Giây phút trữu nặng của một tử tù đã từng viết đơn để được thi hành sớm

ANTĐ - Ngày 12 tháng 3 năm 2014, tử tù Vũ Đình Tương (SN 1972) đã được đưa đi thi hành án. Nhưng trong vòng 6 năm trước khi đi trả án, Vũ Đình Tương là một trong những tử tù khiến Thượng úy Đậu Vĩnh Thành, cán bộ quản giáo trông coi tử tù tại Nhà giam B2, Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An nhớ nhất bởi đây chính là tử tù mà anh là người đến thông báo quyết định thi hành án. Cả với người quản giáo và cả với tử tù đó quả là giây phút khó khăn và trĩu nặng…

Giây phút trữu nặng của một tử tù đã từng viết đơn để được thi hành sớm ảnh 1Ảnh minh họa

Chuyện của tử tù trong chốn biệt giam

Thượng úy Đậu Vĩnh Thành (SN 1978), người đã có thâm niên hơn 10 năm công tác tại Cơ sở Giáo dục Hoàn Cát, thuộc Cục Quản lý Trại giam, Bộ Công an ở tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị trước khi chuyển về Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, nhận nhiệm vụ trông coi tử tù tại Nhà biệt giam B2. Kể với chúng tôi, Thượng úy Đậu Vĩnh Thành cho biết rằng dù đã có những mường tượng từ trước về đối tượng, nhóm đối tượng mà cuộc sống chỉ được tính bằng ngày, bằng tháng này, song cũng có lúc anh cũng phải bất ngờ, ngạc nhiên trước thái độ và diễn biến tâm lý của một số tử tội đang chờ ngày lên “chuyến đò về âm phủ”. Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An hiện có 17 tử tội đang chịu án chờ ngày ra pháp trường, trong đó có 3 phạm nhân nữ. Tử tù có thời gian “nằm xiềng” lâu nhất cũng gần 12 năm, phần lớn trong số này là phạm tội buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy và giết người, cướp của, hiếp dâm. Cũng bởi có nhiều tử tù chờ đợi ngày ra pháp trường như vậy nên công tác quản lý, canh giữ phạm nhân của những người quản giáo tại các khu biệt giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cũng có những đặc thù riêng.

Ở Nhà giam B2 nơi Thượng úy Đậu Vĩnh Thành nhận nhiệm vụ trông coi hiện nay có tất cả 5 tử tù - là 5 con người với những tính cách, diễn biến tâm lý hoàn toàn khác nhau. Thượng úy Đậu Vĩnh Thành kể, trong số này có tử tù đã xác định được tội lỗi của mình nên từ tư tưởng đến thái độ chấp hành rất tốt, ngược lại cũng có không ít tử tù chống đối, manh động với những diễn biến tâm lý hết sức phức tạp, liên tục có những hành vi thiếu suy nghĩ. Bên cạnh đó cũng có những tử tù sau khi nhận bản án và nằm chờ đợi đến ngày thi hành án hoàn toàn cô độc, gần như trong suốt quá trình bị giam giữ không có bất cứ một sự thăm nuôi nào. Đối với tất cả những trường hợp như vậy, người cán bộ quản giáo đảm nhận công việc ở chốn biệt giam đòi hỏi vừa phải có tâm, vừa có tầm và kinh nghiệm trong nghề để giúp tử tù ổn định tâm lý không gây ra những sự việc đáng tiếc nào trước lúc đến thời điểm đi trả án.

