Giây phút thanh bình giữ đảo Trường Sa

ANTĐ - Hướng dẫn cho tôi để chuẩn bị cho chuyến đi Trường Sa là nhà báo Phong Lan (trang web vanvn.net của Hội Nhà văn VN) vì Lan đã đi Trường Sa; nhà thơ Văn Công Hùng tận trong Gia Lai và nhạc sĩ Trần Ngọc Lâm (cán bộ Nhà văn hóa Hải quân, người đi cùng để phụ trách đoàn văn nghệ sĩ trên con tàu HQ 996). 

Nước ngọt ngoài biển

Anh Văn Công Hùng bảo qua di động: Em không lo, trên tàu có cả chỗ phơi phóng thoải mái. Nước cũng đủ dùng. Nhưng về điện đóm thì nên mang cái dây điện cắm nối vì cả phòng chỉ có một ổ điện thôi.

Trần Ngọc Lâm cũng nói qua điện thoại những thứ cần mang như áo mưa mỏng mỗi người vài cái, võng, thuốc và đồ dùng cá nhân, dép nhựa.... Và nụ cười tếu táo bay qua không gian từ Hải Phòng đến Hà Nội của Lâm khiến tôi cũng phì cười: “Chị nên mang cả váy đi nhé. Váy ngắn càng tốt. Mấy khi anh em chiến sĩ được ngắm dáng váy trên đảo”.

Trên các đảo thì tình hình nước ngọt có hơi khác nhau, do tính chất địa lí khí hậu của từng khu vực đảo. Hầu như đảo nào cũng có hệ thống hứng và chứa nước mưa. Những đảo chìm thì chỉ có cách trông chờ vào nguồn dự trữ nước mưa, nước ngọt thì tàu chở đến và bơm vào bể chứa. 

Đảo lớn thì có đảo Song Tử Tây, khi đoàn chúng tôi đến, chỉ huy trưởng tiếc nuối: đoàn ra mà chúng tôi không kịp khánh thành cái hệ thống lọc nước của Italia giúp. Nhìn hệ thống lọc nước sừng sững, chúng tôi mừng quá, sắp tới sẽ là tất cả các đảo lớn có hệ thống lọc nước biển kì diệu này. 

Ở đảo Sơn Ca, như tôi đã kể thì nước ngọt khan hiếm hơn cả. Lính tráng có suất, mỗi ngày mỗi người chỉ được dùng 5 lít nước. 

Tôi lang thang đi chụp ảnh ở đảo Sinh Tồn, gặp một cái giếng khá rộng, trên thành giếng ghi: Công trình Thanh niên. Giếng nước trong veo, nhưng hình như ít dùng, vì độ nước lợ cao. 

Riêng đảo Trường Sa, hòn đảo tuyệt đẹp và lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thì khoan được 6 giếng nước ngọt. Tôi đưa giọt nước lên nhấm thử, kể ra nước không được ngọt như ở đất liền, nhưng nấu canh, rửa rau, rửa bát, tưới rau và tắm giặt thì vô tư. 

Phục vụ trên tàu HQ 996

Tổ nấu ăn phục vụ cho đoàn công tác gồm 14 nhân sự, do Trung úy Hoàng Minh Thông sinh 1973, người cao tuổi nhất tổ, quê Quảng Bình đang vốn là trợ lý Ban Kinh tế Tổng cục Hậu cần, làm tổ trưởng. Bếp trưởng - Trung úy Nguyễn Văn Diễn to khỏe, quê Tiền Hải - Thái Bình. Anh là sĩ quan ở Trung tâm huấn luyện tiểu đoàn 459, chưa từng qua một trường nấu ăn nào nhưng lại có tài nấu nướng từ nhỏ, có thể nấu từ món ăn bình dân đến các món đặc sản cao cấp. Các anh đều là những sĩ quan được điều động từ các đơn vị về. Nghĩa là họ được cử đi công tác đặc biệt. Toàn sĩ quan chứ không phải đầu bếp. Có người đi học ở Nga về, vừa hôm trước nhận quyết định về công tác ở vị trí quan trọng, hôm sau nhận lệnh lên đường đi công tác đặc biệt. Hóa ra được cử đi nấu ăn phục vụ đoàn công tác. Ở nhà không biết thế nào là nấu cơm. Vậy mà vẫn đóng vai đầu bếp khá tốt. Tổ nấu ăn được lệnh lên đường trước đó chục ngày để xuống tàu chuẩn bị.

