Giết người hay cố ý gây thương tích?

ANTĐ - Ngày 6-3, bạn gái của Lâm Quang Thiện (18 tuổi) và em gái Trịnh Công Đạt (21 tuổi) xảy ra mâu thuẫn trên Facebook. Bênh bạn, Thiện hẹn nhóm Đạt ra gặp mặt để  “nói chuyện”. 

Giết người hay cố ý gây thương tích? ảnh 1

Ảnh: internet

Nội dung vụ án

Thiện rủ nhiều bạn, trong đó có Tuấn Anh và Nam “Mini” mang theo 3 mã tấu tự chế đến điểm hẹn tìm đối thủ. Do không thấy Đạt đâu, Nam “Mini” gây sự, đánh Võ Gia Phong (16 tuổi) đang đứng tại đây. Bực tức, Phong chạy về quán Internet rủ Bùi Hoàng Thiên Phương  và Nguyễn Văn Phong (18 tuổi) đi tìm đối thủ trả thù. Do cũng có quen biết với Đạt nên cả bọn nhập hội, cùng kéo nhau đi trả thù.

Sau khi hai bên giáp mặt, Tuấn Anh cùng 3 người khác cầm mã tấu đuổi chém nhóm của Đạt. Bị truy sát, Đạt và các bạn chạy tán loạn. Bùi Hoàng Thiên Phương không tránh kịp, bị chém đứt lìa một bàn tay và ngã chấn thương sọ não. Phong cũng bị thương bởi nhiều nhát dao. Sau 8 ngày điều trị, Bùi Hoàng Thiên Phương đã tử vong tại bệnh viện. Cơ quan công an sau đó đã truy bắt được nhóm hung thủ chém Phương và Phong.

Vấn đề cần trao đổi hành vi của nhóm đối tượng đã chém Phương và Phong sẽ bị xử lý theo Tội cố ý gây thương tích hay Tội giết người?

 Ý kiến bạn đọc 

Các đối tượng phạm tội cố ý gây thương tích
Trong vụ việc này nhóm của Lâm Quang Thiện chỉ phạm Tội cố ý gây thương tích. Bởi trên thực tế nếu muốn tước đoạt sinh mạng của Bùi Hoàng Thiên Phương thì nhóm của Thiện sẽ phải tấn công vào những nơi xung yếu trên cơ thể của nạn nhân như: vùng đầu, vùng ngực, vùng cổ, vùng bụng…

Tuy nhiên, thực tế các đối tượng chỉ dùng dao chém vào tay là nơi được coi là không xung yếu trên cơ thể, hành vi đó chỉ nên coi là hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe mà không phải là hành vi giết người.

Nguyên nhân trực tiếp khiến cho nạn nhân Bùi Hoàng Thiên Phương bị chết là do bị ngã chấn thương sọ não chứ không phải việc bị các đối tượng trong nhóm của Thiện chém đứt lìa bàn tay. Việc nhóm của Thiện chém đứt tay của nạn nhân tuy nghiêm trọng nhưng không nhằm tước đi sinh mạng của nạn nhân, do đó chỉ có thể xử lý các đối tượng này về hành vi cố ý gây thương tích.
                                                 Vũ Anh Tuấn (Nam Từ Liêm - Hà Nội)

Phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người
Tôi cho rằng cố ý gây thương tích là hành vi của một người cố ý làm cho người khác bị thương. Về hình thức thì hành vi cố ý gây thương tích cũng giống như hành vi giết người nhưng tính chất nguy hiểm thấp hơn, chỉ cố ý làm cho nạn nhân bị thương chứ không muốn tước đoạt sinh mạng nạn nhân.

Trong vụ việc này căn cứ vào hành vi phạm tội và công cụ thực hiện tội phạm của các đối tượng trong nhóm Thiện có thể thấy công cụ, phương tiện được sử dụng là nguy hiểm (mã tấu tự chế) nhưng vị trí tấn công trên cơ thể nạn nhân lại không phải là vùng xung yếu (bàn tay). Cái chết của nạn nhân Bùi Hoàng Thiên Phương nằm ngoài ý muốn của các đối tượng này (do bị ngã chấn thương sọ não).

Do đó chỉ có thể xử lý các đối tượng về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo khoản 3, Điều 104, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên trên thực tế còn phải xem xét, căn cứ vào các chứng cứ khác được thu thập từ giai đoạn điều tra vụ án của cơ quan điều tra mới có thể định đúng người đúng tội theo quy định của pháp luật.
                                                      Đỗ Thị Hà (Đông Hưng - Thái Bình)


Các đối tượng đã phạm tội giết người
Lâm Quang Thiện cùng Tuấn Anh và Nam  “Mini” mang theo 3 mã tấu tự chế đến điểm hẹn tìm đối thủ để “nói chuyện”, rõ ràng những đối tượng này đã biết rõ hành vi của mình có thể sẽ tước đoạt mạng sống của người khác. Tôi cho rằng, lúc đó ý thức chủ quan của Thiện và đồng bọn là muốn gây hậu quả chết người với nhóm của Đạt.