Thượng úy Đậu Vĩnh Thành kể tiếp, đơn cử như tử tù Mùa Bá Tu (SN 1987), quê quán ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, phạm tội buôn bán trái phép chất ma túy, bị kết án tử vì đã xách thuê 22 bánh heroin, trọng lượng 6kg và 12.000 viên ma túy tổng hợp. Từ năm 2010, Mùa Bá Tu cùng gia đình sang cư trú tại mường Khăm Cợt, tỉnh Bôlykhămxay, Lào. Tại đây, Mùa Bá Tu không có việc làm và cần tiền để tiêu xài, ăn chơi nên đã nhận lời đi xách hàng thuê cho ông chủ người Lào. Đêm 18-7-2012, khi đang mang ma túy từ Lào đến khu vực xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ. Mùa Bá Tu mang án tử hình. Từ khi bị bắt giữ đến lúc kết án tử và thi hành án từ năm 2012 đến nay, tử tù Mùa Bá Tu bị gia đình “bỏ rơi”, không một lần thăm nuôi nên so với các bạn tù khác, tử từ này rất thiếu thốn về nhiều mặt. Để động viên, cán bộ quản giáo đã trích một phần tiền lương ít ỏi để hỗ trợ cho phạm nhân này. Cách đây khoảng 2 tháng, vợ của Mùa Bá Tu từ Lào về đã đến thăm Tu một lần duy nhất, và ký gửi số tiền 500.000 đồng để thăm nuôi chồng. Gia đình xảy ra biến cố, người vợ này đã mang theo 2 con nhỏ vượt biên trái phép sang Lào để sinh sống từ đó đến nay.

Thượng úy Đậu Vĩnh Thành kể, mặc dù nhận công tác tại Nhà giam B2 chưa lâu song anh cũng có rất nhiều câu chuyện về các phạm nhân tử tù. Đã có những tử tù cải tạo tốt, cũng có những phạm nhân coi cán bộ quản giáo như người thân, người cha, người mẹ của mình nên thường xuyên tìm đến để sẻ chia những biến cố trong quá khứ, những lầm lỗi trong cuộc đời, và không quên chờ đợi những hy vọng rằng ngày mai trời vẫn sáng.

 Một trong những tử tù như vậy là Vũ Đình Tương, “chân rết” trong đường dây ma túy xuyên Việt khét tiếng từ Lào về Việt Nam do “ông trùm” Trần Đình Phi cầm đầu. Xuất thân là một tri thức, sau khi tốt nghiệp đại học Trần Đình Phi về làm kế toán tại trường THCS ở bản Na Tọoc, xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An rồi bị lôi kéo vào “con đường” ma túy. Trong khoảng thời gian 5 năm, Trần Đình Phi đã thiết lập đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ Lào về huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An rồi cho các “chân rết” tuồn đi các tỉnh trong cả nước với số lượng lên đến 59 bánh heroin. Khi bị bóc trần vào năm 2006, đường dây này có 21 đối tượng phải ra trước vành móng ngựa, trong đó có 4 án tử hình và 3 đối tượng chung thân. “Ông trùm” Trần Đình Phi nhận án tử hình, và đối tượng này hiện cũng đang nằm chờ ngày ra pháp trường tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. Một trong những “chân rết” đắc lực cho Trần Đình Phi trong đường dây ma túy này là Vũ Đình Tương (SN 1972) cũng đã được thi hành án tử sau quãng thời gian gần 7 năm chờ thi hành án…

Giây phút trước giờ thi hành án 

Quá trình giam giữ, tử tù Vũ Đình Tương luôn tỏ thái độ hợp tác, thành khẩn và hối lỗi với hành vi sai lầm trong quá khứ của mình - Thượng úy Đậu Vĩnh Thành kể lại - Vũ Đình Tương xuất thân từ một nông dân nghèo, có cuộc sống thiếu thốn, khi được hai người bạn nối khố là Vi Thị Huệ và Ngân Thị Hường, trú xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An rủ rê, lôi kéo tham gia vận chuyển ma túy, công việc nhẹ nhàng nhưng thu nhập lại lớn, Vũ Đình Tương đã nhắm mắt đưa chân.

