Giết người hay vượt quá giới hạn phòng vệ khi đâm chết người vì bị tấn công

ANTD.VN - Phạm Danh B. (SN 1995) và bạn rủ nhau đi đánh bi-a. Trong lúc chơi B. có mâu thuẫn với Đinh Văn H. (SN 1993) ở bàn bên cạnh. B. và H. đã có lời qua tiếng lại dẫn đến to tiếng và định đánh nhau. 

Do được mọi người can ngăn nên B. và bạn ra về. Một lát sau, B. xuống bếp lấy một con dao Thái Lan (loại dao nhỏ, nhọn để dùng gọt hoa quả) và đi ra ngoài. Các bạn ở nhà thấy B. đi lâu về nên lấy xe máy đi tìm. Khi đến ngã ba đường gần nhà thì thấy B. đứng ở đó. Đúng lúc này Đinh Văn H. và bạn mình đi qua. Nhìn thấy B., H. nói với các bạn là: “Bọn kia vừa mới gây sự với tao ở bàn bi-a, bây giờ qua xem mặt chúng nó ra sao”.

Nói xong H. đi trước, các bạn của H. theo sau. Khi vừa đi đến chỗ B. đứng thì H. và B. to tiếng với nhau. H. cầm cổ áo đấm vào mắt B. và kéo xuống làm B. bị ngã. H. rút một vật nhọn dài chừng 30-40cm màu đen trong người đâm sướt vai phải của B.

Lúc đó, B. liền dùng dao giấu sẵn trong người ra đâm H. một nhát vào mạn sườn bên trái làm H. gục xuống. Bạn của H. đứng gần đó thấy vậy cầm gậy đuổi đánh B. khiến B. quăng dao bỏ chạy. Sau đó các bạn đưa H. đi cấp cứu nhưng H. đã tử vong do vết thương trúng vào chỗ hiểm. 

Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là Phạm Danh B. phạm tội gì?

Giết người hay vượt quá giới hạn phòng vệ khi đâm chết người vì bị tấn công ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh 

Trong trường hợp này Phạm Danh B. đã phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 125, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo quy định của pháp luật, giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó. Có thể thấy Đinh Văn H. đã có những hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với B. Cụ thể H. đã cầm cổ áo đấm vào mắt B. và kéo xuống làm B. bị ngã. H. còn rút một vật nhọn dài chừng 30-40cm màu đen trong người đâm sướt vai phải của B. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc B. đã có hành động đâm H. Do đó, B. đã phạm tội giết người trong trạng thái bị kích động mạnh. 

Đỗ Lan Thu (Hưng Hà - Thái Bình)

Phạm tội giết người 

Tính mạng, sức khỏe của mỗi con người luôn được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng đều sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất. Chỉ xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, Phạm Danh B. đã có hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác. Điều này thể hiện ở việc sau khi gây mâu thuẫn với Đinh Văn H., B. đã về nhà chuẩn bị một con dao Thái Lan rồi sau đó đi ra đường. Mục đích mang dao theo người của B. là để nếu gặp H. thì sẽ trả thù. Như vậy hành vi giết người của B. là đã có sự chuẩn bị, tính toán từ trước. Vì vậy, B. đã phạm tội giết người theo Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nguyễn Đình Hùng (Quỳnh Lưu - Nghệ An)

Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Căn cứ theo nội dung vụ việc có thể thấy, Phạm Danh B. đã đâm Đinh Văn H. khi H. có hành động tấn công B. trước. H. có hành vi nghiêm trọng đó là dùng một vật nhọn dài chừng 30-40cm màu đen trong người đâm sướt vai phải của B. Việc H. tấn công B. một cách quyết liệt và có thể ảnh hưởng tới tính mạng của B., như vậy B. hoàn toàn có quyền được phòng vệ. Tuy nhiên, thay vì phòng vệ một cách phù hợp thì B. đã phòng vệ vượt quá giới hạn, đó là sử dụng dao để đâm lại H. Điều này đã dẫn tới cái chết của H. Do đó cần phải xử lý B. về hành vi giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 126, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đinh Quốc Trung (Quy Nhơn - Bình Định)

Bình luận của luật sư

Trên thực tế cũng như trong cấu thành tội phạm của một số tội có các dấu hiệu hành vi khách quan tương tự nhau, ranh giới để phân biệt tội này hay tội kia, có tội và không có tội gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc định tội danh giữa các tội phạm đó hay xem xét giữa trường hợp có tội hay không có tội và đặc biệt trong những trường hợp cụ thể cần phải được thực hiện và xem xét một cách khách quan, toàn diện và chỉ ra những đặc điểm phân biệt mới đảm bảo xác định chính xác tội danh được. 

Về hành vi của Phạm Danh B., chúng tôi cho rằng B. không phạm tội giết người theo Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi lẽ, giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Tuy nhiên, ở đây B tước đoạt tính mạng của nạn nhân trong trường hợp nạn nhân có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng: Khi vừa đi đến chỗ B., Đinh Văn H. đã cầm cổ áo đấm vào mắt B. và kéo xuống làm B. bị ngã, đồng thời H. rút một vật nhọn dài chừng 30-40cm màu đen trong người đâm sướt vai phải của H. Như vậy, xuất phát từ hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân mà B. đã có hành vi chống trả bằng cách rút dao trong người đâm H. một nhát vào mạn sườn bên trái làm H. gục xuống.

