Giết mổ thủ công “diệt” hiện đại

ANTĐ - Trong khi các tỉnh phía Nam kiểm soát được gần 90% lượng gia súc, gia cầm (GSGC) qua giết mổ thì tại phía Bắc, tỷ lệ này chỉ đạt 8%. Giết mổ thủ công, nhỏ lẻ vẫn hoành hành, đè chết các điểm giết mổ tập trung, hiện đại là thực trạng đang diễn ra tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hiện nay. 

Giết mổ công nghiệp điêu đứng...

92% gia súc gia cầm không được kiểm soát

Cục Thú y cho biết, hiện, cả nước có tới hơn 28.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ, trong đó riêng tại 12 tỉnh, thành phía Bắc đã có hơn 11.000 điểm. Với số lượng điểm giết mổ nhỏ lẻ nhiều và phân bố rải rác khắp các khu dân cư đặc biệt là ở khu vực ven đô và vùng nông thôn, lực lượng cán bộ thú y gặp nhiều khó khăn khi thực hiện kiểm soát giết mổ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương ở một số nơi buông lỏng quản lý, chưa tổ chức chỉ đạo quyết liệt, xử lý các trường hợp vi phạm. Do vậy, tư thương đã lợi dụng, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm lậu, chết, bị bệnh làm lây lan dịch bệnh động vật ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. 

Giết mổ GSGC nhỏ lẻ không đảm bảo yêu cầu VSATTP đã và đang diễn ra phổ biến tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc, cụ thể là giết mổ thực hiện dưới nền nhà, nền sân, trang thiết bị phục vụ giết mổ không đảm bảo yêu cầu, phần lớn các cơ sở giết mổ được xây dựng không đồng bộ. Giết mổ ngay cạnh sông, xả trực tiếp chất thải xuống sông gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và sử dụng ngay nước sông đó để rửa thịt trong quá trình giết mổ.

Hiện nay, việc vận chuyển thịt GSGC ở 12 tỉnh, thành phía Bắc đi tiêu thụ chủ yếu sử dụng xe gắn máy không đảm bảo yêu cầu VSATTP. “Việc vận chuyển thịt GSGC bằng phương tiện thô sơ, không được bao gói, không đảm bảo VSATTP trong nhiều năm qua tại các tỉnh, thành đã gây khó khăn cho công tác quản lý, bức xúc trong dư luận xã hội và mất mỹ quan đô thị”, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá. 

Cũng bởi sự chậm trễ, sự vào cuộc thiếu quyết liệt của các địa phương mà đến nay, khu  vực phía Bắc chỉ có 8% lượng GSGC giết mổ được kiểm soát, còn lại 92% bị buông lỏng về VSATTP, về dịch bệnh. Nhận định về thực trạng này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, công tác quy hoạch giết mổ tại các tỉnh phía Bắc làm rất chậm, đến nay mới chỉ có 37/63 tỉnh, thành phê duyệt quy hoạch. “GSGC giết mổ rồi, vận chuyển vi phạm công khai và bày bán ở chợ chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo VSATTP cũng công khai nhưng không bị xử lý”, Phó Thủ tướng đánh giá. 

...trong khi giết mổ thủ công, mất vệ sinh nhộn nhịp

Không thể kéo dài vi phạm

Trên địa bàn TP hiện đã xây dựng 18 cơ sở giết mổ GSGC tập trung, đảm bảo các điều kiện VSATTP. Tuy nhiên, các cơ sở này cũng hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. Tương tự, tại các địa phương như Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh… cũng đã có cơ sở giết mổ lợn, gia cầm tập trung nhưng đến nay đang ngắc ngoải. Có tình trạng này theo bà Thu, do tổ chức quản lý của các cấp chính quyền chưa quyết liệt, xử lý các vi phạm trong giết mổ chưa nghiêm, buông lỏng quản lý, kiểm soát kinh doanh thịt GSGC tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa giết mổ tự do nhỏ lẻ, giết mổ lậu với giết mổ tập trung có kiểm soát. 

Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Hà Nội hiện có hơn 3.000 điểm, hộ giết mổ GSGC nằm rải rác trong khu dân cư. Trong đó, chỉ có 458/3.000 hộ, điểm giết mổ có thú y kiểm soát. Trong khi, có khoảng 11 tỉnh, thành đang cung cấp GSGC cho thị trường Hà Nội thì tỷ lệ GSGC có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp lệ từ các tỉnh vào Hà Nội còn thấp. Do ý thức chấp hành của người kinh doanh còn hạn chế, việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào TP diễn ra dưới nhiều hình thức, đa dạng khó kiểm soát. Tại các quận nội thành vẫn tồn tại tình trạng kinh doanh gia cầm chưa giết mổ, sản phẩm GSGC không qua kiểm dịch. 

Quá nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ, trong khi chính quyền địa phương lại thiếu quan tâm khiến VSATTP trong giết mổ GSGC ngày càng bức xúc. Để tiến tới chấm dứt tình trạng này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, đến năm 2015, Hà Nội phải kiểm soát được 75% GSGC tại các điểm giết mổ. Trong quý I/2013, tất cả các tỉnh, thành phải phê duyệt quy hoạch giết mổ tập trung. “Chính phủ đề nghị trong năm 2013, Hà Nội phải xong quy chế phối hợp với 11 tỉnh lân cận trong việc cung cấp, vận chuyển GSGC. 4  Bộ gồm NN&PTNT, Công Thương, Y tế và Công an phải hoàn thiện Thông tư liên tịch. Hà Nội phải mẫu mực trong việc tiêu thụ thịt GSGC an toàn, phải tạo niềm tin cho người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Tin cùng chuyên mục