Những ngày bị giam trong trại, vợ con của tử tù Vũ Đình Tương thường xuyên thăm nuôi, động viên. Gần 7 năm ở chốn biệt giam, có những thời điểm thấy vợ con phải vất vả vượt hàng trăm cây số thăm nuôi, Tương đã rất nhiều lần tâm sự rằng có ý định viết thư xin được thi hành án tử hình sớm. Song, khi đối mặt với cái chết, nghĩ đến phải lìa xa sự sống, không còn được gặp mặt vợ con và những người thân, ngày mai trời sẽ không sáng nữa thì tử tù này bộc bạch rằng lại tha thiết sống hơn bao giờ hết. Giá như!... 

Nhưng rồi, cuối cùng giây phút không thể cưỡng lại ấy cũng đã đến, khi Hội đồng thi hành án Công an tỉnh Nghệ An quyết định thi hành án đối với tử tù này vào ngày 12-3-2014 bằng hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc. Vũ Đình Tương là tử tù thứ ba tại tỉnh Nghệ An thi hành án bằng hình thức này. 

Thượng úy Đậu Vĩnh Thành kể lại, Vũ Đình Tương là trường hợp thi hành án tử hình đầu tiên mà anh nhận nhiệm vụ thông báo và dẫn giải kể từ khi nhận nhiệm vụ công tác tại đây. Suốt đêm ấy, Thượng úy Đậu Vĩnh Thành đã không chợp mắt, đợi đến đúng 4 giờ sáng, bước chân anh trĩu nặng đến mở cửa buồng biệt giam của tử tù Vũ Đình Tương. Vừa mở cửa, vừa gọi lớn: “Anh Tương! Anh chuẩn bị đi thi hành án”. Có lẽ mọi chuyện đường đột quá nên tâm lý bị sốc và choáng, khi nghe cán bộ thông báo như vậy, Vũ Đình Tương ấp úng nói vọng ra, giọng đầy thảng thốt, theo phản xạ một cách vô thức: “Thưa cán bộ, tôi có tội tình gì mà bắt tôi đi thi hành án?”. 

Lúc này, Thượng úy Đậu Vĩnh Thành đã phải giải thích trở lại, rằng tội của anh đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án xem xét và tuyên án qua hai phiên xử. Giờ quyết định thi hành án đã có, nên hợp tác để tự giải thoát cho mình trong thanh thản, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Hiểu được tâm lý xáo trộn của tử tù lúc này nên Thượng úy Đậu Vĩnh Thành đã nhanh trí châm cho Vũ Đình Tương một điếu thuốc lá để lấy lại bình tĩnh.

Thoáng chút ngần ngừ, tử tù này rít sâu điếu thuốc. Hút xong điếu thuốc cán bộ quản giáo châm cho, Tương đã bình tĩnh trở lại và hiểu ra rằng khoảnh khắc bấy lâu nay bản thân mình lo sợ trong chờ đợi đã đến. Vũ Đình Tương xin phép Thượng úy Đậu Vĩnh Thành cho mấy phút để làm vệ sinh cá nhân và nói lời chào với những người bạn tù ở lại, sau đó chậm rãi theo chân các cán bộ quản giáo đến nhà ăn dùng bữa cơm ân xá cuối cùng của cuộc đời trước khi thi hành án. Trên đường dẫn giải từ nhà giam đến nơi thi hành án, trong những bước đi trĩu nặng, tử tù Vũ Đình Tương đã bày tỏ sự tiếc nuối, niềm ân hận đã để vợ con và gia đình phải khổ tâm vì tội lỗi của mình và gửi tới họ lời xin lỗi chân thành nhất trong sự ăn năn muộn màng. Phút giây định mệnh trên chiếc ghế thi hành án tử, khi được cán bộ hỏi có nhắn nhủ gì thêm với gia đình, vợ con không, tử tù Vũ Đình Tương đã lắc đầu từ chối. Cánh cửa cuộc đời đã khép lại vĩnh viễn đối với một con người, một tử tù có một quá khứ lầm lạc và phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.