Hành vi này được thể hiện bằng cách nhóm của Thiện đã chuẩn bị phương tiện thực hiện tội phạm là những vũ khí hết sức nguy hiểm. Việc Thiện và đồng bọn dùng vũ khí này để chém Phương và Phong và khiến 2 nạn nhân này bị thương tích nặng là hành vi cố ý để mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Như vậy, theo tôi đã có đủ căn cứ để xử lý các đối tượng này về tội giết người theo Điều 93, Bộ luật Hình sự.
                                                   Phạm Hải Hoàn (Ân Thi - Hưng Yên)

 Bình luận của luật sư 

Điều 19, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. 
Quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hành vi của các đối tượng trong vụ việc này thể hiện sự côn đồ, hung hãn, coi thường tính mạng người khác. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ giữa bạn gái của Lâm Quang Thiện (18 tuổi) và em gái Trịnh Công Đạt (21 tuổi), không liên quan đến mình mà các đối tượng Thiện đã rủ nhiều bạn trong đó có Tuấn Anh, Nam “Mini” chuẩn bị 3 mã tấu tự chế để đi tìm đánh Đạt và dẫn đến hai bên đánh nhau làm anh Phương bị tử vong, Phong bị thương tích.

Các đối tượng Lâm Quang Thiện, Tuấn Anh, Nam “Mini” và một số đối tương khác buộc phải nhận thức mang 3 mã tấu đi đánh nhau là loại hung khí rất nguy hiểm đến tính mạng khi tác động vào người khác. Hành vi chuẩn bị 3 mã tấu đã thể hiện ý thức chủ quan coi thường tính mạng người khác. Các đối tượng đã dùng hung khí chém anh Bùi Hoàng Thiên Phương đứt lìa một bộ phận cơ thể làm anh Phương ngã chấn thương sọ não. Nguyễn Văn Phương cũng bị thương bởi nhiều nhát dao.

Trong trường hợp, nếu đối tượng dùng mã tấu chém đứt bàn tay nạn nhân và sau đó nạn nhân bị ngã chấn thương sọ não tử vong thì các đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm về tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp. Bởi lẽ, hành vi chém đứt tay nạn nhân và bị ngã chấn thương sọ não dẫn đến tử vong có mối quan hệ nhân quả.

Hậu quả chết người xảy ra thì các đối tượng phải chịu trách nhiệm tương ứng về tội giết người. Phương không chết là ngoài ý muốn chủ quan của các đối tượng. Do vậy, các đối tượng phải chịu trách nhiệm chung về tội giết người chưa đạt theo Điều 18, Bộ luật Hình sự (Phạm tội chưa đạt) đối với hành vi chém Phong.

Điều 18. Phạm tội chưa đạt 
Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Các đối tượng gây án trong vụ việc này đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm về tội giết người theo Điều 93, Bộ luật Hình sự như sau:
- Mặt khách thể của tội phạm: xâm phạm quyền sống của con người. Đối tượng tác động là thân thể con người đang sống.

- Mặt khách quan của tội phạm: hành vi thực hiện giết người thể hiện các đối tượng đã sử dụng 3 mã tấu liên tiếp vào Bùi Hoàng Thiên Phương, Nguyễn Văn Phong. Hậu quả anh Phương bị chém mất 1 bộ phận trên cơ thể nạn nhân đó là một bàn tay bị chém đứt lìa dẫn tới bị ngã chấn thương sọ não. Sau 8 ngày điều trị thì nạn nhân tử vong. Anh Phong bị chém nhiều nhát nhưng không chết mà chỉ bị thương tích.

- Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của các đối tượng trong vụ việc này là lỗi cố ý gián tiếp. Các đối tượng nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

- Mặt chủ thể của tội phạm: Các đối tượng từ đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Đây là một vụ án có nhiều đối tượng tham gia. Các đối tượng trong vụ án này phạm tội với vai trò đồng phạm giản đơn. Đối tượng Lâm Quang Thiện giữ vai trò chính là người chủ mưu, nguyên nhân phát sinh vụ việc. Đối tượng Đỗ Tuấn Anh là người thực hành tích cực, là người trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân, Nam “Mini” là người chuẩn bị hung khí. Các đối tượng khác tham gia đi cùng đều phải chịu trách nhiệm chung về đồng phạm giúp sức tùy theo tính chất mức độ tham gia…

Hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ việc này đã phạm tội giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, n khoản 1, Điều 93, Bộ luật Hình sự.

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;n) Có tính chất côn đồ;
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, (Văn phòng luật Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)