Cũng không thể cho rằng Phạm Danh B. phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 125, Bộ luật Hình sự năm 2015 được. Bởi lẽ, giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là trường hợp người phạm tội giết nạn nhân trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân, nhưng hành vi trái pháp luật nghiêm trọng này của nạn nhân đã kết thúc (trong trường hợp hành vi trái pháp luật nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe). Đây là dấu hiệu để phân biệt tội này với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Cụ thể, ở hai tội nạn nhân đều có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, nhưng ở tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì hành vi trái pháp luật đang xảy ra nhưng chưa kết thúc, còn ở tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đã kết thúc. 

Căn cứ theo nội dung vụ việc, theo chúng tôi hành vi của Phạm Danh B. thỏa mãn dấu hiệu trong cấu thành tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Theo đó, tội phạm thể hiện bằng hành vi cố ý tước đoạt tính mạng người đang có hành vi xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác một cách quá mức cần thiết (hay không cần thiết). Do đó, việc xác định các dấu hiệu cơ bản của tội phạm này nhất thiết phải căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự quy định về phòng vệ chính đáng. Bởi lẽ, không có phòng vệ chính đáng thì không có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 126, Bộ luật Hình sự năm 2015. Điều 22, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”. Như vậy, mục đích của người có hành vi phòng vệ chính đáng là nhằm bảo vệ các lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, đồng thời chống trả lại một cách cần thiết cho chính người có hành vi tấn công, và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có nghĩa sự chống trả một cách quá mức cần thiết (hay không cần thiết).

Đối chiếu với nội dung vụ án hành vi của Phạm Danh B. thỏa mãn các dấu hiệu của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng về chính đáng. Bởi lẽ:

- Thứ nhất, hành vi tấn công đang xâm hại lợi ích hợp pháp - cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Xuất phát từ hành vi tấn công thì làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng và nếu không có hành vi tấn công xâm hại các lợi ích hợp pháp thì không có phòng vệ chính đáng. Ở đây, hành vi của H. tấn công B. (đấm, đâm) vẫn đang xảy ra và chưa kết thúc. Hành vi của H. đang trực tiếp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của B., thì B. buộc lòng phải chống trả (chống đỡ) hành vi trái pháp luật đó nên khẳng định - có cơ sở để phát sinh quyền phòng vệ chính đáng của B.

- Thứ hai, hành vi tấn công phải có thật và đang diễn ra chứ không phải do suy đoán tưởng tượng. Sự tấn công phải có thật, có nghĩa là sự xâm hại đối với những lợi ích được pháp luật bảo vệ đang gây thiệt hại thực sự hoặc đe dọa ngay tức khắc cho những lợi ích hợp pháp cần được pháp luật bảo vệ. Đối chiếu với nội dung vụ án cho thấy, H. đã chủ động tấn công B. đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của B. (giả sử nếu H. đâm không phải sướt vai B. thì khó mà lường trước được điều gì xảy ra, nhất là vật nhọn màu đen dài 30-40cm và khoảng cách giữa hai người tương đối gần nhau).

- Thứ ba, phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công mà còn có thể phải gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công. Luật hình sự nước ta quy định hành vi phòng vệ phải gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công chứ không được gây thiệt hại cho lợi ích của người khác. Quy định này xuất phát từ mục đích của phòng vệ chính đáng, muốn ngăn chặn được sự tấn công bảo vệ được lợi ích hợp pháp người có hành vi phòng vệ phải hướng sự chống trả của mình vào việc gây thiệt hại cho người đang có hành vi tấn công. Có như vậy nguồn gốc làm phát sinh hành vi tấn công xâm hại lợi ích hợp pháp mới bị loại trừ tận gốc. Do đó, hành vi chống trả (phản ứng) của B., hành vi rút dao đâm H., tước đoạt mạng sống của H. thỏa mãn điều kiện thứ ba - gạt bỏ sự tấn công và chống trả lại chính người đang có hành vi tấn công mình, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình vì lúc đó H. đang dùng vật nhọn đâm mình và cố ý đâm nhưng may là trượt và không có thể khẳng định trước rằng H. sẽ không tiếp tục tấn công (đâm) tiếp hay không.

Như vậy, ở đây đánh giá, xem xét hành vi phòng vệ của B. (rút dao đâm H. một cái vào mạn sườn bên trái) có thực sự “cần thiết” hay “vượt quá mức cần thiết” không? Theo chúng tôi, với nội dung vụ án như vậy, hành vi phòng vệ của B. là “vượt quá mức cần thiết”. Bởi lẽ, đánh giá, xem xét toàn bộ một chuỗi (diễn biến) các sự việc trong vụ án cho thấy hành vi của B. chống trả rõ ràng là quá đáng, cụ thể là quá quyết liệt và rất nguy hiểm và điều dễ tưởng như B. chỉ chờ cơ hội nếu bị H. tấn công trước là mình ra tay (tấn công) lại ngay, vượt quá yêu cầu cần thiết vì lúc đó B. có thể lựa chọn giải pháp khác, đồng thời còn hai người bạn của B. có thể sẽ đến ngay để ứng cứu hoặc can ra để ngăn chặn xô xát. Như vậy, theo chúng tôi hành vi của Phạm Danh B. thỏa mãn các dấu hiệu của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng Luật sư Sơn Phạm)