hoa Kỳ không có chuyên viên đủ sức tế nhị như ông Lợi”. Quá trình đấu tranh để giữ vững những quan điểm cơ bản đã nêu ra 9 điểm trong bản dự thảo, buộc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris ngày 27-1- 1973, có một phần đóng góp của “cố vấn pháp lý của đoàn Việt Nam” Lưu Văn Lợi, cứng rắn về nguyên tắc giữ vững chủ quyền và mềm dẻo, tinh tế trong hội đàm. 

Từ hội viên Hội Văn hóa cứu quốc, làm anh bộ đội Cụ Hồ thời chống Pháp rồi trở thành nhà ngoại giao xuất sắc suốt 20 năm chống Mỹ, sau đó, làm Trưởng ban Biên giới của Chính phủ khi đã ở tuổi 72 - đấu tranh giữ vững từng tấc đất - biển - trời của Tổ quốc, con đường ông đi là con đường của một trí tuệ uyên bác  và một nhân cách của người cán bộ cách mạng, phấn đấu suốt đời theo lý tưởng cao đẹp cho độc lập dân tộc.  

Ở tuổi bách niên, ông tự sự: “Lăn lộn  trọn đời đất ngoại giao/Việt Nam hai chữ nặng làm sao/Quốc uy vĩnh cửu giương không mỏi/Lãnh thổ ngàn xưa giữ chẳng hao/Kết bạn gần xa đâu có quản/Đánh thù lớn nhỏ dạ không nao/Thăng trầm thế sự xin cho gác/Một chút tâm nhàn ước chẳng cao”.