Họ đã cùng các thành viên tổ máy chuyển xuống tàu một lượng lương thực và thực phẩm lớn. Khối lượng lương thực thực phẩm hơn 5 tấn đó đã được chế biến nhiều thực đơn không trùng lặp trong quá trình 10 ngày lênh đênh trên biển và lên đảo. Hầu như đoàn công tác rất ít ăn trên đảo, chủ yếu thăm nom làm việc xong là quay về tàu ăn cơm. Mỗi ngày tổ phục vụ chế biến chừng 15 món ăn cho 4 bữa chính và phụ trong một ngày, nghĩa là ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều và ăn đêm, phục vụ khoảng 215 người (gồm đại biểu công tác và các cán bộ chiến sĩ phục vụ, trừ kíp lái tàu và tổ máy tổ xuồng). Ngay cả vị bác sĩ của tàu cũng xuống bếp nấu ăn. Khi có ai đó bị say sóng, bị ốm thì anh đến phòng chăm sóc, cấp thuốc, báo cháo hoặc mì tôm cho bếp phục vụ riêng.

Có một điều không thể không kể lại, đó là khi hành trình gần đến ngày cuối trên biển, thì lượng nước chứa trên tàu, đồ ăn thức uống, cũng như khối quà nặng trĩu đã dùng đã biếu đã vơi gần hết, nên tàu nhẹ, lắc lư mạnh. Lại gặp đúng vùng nước biển xoáy sóng nhiều, nên đoàn công tác có rất nhiều người quay trở lại trạng thái say sóng và ốm lử đử.

Những ngày này, tổ phục vụ nấu ăn và bác sĩ rất vất vả. Phải nấu riêng cho từng người theo yêu cầu. Thành phần đi cũng có cả vị sư ông của đoàn doanh nhân Vĩnh Tường Vĩnh Phúc, họ ra để khánh thành Lầu Quan Âm ở đảo Trường Sa mà họ đã đầu tư xây dựng, nên mời cả sư ông đi. Và tổ nấu ăn phải chú ý làm cơm chay cho nhà sư.

Chó,  gà, lợn và chim hải âu

Có lẽ những “chú” chó, gà, lợn thả và những cánh hải âu là những động vật vô tư nhất trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Chiều chiều, khi thủy triều xuống, cả bầy chó do lính hải quân nuôi chạy loăng quăng quanh kè đảo, rồi chạy ra sát mép nước. 

Mấy người lính hải quân nói với tôi:

Có lẽ mấy chú chó, gà kia là những công dân đích thực khẳng định chủ quyền biển đảo. Chó thường hay đánh dấu chủ quyền bằng cách ghếch một chân lên để… tè.

Chúng tôi cười vang. 

(Tôi nghĩ khi phải làm thịt đàn chó gà kia, những người lính hải quân chắc chắn xót xa)

Một cánh chim hải âu liệng xuống bên bờ kè của đảo Trường Sa, trước đây vẫn gọi là Trường Sa lớn. 

Cùng lúc với ráng chiều đang sà xuống thấp nơi hòn đảo, là một đàn lợn nuôi thả, một mẹ mấy con lẵng nhẵng theo nhau đi sục cái ăn. Tôi quá đỗi ngạc nhiên. Trên cái hòn đảo này, ngoài sỏi, đá san hô, cát bụi và cỏ ra, thì chúng sục được gì để ăn nhỉ? Nhưng hình như tôi nhầm. Dưới lớp cỏ là sỏi đá. Dưới sỏi đá là mầm cây rễ cỏ. Mùi thơm của đất ẩm, của rễ cây đang vươn sức sống và dâng hiến.

Tôi giơ máy ảnh lên chụp đàn lợn mẹ con đầm ấm ấy. Nhưng bất ngờ trong ống kính của tôi lọt vào hình bóng vị sư trong đoàn.

Lòng tôi cảm thấy thật yên bình. Tôi đã viết trong nhật kí chuyến đi:

“Cả tuần trên sóng nước, có được giây phút thanh bình ở bãi cỏ giữa đảo Trường Sa. Chợt thấy mọi sự nhỏ mọn đến với ta không còn làm ta đau buồn hơn được nữa...”.

30/7/2014